Bất ngờ với lý lịch của lãnh đạo, giám đốc thuộc Công ty Alibaba khi chỉ học tới lớp 12
Trong phiên thẩm tra lý lịch các bị cáo trong vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền tại Công ty cổ phần địa ốc Alibaba, nhiều người hết sức ngạc nhiên khi các lãnh đạo, giám đốc thuộc công ty này chỉ học tới lớp 12.
Ngày 8-12, TAND TPHCM mở phiên xét xử sơ thẩm vụ án lừa đảo chiếm đoạt tài sản và rửa tiền tại Công ty cổ phần Địa ốc Alibaba (gọi tắt là Công ty Alibaba).
Trong vụ án này, Nguyễn Thái Luyện (Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba) và em ruột là Nguyễn Thái Lĩnh (Tổng Giám đốc Công ty Alibaba) và Nguyễn Thái Lực; Võ Thị Thanh Mai (vợ Luyện) và 18 bị can bị đưa ra xét xử về tội “Lừa đảo chiếm đoạt tài sản”.
Bị cáo Võ Thị Thanh Mai, Nguyễn Thái Lực, Huỳnh Thị Kim Thắng (kế toán Công ty Alibaba) bị xét xử về tội “Rửa tiền”.
Trong phần thẩm tra lý lịch, nhiều người tới dự phiên tòa bất ngờ khi đa số bị cáo này chỉ học hết lớp 12. Nhiều bị cáo không có bằng đại học hay bằng cấp đào tạo liên quan lĩnh vực bất động sản nhưng vẫn được bổ nhiệm giám đốc, lãnh đạo trực thuộc của Công ty Alibaba.
Trong đó, bị cáo Nguyễn Thái Lĩnh khai chỉ học hết lớp 12 và không học đại học hay đào tạo liên quan lĩnh vực bất động sản. Bị cáo Nguyễn Văn Kiên (sinh năm 1981, ngụ tỉnh Ninh Bình) cho biết, bị cáo chỉ học hết lớp 12 và làm nghề kinh doanh, buôn bán tự do. Tháng 3-2017, bị cáo Kiên vào làm ở Công ty Alibaba và sau đó được bổ nhiệm giữ chức Giám đốc Công ty CP Địa ốc Spartaland làm việc cho tới khi bị khởi tố.
Tương tự các bị cáo khác như: Nguyễn Thái Lực (em của Luyện, trợ lý Chủ tịch HĐQT Công ty Alibaba), Trương Thị Hồng Ngọc (sinh năm 1989, ngụ tỉnh Bình Dương, nguyên Giám đốc Công ty Tia Chớp), Bùi Minh Đức (sinh năm 1971, ngụ tỉnh Bình Thuận, nguyên Phó Tổng Giám đốc Đầu Tư thuộc Công ty Alibaba; Tổng Giám đốc Công ty TLLAND)… cũng chỉ học đến lớp 12.
Đáng chú ý, bị cáo Nguyễn Huỳnh Tú Trinh (sinh năm 1995, ngụ tỉnh Tiền Giang, nhân viên pháp lý Công ty Alibaba) từng hầu tòa tại tỉnh Bà Rịa - Vũng Tàu vì chống đối, đập xe đoàn cưỡng chế "dự án ma”. Bị cáo Trinh bị phạt 3 năm 6 tháng về 2 tội "Gây rối trật tự công cộng" và "Cố ý làm hư hỏng tài sản", cũng chỉ học đến lớp 12.
Trong vụ án này, bị cáo Trinh bị cáo buộc phạm tội lừa đảo chiếm đoạt tài sản với vai trò giúp sức cho Luyện. Theo đó, bị cáo Trinh thành lập 20 pháp nhân trực thuộc Công ty Alibaba, tham gia tìm quỹ đất nông nghiệp, thực hiện các thủ tục pháp lý để cá nhân thuộc Công ty Alibaba nhận chuyển nhượng đất nông nghiệp.
Trinh cũng soạn thảo các văn bản như: Biên bản họp HĐQT Công ty Alibaba về việc chấp thuận chủ trương thực hiện dự án; giấy ủy quyền của cá nhân đứng tên nhận chuyển nhượng đất cho pháp nhân thuộc hệ thống Công ty Alibaba làm chủ đầu tư; hợp đồng hợp tác giữa pháp nhân làm chủ đầu tư với Công ty Alibaba để tìm kiếm khách hàng, tiếp thị, ký hợp đồng thỏa thuận chuyển nhượng, thu tiền, nhận cọc… theo chỉ đạo của Luyện để lập hồ sơ pháp lý cho các dự án dân cư không có thật.
Bị cáo Trinh trực tiếp thực hiện các thủ tục nêu trên tại dự án Alibaba Dimond City, giúp Luyện lập 93 hợp đồng, với tổng số tiền gây thiệt hại là hơn 64,2 tỷ đồng. Cơ quan điều tra đã làm việc với 80 bị hại với số tiền chiếm đoạt là gần 58 tỷ đồng, còn lại 13 trường hợp không đến làm việc.