Bất ngờ với món mỳ tôm cúc vạn thọ
Sau Tết, cúc vạn thọ nổi lên như một nguyên liệu dùng để ăn kết hợp cùng mỳ gói hoặc một số thực phẩm khác. Sự thật đằng sau việc kết hợp này sẽ khiến nhiều người bất ngờ.
"Lần đầu tiên, trái thanh long có trong mỳ tôm...". Nếu như cuối năm ngoái, câu hát này trở nên viral cùng trend nấu ăn với thanh long, đầu năm nay, cư dân mạng lại có một công thức sáng tạo món ăn mới khi kết hợp mỳ gói cùng cúc vạn thọ.
Sự kết hợp thú vị
Cúc vạn thọ vốn là loài hoa truyền thống để chưng các dịp Tết Nguyên đán của người Việt. Sau Tết, thay vì vứt đi, nhiều người đã tận dụng lá và hoa cúc vạn thọ để làm topping ăn kèm cùng mỳ gói hoặc trộn gỏi.
Chỉ với cách chế biến đơn giản, các video đã thu hút hàng triệu lượt xem và hưởng ứng trên mạng xã hội.
Theo review của nhiều tài khoản mạng xã hội, lá cây vạn thọ có mùi nồng như rau tần ô (cải cúc). Hoa vạn thọ ăn vào không có vị, chỉ mang lại cảm giác xốp, giòn lúc nhai. Vì không chứa nhiều tinh dầu, hoa vạn thọ được xem là dễ ăn hơn lá.
Để món ăn ngon hơn, một người trên mạng xã hội còn khuyên mọi người nên ngắt phần hoa cũ đi, tưới nước để mọc hoa mới. Hoa còn non sẽ ăn ngon hơn hoa đã nở già.
"Hóa ra mỳ ăn cùng cúc vạn thọ không khó như tôi tưởng tượng", một tài khoản khác nêu cảm nhận sau khi ăn món mỳ độc đáo này.
Không nên ăn nhiều
Trao đổi với Tri thức - Znews, TS Nguyễn Thành Triết, Phó bộ môn Dược học cổ truyền, Đại học Y Dược TP.HCM, cho hay từ xưa hoa cúc vạn thọ đã được người Việt sử dụng như một loại gia vị, trộn vào các món gỏi, salad.
Cúc vạn thọ có chứa tinh dầu, tính ấm, nên kích thích tiêu hóa, giúp ăn ngon hơn.
Cúc vạn thọ còn được sử dụng như một vị thuốc trong Đông y, bởi chứa nhiều hoạt chất Carotenoid Lutein, giúp làm sáng mắt, kích thích ăn ngon, hỗ trợ tiêu hóa và điều trị cảm.
Loại hoa này được sử dụng tốt nhất khi còn tươi, bởi hoạt chất Carotenoid Lutein rất nhạy với ánh sáng, nếu phơi ngoài nắng rất dễ bị hủy hoạt chất.
Trong Đông y phải sử dụng hoa khô vì không phải lúc nào cũng có sẵn nguồn hoa tươi, do đó phải phơi khô trong bóng râm.
Tuy nhiên, liều lượng hoa được sử dụng trong đông y hay gia vị trong món ăn rất ít, chỉ từ 4-12 g hoa khô, 1-2 cái hoa tươi.
Còn cúc vạn thọ được người dân sử dụng như một loại rau thì liều lượng rất lớn. Điều này có thể khiến sức khỏe gặp một số tác dụng phụ, đặc biệt với người bị nóng trong, nhiệt.
Theo bác sĩ Nguyễn Thị Bảo Ngọc, phòng Công tác xã hội, Bệnh viện Y học cổ truyền TP.HCM, cúc vạn thọ có vị hơi đắng, tính bình, mùi thơm dịu nhẹ có thể ăn được. Lá, hoa trị đau bụng kinh, lọc máu, trị ung nhọt. Rễ làm thuốc xổ, lợi tiểu.
"Cúc vạn thọ cũng được biết đến là một loại nam dược, thường dược dùng phối hợp một số bệnh lý liên quan tới kinh nguyệt như đau bụng kinh, chậm kinh, kinh ra ít…", bác sĩ Ngọc cho biết thêm.
Tuy nhiên, cúc vạn thọ có tính hoạt huyết, tiêu tán huyết ứ nhẹ, phải thận trọng trên những bệnh nhân có tiền sử xuất huyết, kinh nguyệt quá nhiều… Ngoài ra, phụ nữ có thai và cho con bú cần tham khảo kỹ ý kiến bác sĩ trước khi sử dụng cúc vạn thọ.
Theo tiến sĩ Triết, hiện chưa có nghiên cứu nào chỉ ra rằng sử dụng bao nhiêu cúc vạn thọ sẽ ảnh hưởng đến sức khỏe. Nhưng thực tế, cúc vạn thọ là một vị thuốc. Đã là thuốc thì sử dụng nhiều cũng sẽ có tác dụng phụ.
Thêm nữa, nhiều người lấy hoa cúc vạn thọ mua chưng dịp tết để ăn. Điều này có thể khiến cơ thể nạp một lượng thuốc trừ sâu, thuốc diệt cỏ lớn.
"Nếu muốn sử dụng cúc vạn thọ, mọi người cần phải biết rõ nguồn gốc của hoa, tuyệt đối không sử dụng hoa được trồng phục vụ mục đích làm cảnh vì chứa rất nhiều chất hóa học bảo vệ thực vật. Tốt nhất người dân nên dùng hoa tự trồng hoặc được trồng ở môi trường sạch", tiến sĩ Triết khuyến cáo.
Nguồn Znews: https://znews.vn/bat-ngo-voi-mon-my-tom-cuc-van-tho-post1461419.html