Bất ngờ với những phiên tòa diễn ra trong trường học ở TPHCM
Hàng nghìn học sinh THPT tại TPHCM được tham gia phiên tòa giả định về chủ đề bạo lực học đường, phòng chống ma túy, với những tình huống sát với thực tế.
Ngày 6/11, phiên tòa giả định xét xử vụ án "Cố ý gây thương tích" nhằm tuyên truyền phòng chống bạo lực học đường cho hơn 1.900 học sinh được Tòa án nhân dân TP Thủ Đức phối hợp Trường THPT Bình Chiểu tổ chức.
Kịch bản của phiên tòa là trường hợp 2 nam sinh mâu thuẫn do va chạm trong lúc gửi xe đạp. Sau đó, một trong 2 em kể lại chuyện này cho anh ruột. Cho rằng em trai bị ức hiếp, người anh mang dao đến trường chém bạn của em gây thương tích 4%. Qua xét xử, hội đồng xét xử tuyên phạt bị cáo một năm tù về tội "Cố ý gây thương tích".
Theo đại diện nhà trường, từ đầu năm đến nay, nhà trường đã phải xử lý một vài trường hợp học sinh đánh nhau. Tuy chưa có thương tích và hậu quả nặng nề nhưng nội dung phiên tòa là hồi chuông cảnh báo đến học sinh. Từ phiên tòa giả định này, các em có thể có hướng xử lý tình huống phù hợp hơn.
Cùng thời điểm, trường THPT Năng khiếu Thể dục thể thao huyện Bình Chánh cũng tổ chức phiên tòa giả định về chủ đề "bạo lực học đường" với sự tham gia của 1.400 học sinh.
Nội dung phiên tòa giả định được thực hiện dựa trên vụ án có thật. Cụ thể, từ mâu thuẫn trên mạng xã hội, 3 học sinh đánh nhau, thậm chí "huy động" thêm nhiều người khác, chuẩn bị hung khí và hẹn ra giải quyết. Hậu quả: Một người trong nhóm bị chém gây thương tích và một người bị phạt 1 năm tù về tội "Cố ý gây thương tích".
Bên cạnh đó, ban tổ chức cũng dành thời gian trao đổi với các em học sinh có hứng thú, muốn tìm hiểu về ngành luật để có thể trở thành luật sư, thẩm phán…sau khi được theo dõi phiên tòa.
Tương tự, trường THPT Võ Văn Kiệt cũng phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân quận 8 và Quận Đoàn quận 8 tổ chức phiên tòa giả định xét xử vụ án "Tổ chức sử dụng, tàng trữ trái phép chất ma túy". Nội dung vụ án bắt đầu từ một buổi sinh nhật, nhiều học sinh sử dụng ma túy, sau đó rủ rê bạn cùng sử dụng.
Bà Lê Thị Hồng Anh, Phó Hiệu trưởng Trường THPT Võ Văn Kiệt cho biết, các học sinh trực tiếp đóng vai để thực hiện phiên tòa. Những tình huống giả định rất sát với thực tế. Đây là cơ hội giúp các em tiếp cận và hiểu hơn về pháp luật, từ đó có những định hướng đúng đắn hơn trong tương lai.