Bất ngờ với cách Nga sử dụng xe tăng T-54 trên chiến trường Ukraine
Các nguồn tin trong quân đội Nga nói rằng T-54 thực sự đang được triển khai trong chiến đấu ở Ukraine, nhưng chúng không được sử dụng với vai trò xe tăng mà là như pháo tự hành bắn gián tiếp vào các mục tiêu xa.
Cuối tháng 3, những bức ảnh về đoàn tàu chở xe tăng được lan truyền trên mạng xã hội cho thấy, Nga đã kích hoạt lại một số xe tăng T-54B cũ trong kho niêm cất để sử dụng trong cuộc xung đột ở Ukraine.
Các bức ảnh xuất hiện hồi tháng 4 cho thấy, xe tăng T-54 đã được đưa đến Ukraine nhưng không có dấu hiệu được nâng cấp, chẳng hạn như giáp phản ứng nổ.
Theo các bài đăng trên mạng xã hội của chuyên gia quân sự Andrei Tarasenko, chủ trang web tiếng Nga btvt.info có chủ đề về xe tăng, các nguồn tin trong quân đội Nga nói rằng T-54 đang được triển khai trong chiến đấu, nhưng chúng không được sử dụng với vai trò xe tăng mà là xe pháo bọc thép bắn đạn gián tiếp vào các mục tiêu ở xa.
Bài đăng cho biết, một đại đội xe tăng T-54B và T-55 (thường 10 hoặc 13 xe tăng) đã được chuyển giao cho trung đoàn pháo binh đang hoạt động ở miền Nam Ukraine. Mặc dù T-54 thường cần kíp lái 4 người (chỉ huy, lái xe, xạ thủ, người nạp đạn), nhưng những chiếc xe tăng này được vận hành với kíp 3 người, có lẽ là do nhu cầu di chuyển và bắn đồng thời hạn chế. Kíp lái được chọn từ cả 2 nhánh pháo binh cũng như xe tăng - thay vì chỉ nhánh xe tăng - và chỉ được huấn luyện trong một tuần.
Một bức ảnh được đăng tải sau đó cho thấy một chiếc xe tăng T-54 được giấu trong một khu vực vắng vẻ với giáp lồng 2 lớp trên tháp pháo, có lẽ là nhằm tăng cường khả năng bảo vệ trước máy bay không người lái (UAV) và tên lửa chống tăng trong các đòn tấn công song song.
Các bài đăng tiếp theo của chuyên gia quân sự Andrei Tarasenko cho rằng rằng ban đầu Nga dự định sử dụng T-62M, mới hơn so với T-54, trong vai trò pháo tự hành, nhưng những chiếc xe tăng này cuối cùng lại được giao cho các đơn vị tiền tuyến với vai trò tấn công.
Sử dụng xe tăng T-54 như pháo tự hành
Chiến thuật sử dụng xe tăng như pháo tự hành đã có một lịch sử lâu dài. Trong đó, xe tăng được khai hỏa với góc bắn cao, khiến đạn bay theo hình cầu vồng và trúng mục tiêu ở sau vật cản. Với chiến thuật này, xe tăng có thể bắn trúng mục tiêu ở khoảng cách xa hơn so với tầm bắn trực tiếp. Về bản chất, đây là đòn nghi binh khiến đối phương tin rằng họ đang đối đầu với pháo binh thực thụ.
Việc sử dụng xe tăng như pháo tự hành có thể nằm đạt được 2 mục đích. Thứ nhất là đảm bảo tính sống sót cao cho binh sĩ, khi xe tăng có thể cơ động ngay sau khi khai hỏa, tránh được hỏa lực phản pháo của đối phương. Thứ hai là sử dụng hỏa lực từ pháo xe tăng để dụ cho pháo binh đối phương khai hỏa, dẫn tới lộ vị trí.
Tuy nhiên, việc bắn gián tiếp quy mô lớn không phải là cách sử dụng lý tưởng cho pháo chính của xe tăng. Pháo của xe tăng được thiết kế để xả đạn với vận tốc rất cao nhằm tối đa hóa độ xuyên giáp và độ chính xác. Điều này gây áp lực lớn lên nòng pháo và chúng thường phải được thay thế sau vài trăm lần bắn, nếu không sẽ có nguy cơ bị vỡ toác.
Lựu pháo chuyên dụng và pháo dã chiến không cần nhiều tới vận tốc xuyên giáp và được chế tạo để có tuổi thọ nòng pháo lâu hơn.
Những chiếc xe tăng được sử sụng cho nhiệm vụ pháo binh sẽ hao mòn nòng pháo có giá trị cao của chúng nhanh hơn nhiều so với lựu pháo được chế tạo cho mục đích này.
Mặc dù đang được sử dụng như pháo, nhưng có vẻ như những chiếc T-54 của Nga, vào một thời điểm nào đó, sẽ được yêu cầu hỗ trợ hỏa lực trực tiếp trong trường hợp cần thiết hoặc được dùng để phòng thủ như một công sự di động.
Xe tăng – ngay cả những mẫu cũ như T-54 – có tác động đáng kể đến tinh thần binh lính trên chiến trường.
Trong một cuộc phỏng vấn do New York Times ghi hình, một lính cứu thương Ukraine từng mô tả: “Thật đáng sợ khi một chiếc xe tăng đang bắn vào bạn. Khi súng cối khai hỏa, bạn có thể nghe thấy nó sẽ hướng về phía nào và rơi xuống đâu. Khi đó là một chiếc xe tăng, bạn có thể nghe thấy tiếng nó khai hỏa và sau đó quả đạn rơi xuống ngay lập tức. Bạn không thể biết nó sẽ rơi xuống chỗ nào. Điều đó chỉ xảy ra trong tích tắc. Có một tiếng nổ và nó rơi xuống trước khi bạn có thể nghe thấy nó”.
Mặc dù T-54 có lớp giáp bảo vệ và hỏa lực cơ bản, nhưng các thiết kế từ những năm 1950 của chúng vẫn rất dễ bị tổn hại trước vũ khí chống tăng hiện đại. Chúng cũng sẽ không thể xuyên thủng giáp trước của xe tăng chiến đấu chủ lực đối phương, thiếu cảm biến và điều khiển hỏa lực để phát hiện và tấn công chính xác mục tiêu đối phương ở khoảng cách xa hơn, đặc biệt là vào ban đêm. Vì vậy, kíp lái của T-54 có thể thực sự hy vọng họ sẽ chỉ tiếp tục phục vụ trong vai trò hỏa lực gián tiếp.