Bất ngờ với 7 phát minh công nghệ cũ vẫn được sử dụng đến hiện nay
Nhiều công nghệ cũ tưởng chừng đã lỗi thời vẫn đang tiếp tục hoạt động âm thầm và đóng vai trò quan trọng trong nhiều lĩnh vực hiện đại.

Bạn có còn nhớ đến đĩa mềm? Biểu tượng hình chiếc đĩa nhỏ màu xanh vẫn còn hiện diện trên nút “Save” của rất nhiều phần mềm ngày nay, dù phần lớn người dùng trẻ chưa bao giờ thực sự dùng nó.
Đĩa mềm đã từng thống trị vào những năm 70, 80 và 90, và chỉ có thể lưu trữ từ 100 KB đến 1,44 MB dữ liệu. Ngày nay, dung lượng này hầu như không đủ cho một bức ảnh độ phân giải cao, nên không có gì ngạc nhiên khi chúng không còn được ưa chuộng nữa khi đĩa CD, USB và lưu trữ đám mây ra đời.

Biểu tượng đĩa mềm vẫn được sử dụng là nút Save trên nhiều ứng dụng. Ảnh: TIỂU MINH
Nhưng ở những nơi như hệ thống điều khiển tàu điện ở San Francisco, hoặc phần mềm cập nhật định kỳ cho các máy bay Boeing cũ, đĩa mềm vẫn là thiết bị không thể thiếu. Lý do đơn giản là những hệ thống này được thiết kế từ trước khi có Internet, và chưa thể (hoặc chưa cần) chuyển sang phương thức lưu trữ hiện đại.
Một ví dụ khác là Windows XP, hệ điều hành ra mắt từ năm 2001. Dù Microsoft đã ngưng hỗ trợ từ lâu, XP vẫn được duy trì trong máy ATM, hệ thống POS và nhiều thiết bị y tế do sự ổn định và chi phí chuyển đổi cao. Nó được mọi người đùa cợt là hệ điều hành “sống dai” nhất lịch sử.

Máy nhắn tin, biểu tượng liên lạc của thập niên 80 cũng chưa hề biến mất. Trong bệnh viện, đội ngũ bác sĩ vẫn tin dùng thiết bị này vì khả năng hoạt động ổn định ở nơi sóng yếu, độ bền cao và khó bị theo dõi. Những yếu tố này khiến máy nhắn tin vẫn có chỗ đứng nhất định giữa thời đại điện thoại thông minh.
Máy ảnh phim, thứ tưởng như chỉ còn trong bảo tàng lại đang hồi sinh. Không ít nhiếp ảnh gia trẻ tìm đến máy ảnh analog để khám phá sự bất định thú vị của mỗi khung hình. Ở Hollywood, nhiều đạo diễn vẫn ưu ái quay phim bằng cuộn phim thật để giữ lại chất điện ảnh xưa cũ mà kỹ thuật số khó tái tạo.
COBOL (viết tắt của Common Business Oriented Language), ngôn ngữ lập trình từ năm 1959 vẫn là “xương sống” của hàng loạt hệ thống ngân hàng. Theo Reuters, COBOL vẫn đảm nhiệm tới 95% giao dịch ATM toàn cầu và 80% xử lý thẻ tín dụng. Việc thay thế ngôn ngữ này là một bài toán nan giải cả về kỹ thuật lẫn chi phí.
Tương tự, máy fax vẫn tồn tại ở văn phòng chính phủ, bệnh viện và công ty luật vì tính bảo mật cao. Thậm chí, kế hoạch loại bỏ máy fax ở Nhật từng thất bại do vấp phải sự phản đối từ chính các công chức.

Nhiều công nghệ cũ như máy in kim vẫn được sử dụng đến hiện nay. Ảnh: How To Geek
Cuối cùng là máy in kim với tiếng kêu lạch cạch quen thuộc vẫn bám trụ ở sân bay, bưu điện và doanh nghiệp cần in nhiều bản sao như vé máy bay hoặc hóa đơn. Bởi lẽ, loại máy này có khả năng hoạt động bền bỉ trong môi trường bụi bặm, chi phí thấp và gần như không biết hư.
Nhìn chung, các công nghệ dù có lỗi thời, nhưng nếu vẫn làm tốt công việc của mình, đặc biệt trong các hệ thống cần tính ổn định và bảo mật thì chưa chắc đã cần thay đổi.