Bất ngờ trước khả năng lây nhiễm của căn bệnh khiến gần 260 học sinh đồng loạt nhập viện

259 học sinh tại 10 điểm trường bị các triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, sốt, ho... phải nhập viện vì có triệu chứng cúm mùa - loại bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao.

Ngày 24/9, 61 học sinh Trường Tiểu học Nguyễn Văn Huyên (thị trấn U Minh, huyện U Minh, tỉnh Cà Mau) bị các triệu chứng chóng mặt, nhức đầu, sốt, ho. Sau đó 1 ngày, UBND huyện đã chỉ đạo Phòng GD-ĐT thống kê, báo cáo danh sách học sinh mắc bệnh trên toàn huyện.

Qua thống kê có 200 em mắc bệnh với các triệu chứng tương tự và đến nay thì con số đã lên đến 259 học sinh. Ngoài ra, còn 2 em bị chân tay miệng.

Theo đánh giá ban đầu của ngành y tế huyện U Minh, hơn 200 em học sinh đồng loạt nhập viện có biểu hiện của cúm mùa. Hiện Trung tâm Y tế huyện này đã lấy mẫu bệnh gửi xét nghiệm để xác định virus gây bệnh.

Ngành Y tế huyện U Minh đã phối hợp với các trường trên địa bàn tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng, phòng ngừa mầm bệnh lây lan.

Ngành Y tế huyện U Minh đã phối hợp với các trường trên địa bàn tiến hành phun thuốc tiêu độc khử trùng, phòng ngừa mầm bệnh lây lan.

Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế cho biết cúm mùa là bệnh truyền nhiễm cấp tính với biểu hiện sốt, đau đầu, đau cơ, mệt mỏi, sổ mũi, đau họng và ho.

Tác nhân gây bệnh chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1), cúm B và cúm C. Bệnh có khả năng lây nhiễm rất cao, qua đường hô hấp, qua các giọt nhỏ nước bọt hay dịch tiết mũi họng do hắt hơi, ho khạc.

Thông thường bệnh diễn biến nhẹ và hồi phục trong vòng 2-7 ngày, nhưng đối với trẻ em, người lớn tuổi, người có bệnh mãn tính về tim phổi, thận, bệnh chuyển hóa, thiếu máu hoặc suy giảm miễn dịch ..., bệnh có thể diễn biến nặng hơn, dễ bị biến chứng và có thể dẫn đến tử vong.

Bệnh lưu hành tại nhiều nước trên thế giới, theo ước tính của Tổ chức Y tế thế giới, hàng năm có khoảng 5-10% người lớn trưởng thành và khoảng 20-30% trẻ em bị nhiễm bệnh, trong đó có 3 - 5 triệu trường hợp có diễn biến nặng; khoảng 250.000 - 500.000người tử vong.

Tại Việt Nam, trong 10 năm gần đây hàng năm ghi nhận khoảng từ 1 - 1,8 triệu trường hợp mắc hội chứng cúm, nguyên nhân chủ yếu do các chủng virus cúm A(H3N2), cúm A(H1N1) và cúm B gây nên. Các trường hợp mắc bệnh có xu hướng gia tăng vào mùa đông và mùa xuân.

Các bác sĩ cũng cho biết thời tiết giao mùa (chuyển từ nắng gắt sang mưa lạnh) và mùa tựu trường là điều kiện thuận lợi cho nhiều mầm bệnh phát sinh, nhất là cúm mùa.

Các dấu hiệu khi mắc cúm mùa dễ nhận biết là sốt cao trên 38 độ C, nhức đầu, nhức mình, chảy mũi, đau họng, mệt mỏi và ho, trẻ em có thể nôn ói, tiêu chảy. Thời gian ủ bệnh từ 2-3 ngày, kết thúc trong vòng từ 5-7 ngày.

Để chủ động phòng chống cúm mùa, Bộ Y tế khuyến cáo:

- Đảm bảo vệ sinh cá nhân, che miệng khi hắt hơi, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước muối.

- Giữ ấm cơ thể, ăn uống đủ chất để nâng cao thể trạng.

- Tiêm vaccine cúm mùa phòng bệnh.

- Hạn chế tiếp xúc với bệnh nhân cúm hoặc các trường hợp nghi ngờ mắc bệnh khi không cần thiết.

- Khi có triệu chứng ho, sốt, sổ mũi, đau đầu, mệt mỏi cần đến ngay cơ sở y tế để được khám, xử trí kịp thời.

Võ Thu

Nguồn GĐ&XH: http://giadinh.net.vn/y-te/bat-ngo-truoc-kha-nang-lay-nhiem-cua-can-benh-khien-gan-260-hoc-sinh-dong-loat-nhap-vien-20190928095036335.htm