Bất ngờ về 'Đồi thông hai mộ'
Tọa đàm khoa học: 'Đồi thông hai mộ - Từ di cảo đến di sản' - do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Kim Bôi phối hợp với Ban chuyên đề Hội nhà văn Việt Nam và gia đình tổ chức sáng ngày 9/8 tại Hòa Bình.
Nhiều nhân chứng liên quan đến “tuổi thọ” hơn 60 năm của "Đồi thông hai mộ" cũng hiện diện.
Hai ngày trước khi diễn ra cuộc Tọa đàm khoa học: “Đồi thông hai mộ - Từ di cảo đến di sản” nhà văn Lã Thanh Tùng - Phó trưởng ban chuyên đề Hội Nhà văn Việt Nam mới điện thoại gặp rồi chuyển cho tôi giấy mời dự…
Bất ngờ là cuộc gặp sau đó có anh Vũ Đình Thảo - cháu nội của văn sĩ Tùng Giang - Vũ Đình Trung, tác giả tập truyện thơ "Đồi thông hai mộ" - với hơn 1.000 câu song thất lục bát được Nhà xuất bản Yên Sơn xuất bản, phát hành (lần đầu) vào cuối năm 1949, sau đó được tái bản lần thứ ba (đầu 1952) và nội dung được lưu truyền không chỉ ở ngoài Bắc mà cả trong miền Nam cho đến những năm 60 thế kỷ trước.
Nhà thơ Lê Va, Chủ tịch Hội VHNT Hòa Bình chủ trì tọa đàm.
Bất ngờ nữa là Vũ Đình Thảo còn ký tặng tôi tập "Đồi thông hai mộ", bản Photocopy. Giở đọc mấy trang đầu, tôi chợt nhớ: Đầu những năm 60 tôi từng hơn một lần được nghe kể về chuyện tình của chàng Đinh Lăng nào đó ở ngoài châu Lương Sơn và rồi năm 1964 - 1965, khi đang là học sinh cấp I cấp II trường xã ở Kim Bôi tôi được ông cậu (em trai mẹ) dúi cho mượn bản chép tay và đọc vụng "Đồi thông hai mộ". Mấy câu mở đầu tập thơ tôi nhớ đến giờ:
"Anh Đinh Lăng, giờ đây đâu nhỉ?
Anh của em yêu quý nhất đời
Anh đi mù mịt xa khơi
Phượng hoàng tung cánh phương trời mải bay
Nỗi niềm em, anh hay chăng nhỉ?
Vẫn chờ anh, bóng lẻ phòng không
Xa trông mây nước mịt mùng
Lệ sầu thấm ố chăn hồng đêm đông
Trí ngang dọc non sông nghĩa vụ
Nợ cao dầy vũ trụ tang bồng
Tuy chưa pháo nổ rượu nồng
Tuy chưa chăn gối vợ chồng như ai…"
Bà Nguyễn Thị Hòa, 83 tuổi đọc trích đoạn "Đồi thông hai mộ".
Vũ Đình Thảo vốn là một kỹ sư ngành giao thông, công việc nhiều chục năm trước nay đây mai đó, trong Nam ngoài Bắc. Phải đến năm 2016 sau khi về hưu, với lòng kính trọng và ngưỡng mộ người ông “văn hay, chữ tốt” (có thời hành nghề khắc bút ở Bờ Hồ), lại được gắn bó với ông suốt những năm tháng tuổi thơ… nên Thảo dành ra thời gian đi tìm “Đồi thông hai mộ”.
May là "Đồi thông hai mộ" còn đó trong Thư viện Quốc gia!
Theo “Mấy dòng tản cư ký sự, mấy trang tình sử bi hùng” ở đầu tập thơ, thì: Năm 1946, chàng thanh niên Vũ Đình Trung - sau trở thành văn sĩ Tùng Giang - cùng với gia đình rời Hà Nội trong phong trào “tiêu thổ kháng chiến” tản cư vào Chương Mỹ rồi từ đây đi tiếp về phía tây bắc đến một vùng núi non thuộc châu (huyện) Lương Sơn, tỉnh Hòa Bình.
Gia đình vốn có nghề buôn bán, mọi người gồng gánh, đi đến đâu bán vài thứ hàng nhu yếu phẩm ở đó. Tại một nơi nghe nói rừng thiêng nước độc, cách chợ Đồn khoảng 9 cây số và cách thị xã Hòa Bình trên dưới 40 cây số…
Tùng Giang tác giả gặp và đi theo một ông già người địa phương về nhà. Ông già kể cho nghe chuyện về hai ngôi mộ bên đồi thông, gần đó có dòng suối Ngang. Hai nhân vật trong hai ngôi mộ là: Chàng Đinh Lăng và Quách Thị Mỵ Dung - Đinh, Quách là hai dòng họ quan lang quyền quý hàng đầu của người Mường Hòa Bình thời bấy giờ (Đinh, Quách, Bạch, Hà…).
Vũ Đình Thảo lăn lộn đến vùng Lương Sơn và Kim Bôi, Hòa Bình (huyện Kim Bôi tách ra từ châu Lương Sơn năm 1959) và gặp được nhiều nhân chứng, dấu tích còn xót lại liên quan đến Đồi thông hai mộ ở xóm Khả xã Bắc Sơn.
Thảo đi tìm “Đồi thông hai mộ” nhiều lần, có chuyến rủ một số nhà văn, nhà nghiên cứu phê bình văn học cùng đi, trong số đó có anh Nguyễn Hữu Sơn - Phó viện trưởng Viện Văn học - Người đến sau trong cuộc gặp của nhà văn Lã Thanh Tùng, Vũ Đình Thảo và tôi. Anh Sơn vừa có bài: Hai ngày về nguồn “ Đồi thông hai mộ” đăng trên Báo Người Hà Nội…
Tọa đàm khoa học: "Đồi thông hai mộ - Từ di cảo đến di sản" - do Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Kim Bôi phối hợp với Ban chuyên đề Hội nhà văn Việt Nam và gia đình tổ chức sáng ngày 9 tháng 8 - 2019 tại thành phố bên sông Đà. Ngoài các nhà văn, nhà thơ, nhà nghiên cứu và lý luận phê bình văn học từ Hà Nội lên như: Lã Thanh Tùng, Nguyễn Đức Mậu, Đăng Bảy, Nguyễn Hữu Sơn, Văn Giá, Nguyên An… là các nhà văn, nhà thơ đã và đang công tác ở địa phương như: Lê Va (Chủ tịch Hội VHNT tỉnh), Đinh Đăng Lượng, Lò Cao Nhum, Bùi Việt Phương, đại diện nhiều cơ quan, ban ngành của tỉnh…
Đặc biệt và bất ngờ là sự có mặt của nhiều nhân chứng liên quan đến “tuổi thọ” hơn 60 năm của tập truyện thơ "Đồi thông hai mộ" trong khán phòng chật kín gần 100 người tham dự: Đó là ông Nguyễn Hữu Duyên, năm 1955 - 1956 là học sinh trường cấp II Hoàng Văn Thụ (bên kia sông Đà) đã mượn được một người bạn rồi nghiến ngấu đọc và nhớ nhiều câu thơ trong "Đồi thông hai mộ".
Ông Duyên sau đó tình cờ được gặp và nghe văn sĩ Tùng Giang nói chuyện ở nhà của bố một người bạn học. Đó là bà Nguyễn Thị Hòa (vợ của ông Duyên) không nhớ từ bao giờ đã thuộc lòng hơn 600 câu song thất lục bát "Đồi thông hai mộ". Tại tọa đàm, bà Hòa đã đọc làu làu một trích đoạn mà không cần đến sách trước sự ngạc nhiên và vỗ tay ràn rạt của nhiều người. Đó là nhà thơ Đặng Hiển, năm 1963-1964 là giáo viên dạy văn Trường cấp III Phú Xuyên thấy một học sinh đọc trộm "Đồi thông hai mộ" trong giờ học nên đã “tịch thu”.
Quyển sổ chép tay "Đồi thông hai mộ" của ông Đinh Công Sắc từ năm 1964.
Thầy giáo Hiển đem tập thơ về nhà đọc và thấy nội dung không có gì phải cấm nên hôm sau đem trả lại. Bất ngờ là cô trò đó đã tặng lại và thầy giáo Hiển đã giữ gần như trọn vẹn tập thơ cho đến nay! Đó là ông Đinh Công Sắc (82 tuổi), năm 1964 anh thanh niên Sắc đã chép tay toàn bộ nội dung "Đồi thông hai mộ" vào một cuốn sổ và cuốn sổ đó vẫn còn nguyên kia…
Nhà giáo, nhà thơ Đặng Hiển, người lưu giữ tập thơ từ năm 1964.
Tự các “tư liệu”/người đọc "Đồi thông hai mộ" đã nói lên nhiều điều. Đó là một tác phẩm văn học có nội dung và tư tưởng, nếu không đã chẳng được truyền tụng và lưu giữ từ nhiều chục năm nay.
Thật ra ở ngay trang đầu tập "Đồi thông hai mộ" văn sĩ Tùng Giang - tác giả đã có câu đề dẫn: “Kính tặng Anh hồn bất diệt của toàn thể nam nữ Chiến sĩ Việt Nam đã hiến thân cho đất nước”. Chủ đề, tư tưởng là vậy, nhưng không hiểu do “lịch sử để lại” hay còn những lý do “chủ quan, khách quan” nào khác (như người ta vẫn thường noi) mà có giai đoạn Đồi thông hai mộ bị đình bản để rồi từ đó, gần 70 năm văn đàn văn học trong nước lãng quên một tác phẩm trong thư viện - Mà là thư viện Quốc gia?
Sau gần 70 năm, có một tọa đàm khoa học: “Đồi thông hai mộ - Từ di cảo đến di sản” là một việc làm thật ý nghĩa. Từ phát biểu tham luận của các nhà văn, nhà nghiên cứu, lý luận và phê bình văn học, các nhân chứng bạn đọc/người yêu thơ… tọa đàm mở ra một cách tiếp cận mới, khẳng định nội dung, giá trị của "Đồi thông hai mộ". Thông qua tập truyện thơ, có thêm một bằng chứng sinh động: Người Mường Hòa Bình đã đồng hành cùng đất nước đi qua các giai đoạn lịch sử hào hùng của dân tộc.
Từ Di cảo, "Đồi thông hai mộ" có trở thành Di sản văn hóa hay không, có lẽ Hội Văn học nghệ thuật tỉnh Hòa Bình, UBND huyện Kim Bôi còn nhiều việc phải làm. Mà tiếp đến là một hội thảo chuyên sâu hơn về "Đồi thông hai mộ" sẽ được tổ chức tại huyện sở tại, nơi phát tích chuyện tình sử như Phó chủ tịch UBND huyện Kim Bôi Lê Đức Hùng xác nhận trong cuộc tọa đàm.
Hy vọng "Đồi thông hai mộ" từ di cảo văn học sẽ trở thành một di sản, một địa danh văn hóa, du lịch, môi trường của tỉnh Hòa Bình nói riêng và của cả nước nói chung trong một tương lai gần.
Nguồn Công Luận: https://congluan.vn/bat-ngo-ve-doi-thong-hai-mo-post66610.html