Bất ngờ với quốc gia Phật giáo nhỏ bé trở thành cường quốc tiền điện tử

Bhutan đang tích cực tích trữ bitcoin, khiến quốc gia Phật giáo xa xôi và yên bình ở Nam Á này trở thành tâm điểm bất ngờ của hoạt động khai thác tiền kỹ thuật số, nơi sở hữu bitcoin nhiều thứ tư thế giới.

Bhutan, cường quốc tiền điện tử mới xuất hiện ở dãy Himalaya. Ảnh: Getty Images

Bhutan, cường quốc tiền điện tử mới xuất hiện ở dãy Himalaya. Ảnh: Getty Images

Bất ngờ với quốc gia Phật giáo

Là một quốc gia nhỏ bé nằm giữa Trung Quốc và Ấn Độ, sâu trong dãy Himalaya, Bhutan đã trở thành một trung tâm tiền điện tử không ai ngờ tới. Vương quốc này có thể quen với việc khai thác du lịch từ cảnh quan đồng quê và các tu viện Phật giáo của mình. Nhưng giờ đây họ còn vươn lên dẫn đầu trong lĩnh vực tiền điện tử sau khi công ty Arkham Intelligence tiết lộ rằng tập đoàn nhà nước Druk Holdings của Bhutan sở hữu 13.011 bitcoin, cao hơn gấp đôi số lượng mà Nayib Bukele của El Salvador tuyên bố (5.877 bitcoin). Theo giá hiện tại, số tiền điện tử này có giá trị khoảng 780 triệu USD, tương đương với 1.000 USD trị giá bitcoin cho mỗi công dân.

Công ty Arkham giải thích rằng số tài sản này đến từ các hoạt động khai thác bitcoin do công ty đầu tư Druk Holdings (cái tên có nghĩa là “rồng sấm”) của Bhutan thực hiện. Con rồng này cũng xuất hiện trên quốc kỳ của đất nước với nhiều món trang sức như một biểu tượng của sự giàu có.

Arkham lưu ý rằng "Chúng tôi có thể xác thực thời điểm của hoạt động khai thác bitcoin ở Bhutan bằng các hình ảnh vệ tinh về quá trình xây dựng các cơ sở".

Cơ sở hạ tầng lớn nhất trong số này nằm trên khuôn viên của "Thành phố Giáo dục". Đây là một dự án đã thất bại, nơi chính quyền dự tính sẽ giúp giải quyết tình trạng di cư và giảm thất nghiệp, nhưng cuối cùng lại trở thành địa điểm đặt các nhà máy bitcoin hoạt động 24/7 thay vì các trường học.

Arkham cho biết "Không giống như hầu hết các chính phủ, bitcoin của Bhutan không phải đến từ việc thực thi pháp luật tịch thu tài sản mà là từ các hoạt động khai thác bitcoin, vốn đã tăng mạnh kể từ đầu năm 2023". Bhutan hiện đứng thứ tư trong số các quốc gia có nhiều bitcoin nhất, chỉ sau Mỹ, Trung Quốc và Vương quốc Anh.

Thông tin chi tiết về bitcoin của Bhutan mới được công khai trong tuần trước, nhưng ý định của quốc gia này thì đã được biết đến từ lâu. Ở một góc xa xôi và khó tiếp cận như vậy của thế giới, sẽ không có gì bất thường khi thông tin này được giữ kín trong nhiều năm, khi chính quyền Bhutan giữ bí mật về hoạt động khai thác bitcoin mạnh mẽ của họ. Tuy nhiên, tạp chí Forbes đã tiết lộ vị trí các cơ sở “đào” bitcoin bằng hình ảnh vệ tinh, sau khi mối quan hệ của Bhutan với “vũ trụ tiền điện tử” bị phơi bày do các công ty cho vay tiền điện tử BlockFi và Celsius phá sản. Đây là những công ty mà mà Bhutan đã gửi một số tiền nhỏ.

Cùng với số bitcoin kể trên, chính quyền Bhutan còn nắm giữ khoảng 35 triệu USD trị giá đồng Ethereum - một nền tảng phát triển và blockchain phi tập trung, 3 triệu đô la BNB — mã thông báo Binance, và 20.000 USD trong nền tảng blockchain Polygon.

Đồng bitcoin đang trên đà hồi phục giá trị sau thời kỳ "mùa đông tiền điện tử". Ảnh: Coinbase

Đồng bitcoin đang trên đà hồi phục giá trị sau thời kỳ "mùa đông tiền điện tử". Ảnh: Coinbase

"Tiền điện tử xanh”

Một trong số ít thông tin liên quan đến bí ẩn ngành công nghiệp tiền điện tử Bhutan đã được đưa ra ánh sáng vào tháng 5/2023 khi công ty Bitdeer Technologies có trụ sở tại Singapore niêm yết trên sàn Nasdaq (Mỹ) giải thích trong một tuyên bố rằng họ đã đạt được thỏa thuận với Druk Holdings tìm kiếm khoản đầu tư 500 triệu USD nhằm để phát triển khai thác “tiền điện tử xanh”. Năng lực thủy điện của quốc gia này, cho phép họ có được nguồn năng lượng sạch, dồi dào và rẻ lý tưởng cho hoạt động khai thác tiền điện tử, đã mang lại cho họ lợi thế cạnh tranh. Chỉ cần nhập khẩu chip và phần cứng là có thể triển khai kế hoạch.

Sự kết thúc của “mùa đông tiền điện tử” - chỉ “giai đoạn giá bitcoin thấp” - cũng đã giúp Bhutan nhận ra tiềm năng của mình, nhưng phải mất hơn một năm để giá bitcoin tăng trở lại trên 30.000 USD/bitcoin sau cuộc khủng hoảng tiền điện tử năm 2022, và con số này chỉ bằng một nửa so với mức đỉnh là 69.000 USD vào tháng 11/2021. Số bitcoin trị giá 780 triệu USD là rất đáng kể đối với một quốc gia có GDP chỉ khoảng 3 tỷ USD, khiến chính phủ Bhutan phải cân nhắc bán một phần kho dự trữ của mình để chi trả cho việc tăng lương.

Cùng với số bitcoin kể trên, chính quyền Bhutan còn nắm giữ khoảng 35 triệu USD trị giá đồng Ethereum - một nền tảng phát triển và blockchain phi tập trung, 3 triệu USD BNB — mã thông báo Binance, và 20.000 USD trong nền tảng blockchain Polygon.

Tổng hạnh phúc quốc gia

Trong khi ở El Salvador có một bộ phận người dân phản đối đối với việc chính phủ đầu tư tiền công vào bitcoin, thì nhận thức của công chúng ở Bhutan có vẻ thuận lợi hơn. Một cuộc khảo sát đối với sinh viên kinh doanh do Tạp chí Kinh tế Tài chính Toàn cầu tiến hành tại quốc gia này cho thấy, 91% người được khảo sát biết đến sự tồn tại của tiền điện tử và tâm lý ủng hộ áp đảo.

Nhưng chiến lược đầu tư của nhà nước không chỉ giới hạn ở tài sản kỹ thuật số, mà bao gồm cả cơ sở hạ tầng, năng lượng và công nghệ như thiết bị bay không người lái và trung tâm dữ liệu, chưa kể đến các mỏ khoáng sản để khai thác magiê hoặc graphene. Ngân hàng Phát triển Châu Á dự báo GDP của Bhutan sẽ tăng 4,4% trong năm nay và tăng vọt 7% vào năm 2025.

Về mối quan hệ của Bhutan với Ấn Độ, một trong hai người khổng lồ láng giềng, thương mại là ưu tiên hàng đầu: trao đổi hàng hóa - không bao gồm điện - đã tăng gần gấp ba lần trong một thập kỷ, từ 484 triệu USD trong năm 2014-15 lên 1,6 tỷ USD trong năm 2022-23, theo dữ liệu của chính phủ Ấn Độ. Kim ngạch thương mại với Ấn Độ chiếm khoảng 73% tổng thương mại của Bhutan. Người Bhutan thậm chí còn được hưởng điều kiện sống tốt hơn so với người dân nước láng giềng, với thu nhập bình quân đầu người là 4.010 USD, so với 2.730 USD của Ấn Độ.

Việc Bhutan đang “bay bổng” trong "vũ trụ" tiền điện tử gây nhiều bất ngờ, bởi vì đất nước này vốn có truyền thống tập trung nhiều hơn vào các vấn đề tâm linh hơn là thứ “phù phiếm” như tiền bạc.

Vào cuối những năm 1970, Jigme Singye Wangchuck, quốc vương thứ tư của Bhutan, muốn cách ly vương quốc của mình khỏi nỗi ám ảnh về tăng trưởng kinh tế bằng cách tạo ra một biểu thức mà sau này trở thành biểu tượng cho cuộc sống bình lặng, thanh bình và dễ chịu của cư dân nơi đây. Ông cho biết: "Tổng hạnh phúc quốc gia (GNH) quan trọng hơn tổng sản phẩm quốc nội (GDP)".

Khái niệm GNH được Bhutan đưa ra như một cách tiếp cận toàn diện để phát triển. GNH bao gồm 9 lĩnh vực: Phúc lợi tâm lý, mức sống, quản trị tốt, sức khỏe sức sống cộng đồng, đa dạng văn hóa, sử dụng thời gian và khả năng phục hồi sinh thái. Chính vì vậy, chính phủ nước này luôn ý thức được mức độ quan trọng trong việc mang lại những điều tốt đẹp và vui vẻ cho con người. Toàn bộ chi phí cơ bản như y tế, giáo dục... đều được miễn phí ở đất nước này. Song song với đó, chính phủ cũng rất coi trọng việc bảo tồn sự đa dạng của các giá trị văn hóa truyền thống của đất nước.

Thu Hằng/Báo Tin tức (Theo El Pais)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/the-gioi/bat-ngo-voi-quoc-gia-phat-giao-nho-be-tro-thanh-cuong-quoc-tien-dien-tu-20241001110517622.htm