Bất ngờ với 'mùa Xuân ngoại giao ở Trung Đông' và 'nước cờ ngầm' của Trung Quốc

Việc Iran và Saudi Arabia hướng tới bình thường hóa quan hệ ngoại giao cho thấy những thay đổi địa chiến lược to lớn ở Trung Đông. Đóng một vai trò to lớn trong tiến trình này, Trung Quốc muốn cho Mỹ thấy thế giới đâu chỉ có vấn đề Ukraine.

Từ trái sang, Cố vấn An ninh quốc gia Saudi Arabia, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung Quốc Vương Nghị và Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran tại cuộc họp tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 6/3. (Nguồn: AP)

Từ trái sang, Cố vấn An ninh quốc gia Saudi Arabia, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung Quốc Vương Nghị và Thư ký Hội đồng An ninh quốc gia Tối cao Iran tại cuộc họp tổ chức tại Bắc Kinh (Trung Quốc) ngày 6/3. (Nguồn: AP)

Tác động địa chiến lược to lớn

Tạp chí Handelsblatt của Đức vừa qua đã đăng một bài bình luận cho rằng "mùa Xuân ngoại giao" giữa Riyadh và Tehran có thể làm thay đổi cán cân quyền lực trong khu vực và Mỹ đang mất dần ảnh hưởng ở Trung Đông.

Iran và Saudi Arabia, hai quốc gia có sự thù địch gay gắt trong suốt 7 năm qua, đang xích lại gần nhau hơn. Bước đi đầu tiên, Tehran và Riyadh đã ký tuyên bố chung về việc nối lại quan hệ ngoại giao và mở lại các đại sứ quán ở mỗi nước trong vòng 2 tháng tới.

Mỹ là đối tác thân thiết truyền thống của Saudi Arabia, nhưng sự bất hòa giữa hai quốc gia này đã gia tăng trong những năm gần đây.

Một nhà quan sát chính trị ở Riyadh cho rằng việc Iran và Saudi Arabia nối lại quan hệ là do lỗi của Mỹ. Tổng thống Mỹ Joe Biden có thái độ đối đầu với Saudi Arabia và hiện ông phải nhận lấy "biên lai thanh toán" cho chính quan điểm của mình.

Ngược lại, Trung Quốc đang ngày càng nổi lên mạnh mẽ hơn. Thỏa thuận giữa Iran và Saudi Arabia đã được đàm phán tại Bắc Kinh với sự trung gian của Trung Quốc. Cả Tehran và Riyadh đều chính thức cảm ơn Bắc Kinh vì sự hỗ trợ rất tích cực của họ cho mối quan hệ giữa hai nước. Riyadh và Tehran đã quyết định từ bỏ sự thù địch và giải quyết những khác biệt của họ thông qua đối thoại.

Năm 2016, Saudi Arabia đã cắt đứt quan hệ ngoại giao với Iran sau khi Đại sứ quán Saudi Arabia ở Tehran bị tấn công do trước đó Saudi Arabia đã hành quyết một giáo sĩ dòng Shi’ite. Từ đó hai bên luôn trong tình trạng căng thẳng, cả hai nước đều tích cực tranh giành ảnh hưởng cả về chính trị lẫn quân sự trong khu vực.

Động thái bình thường hóa quan hệ giữa hai nước sẽ có tác động địa chiến lược to lớn và củng cố sức mạnh của Iran. Ông hy vọng căng thẳng địa chính trị trong khu vực sẽ giảm leo thang. Ví dụ, cuộc chiến ở Yemen, nơi người Houthi do Tehran tài trợ và trang bị vũ khí chống lại quân đội Saudi Arabia, có thể kết thúc. Đây là điều "đôi bên cùng có lợi".

Bên cạnh đó, vị thế của Iran ở Trung Đông sẽ được nâng lên, đồng thời không loại trừ khả năng sẽ đóng vai trò nối lại quan hệ giữa Syria và Thổ Nhĩ Kỳ. Tehran đã đề nghị làm trung gian hòa giải giữa Ankara và Damascus nếu Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan giành chiến thắng trong cuộc bầu cử vào tháng Năm tới đây.

Về phản ứng chính thức của Mỹ đối với việc bình thường hóa quan hệ của Iran và Saudi Arabia, Washington cho rằng điều này là tích cực. Người phát ngôn Hội đồng An ninh quốc gia tại Nhà Trắng khẳng định Mỹ hoan nghênh mọi nỗ lực giúp chấm dứt chiến tranh ở Yemen và giảm căng thẳng ở Trung Đông.

Tuy nhiên trên thực tế, cả Tổng thống Mỹ Joe Biden và Thủ tướng Israel Benjamin Netanyahu đều có kế hoạch khác. Họ đã luôn tìm kiếm một liên minh với Saudi Arabia để chống lại Iran, quốc gia đang mở rộng chương trình hạt nhân và tiếp tục cung cấp viện trợ quân sự cho Nga trong cuộc xung đột tại Ukraine. Giờ đây điều này có thể khó khăn hơn nhiều.

Tạp chí Wall Street Journal tuần qua đưa tin rằng Saudi Arabia đã đưa ra các điều kiện để bình thường hóa quan hệ với Israel, theo đó Riyadh yêu cầu Mỹ đảm bảo an ninh, giúp Riyadh phát triển chương trình hạt nhân dân sự và giảm bớt các hạn chế đối với việc nước này mua vũ khí của Mỹ.

Với Israel, khi Thủ tướng Netanyahu giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tháng 11 vừa qua, ông đã bày tỏ mong muốn thiết lập quan hệ ngoại giao chính thức với Saudi Arabia như với Các tiểu vương quốc Arab thống nhất (UAE) và Bahrain hai năm trước.

Cựu Thủ tướng Israel Naftali Bennett đã mô tả việc Iran và Saudi Arabia nối lại quan hệ ngoại giao là một "bước tiến nghiêm trọng, nguy hiểm đối với Israel và là chiến thắng ngoại giao quan trọng đối với Iran".

Thế giới đâu chỉ có vấn đề Ukraine

Việc nối lại quan hệ với Saudi Arabia là thành công đầu tiên trong chính sách đối ngoại của Tổng thống Iran Ebrahim Raisi.

Từ khi chính quyền Mỹ dưới thời cựu Tổng thống Donald Trump đơn phương rút khỏi thỏa thuận hạt nhân năm 2015 giữa Iran và nhóm P5+1 (gồm 5 nước thường trực Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc và Đức), căng thẳng tại Trung Đông gia tăng mạnh mẽ.

Iran từ đó đã bị đổ lỗi cho một loạt các cuộc tấn công trong khu vực, trong đó có cuộc tấn công vào trung tâm ngành công nghiệp dầu mỏ của Saudi Arabia năm 2019.

Bắc Kinh rất hân hoan vì thành công của mình trong vai trò hòa giải mối quan hệ giữa Tehran và Riyadh. Phát biểu sau khi hai nước ký kết thỏa thuận nối lại quan hệ song phương, Chủ nhiệm Văn phòng Ủy ban Công tác đối ngoại Trung ương Đảng Cộng sản Trung Quốc Vương Nghị khẳng định đây là "một chiến thắng cho đối thoại, một chiến thắng cho hòa bình và là tin tốt, rất quan trọng trong thời điểm thế giới có nhiều bất ổn".

Ông Vương Nghị nhấn mạnh Trung Quốc sẽ tiếp tục đóng vai trò xây dựng trong việc giải quyết các điểm nóng trên thế giới và thể hiện trách nhiệm của mình với tư cách là một cường quốc hàng đầu.

Đề cập cuộc tranh cãi với Mỹ và Liên minh châu Âu (EU) hiện tại, nhà ngoại giao hàng đầu Trung Quốc khẳng định "thế giới không chỉ giới hạn ở vấn đề Ukraine".

(theo Tạp chí Handelsblatt)

Vy Anh

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bat-ngo-voi-mua-xuan-ngoai-giao-o-trung-dong-va-nuoc-co-ngam-cua-trung-quoc-220049.html