Bất ngờ xả mạnh vào cuối phiên, VN-Index mất hơn 9 điểm
Thị trường đã dự kiến sẽ có biến động mạnh hôm nay do là ngày đáo hạn phái sinh. Tuy nhiên biến động theo hướng nào lại là một câu chuyện hoàn toàn võ đoán. Chỉ đến khi kết thúc phiên giao dịch, 'bài' mới được lật và hôm nay ai Short đã 'ăn đủ'.
Ép mạnh cổ phiếu trụ
Thị trường hôm nay diễn biến yếu, trừ phiên sáng VN-Index dập dình trên tham chiếu, cả buổi chiều chỉ số này ở màu đỏ. Tuy vậy đúng với tính chất của một phiên đáo hạn, thị trường vận động chậm và thận trọng, dù giảm cũng không nhiều. Mức giảm sâu nhất của VN-Index lẫn VN30-Index cho tới trước đợt ATC cũng không quá 0,5% so với tham chiếu.
Riêng đợt ATC, tình thế trở nên khó đoán định. Bình thường các phiên đáo hạn VN30 hay được kéo tăng cao thêm. Hôm nay ngược lại, đã có sức ép rất mạnh bán ra dồn vào một lần, ép các chỉ số rơi sâu.
VN30-Index đóng cửa giảm tới 15,77 điểm tương đương 1,05% so với tham chiếu. Riêng khác biệt từ thời điểm cuối đợt khớp lệnh liên tục với đợt đóng cửa, chỉ số này giảm tới trên 12 điểm.
Giả sử nhà đầu tư có thể Short hợp đồng kỳ hạn tháng 10 ngay trước khi bước vào đợt ATC thì mức 12 điểm nói trên chính là phần lãi có được trong vài phút, vì hôm nay là phiên đáo hạn của kỳ hạn này, nên giá thanh toán sẽ là chỉ số VN30-Index. Tuy nhiên ở trường hợp này, chữ 'nếu' rất quan trọng vì bình thường, sẽ không thể biết được liệu đợt ATC sẽ là đẩy chỉ số lên hay ép chỉ số xuống.
Diễn biến phiên giao dịch VN-Index
Để khiến VN30-Index mất nhiều điểm như vậy, cần có mức giảm giá lớn ở nhiều cổ phiếu quan trọng. Hàng loạt mã trong nhóm VN30 đã đóng cửa giảm sâu đột biến so với những gì có được trước đó chỉ vài phút: VNM giảm 1%, VPB giảm 1,96%, VIC giảm 1,41%, VHM giảm 1,14%, VCB giảm 1,05%, MSN giảm 2,03%, VJC giảm 3,02%...
Hàng triệu cổ phiếu bất ngờ được đặt vào bên bán trong đợt ATC, xuất hiện tại VIC, VHM, HPG, TCB, SSI... chưa kể giao dịch đột biến hàng trăm ngàn cổ ở các mã khác. Nói tóm lại áp lực bán đột ngột tăng vọt ở đợt này, dù trước đó thanh khoản bình thường, thậm chí khá thấp.
Toàn bộ rổ VN30 đóng cửa chỉ còn 3 mã tăng là HPG tăng 0,53%, KDH tăng 1,35% và PDR tăng 0,31%. Có 18 cổ phiếu blue-chips đóng cửa giảm hơn 1%, xác nhận trạng thái giảm giá mạnh diễn ra phổ biến. Kết quả này phải đến từ sức ép mạnh trên diện rộng, chứ không đơn thuần là “đốn trụ” ở số ít cổ phiếu lớn nhất.
Cổ phiếu đầu cơ lại nóng
VN-Index giảm 0,65% và rơi xuống gần sát mức đáy của phiên rung lắc hôm qua, nhưng diễn biến thị trường không quá xấu. Giao dịch chỉ xấu ở blue-chips, còn các mã vừa và nhỏ vẫn đi ngược xu hướng khá ấn tượng.
Sàn HoSE cuối ngày hôm nay vẫn còn 220 cổ phiếu tăng giá và trên HNX có 131 cổ phiếu nữa. Số mã tăng giá thậm chí còn nhiều hơn số giảm giá. Nếu bỏ qua VN-Index và chỉ nhìn vào giá cổ phiếu, hôm nay vẫn là một ngày giao dịch khá tích cực.
Thực vậy, riêng nhóm cổ phiếu nhỏ nhất trên sàn HoSE có tới gần 100 mã tăng giá, 12 mã tăng kịch trần. Các cổ phiếu nhóm khác đóng góp 12 mã kịch trần nữa, tạo nên phiên giao dịch kỳ lạ khi dòng tiền vẫn có lãi khá tốt bất chấp chỉ số giảm. Nếu nhìn vào giao dịch 20,3 triệu cổ của HQC mà giá vẫn kịch trần, hàng triệu cổ khác tại OGC, ITC, PC1, PSH, NTL, TNI, HAI, TDH... và giá tăng hết biên độ, thì cảm giác về thị trường hôm nay sẽ khác.
Điều này nghĩa là nhà đầu tư vẫn thiên về xu hướng đầu cơ các mã dễ tăng giá. Xu hướng này kéo dài và đã trải qua vài vòng, nhưng vẫn lặp lại thay vì kết thúc. Có lẽ khả năng tìm kiếm lợi nhuận quá khó trong nhóm blue-chips, nên cách duy nhất là đầu cơ các mã nhỏ.
Tuy vậy hôm nay thanh khoản ở các mã vừa và nhỏ cũng không cao. Midcap giảm giao dịch khoảng 2% so với hôm qua, Smallcap giảm 22%. Giao dịch chung của HoSE giảm nhẹ 12%, một phần do thỏa thuận thấp. Mức khớp lệnh sàn này giảm gần 6%, đạt 19.987 tỷ đồng.