Bất ngờ với đề xuất giảm một nửa thời hạn giấy phép lái xe
Nếu đề xuất được thông qua, thời hạn của giấy phép lái xe (GPLX) hạng B sẽ giảm đi một nửa.
Đây là một trong những đề xuất gây sự chú ý đặc biệt với dư luận mà Bộ Công an đưa vào trong bản dự thảo Luật Đảm bảo trật tự an toàn giao thông (ATGT) vừa được trình lên Chính phủ.
Cụ thể: Tại Khoản 9 Điều 46 dự thảo Luật Đảm bảo trật tự ATGT đường bộ về thời hạn GPLX quy định: GPLX các hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. GPLX hạng B, C, D1, D, BE, CE, D1E, DE có thời hạn 5 năm kể từ ngày cấp.
Trước đó, tại Điều 17 Thông tư 12/2017 của Bộ GTVT quy định về thời hạn của GPLX như sau: GPLX hạng A1, A2, A3 không có thời hạn. GPLX hạng B1 có thời hạn đến khi người lái xe đủ 55 tuổi đối với nữ và đủ 60 tuổi đối với nam; trường hợp người lái xe trên 45 tuổi đối với nữ và trên 50 tuổi đối với nam thì GPLX được cấp có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng A4, B2 có thời hạn 10 năm, kể từ ngày cấp. GPLX hạng C, D, E, FB2, FC, FD, FE có thời hạn 5 năm, kể từ ngày cấp.
Trong khi đó, một văn bản luật liên quan đến lĩnh vực giao thông đường bộ do Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) vừa dự thảo lại là Luật Giao thông đường bộ sửa đổi lại đề xuất giữ nguyên thời hạn GPLX như hiện nay.
Các chuyên gia cho rằng, cần làm rõ mục đích của đề xuất rút ngắn thời hạn GPLX để làm gì? Bởi đây là chính sách có tác động đến rất nhiều người, cần phải có sự nghiên cứu thật kỹ để tránh gây ra sự phiền hà, tốn kém cho người dân mà hiệu quả quản lý Nhà nước lại không cao.