Bát nháo 'cò' xe ôm ở BV Tai Mũi Họng TP.HCM

Nhóm người mặc đồng phục xe ôm tự quản túc trực trước cổng BV Tai Mũi Họng TP.HCM làm 'cò' phòng khám tư nhân.

BV Tai Mũi Họng TP.HCM tập trung hàng trăm người dân ở TP.HCM và các tỉnh, thành tới khám chữa bệnh mỗi ngày.

Từ 3 giờ, họ đã tập trung trước cổng BV để chờ bốc số thứ tự khám bệnh và nhiều người sập bẫy của nhóm “cò” khoảng 20 người trong trang phục xe ôm tự quản trước cổng BV.

Sẽ phối hợp xử lý

Ngày 16-7, lãnh đạo UBND phường 9, quận 3 cho biết tình trạng “cò” cung cấp thông tin sai lệch, dẫn dắt người dân vào phòng khám tư trước cổng BV Tai Mũi Họng TP.HCM vẫn tiếp diễn.

 Từ khoảng 4 giờ 30, rất đông bệnh nhân đến BV Tai Mũi Họng TP.HCM xếp hàng khám bệnh. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Từ khoảng 4 giờ 30, rất đông bệnh nhân đến BV Tai Mũi Họng TP.HCM xếp hàng khám bệnh. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Phường cho biết đã liên tục phối hợp với các đơn vị liên quan xử lý xe ôm tập trung bắt khách, bán hàng rong…, lấn chiếm lòng lề đường khu vực trước cổng BV Tai Mũi Họng TP.HCM. “Tuy nhiên, việc “cò” trước cổng BV không thể giải quyết theo giải pháp hành chính, UBND phường đã yêu cầu phía công an phường tiếp tục kiểm tra, xử lý tình trạng này” - đại diện UBND phường 9, quận 3 nói.

Trước đó, phía BV Tai Mũi Họng TP.HCM đã gửi các văn bản đến Công an phường 9 cũng như UBND phường 9 về việc một số xe ôm tự quản vừa hành nghề xe ôm vừa làm “cò” BV, chèo kéo bệnh nhân sang phòng khám tư đối diện, gây nên tình trạng mất trật tự.

“Do màu áo của đội xe ôm gần giống màu áo đồng phục của bảo vệ BV khiến bệnh nhân lầm tưởng bảo vệ BV là “cò” BV nên đã có đơn, thư phản ánh” - văn bản nêu.

Trong khi đó, bệnh nhân đến khám đã nhiều lần gọi đến tổng đài và đường dây nóng của BV phản ánh về việc “cò” đưa bệnh nhân sang phòng khám tư đối diện với chi phí thăm khám rất cao.

BV Tai Mũi Họng TP.HCM treo băng rôn tuyên truyền, phát loa cảnh báo nhưng hoạt động của “cò” vẫn không giảm. Điều đáng nói là khi BV phát loa cảnh báo thì có thư nặc danh phản ánh tiếng loa gây ồn, ảnh hưởng đến người dân.

Bày biển hiệu ra đường tiếp thị cho phòng khám

Trước đó, sáng 13-7, ghi nhận tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM, nhóm xe ôm tự quản vẫn túc trực tại khu vực cổng vào khám bệnh của BV, tiếp cận những người dân đi xe khách, xe ôm xuống xe ở trước BV rồi chỉ tay hướng dẫn người bệnh qua hẻm 120 đường Trần Quốc Thảo.

Ở hẻm 120 đường Trần Quốc Thảo, một bảo vệ phòng khám cũng túc trực hướng dẫn người bệnh vào khám. Qua quan sát, trong khoảng 15 phút có mặt, khoảng chục bệnh nhân theo hướng dẫn vào phòng khám ở hẻm 120 đường Trần Quốc Thảo.

Trong nhiều ngày cuối tháng 3, từ 3 giờ, trước cổng BV có nhiều xe khách, xe trung chuyển, xe ôm liên tục dừng, thả khách là các bệnh nhân đi khám bệnh. Hàng chục người ngồi vất vưởng chờ bốc số thứ tự.

Khi có người xuống xe, một người đàn ông là chủ quán nước ở khu vực nhanh chóng tiếp cận, hướng dẫn về quy trình, địa điểm bốc số thứ tự. Đối diện BV là nhóm xe ôm tự quản ngồi quan sát.

Từ 4 giờ 30, BV mở loa oang oang phát cảnh báo “Không nghe lời dụ dỗ của “cò”…”, đồng thời chuẩn bị mở cửa cho người dân vào bốc số thứ tự và hàng chục người đang vất vưởng ngồi chờ nhanh chóng tập trung vào sát cổng.

Lúc này, nhóm xe ôm tự quản cũng đi về phía BV.

Các xe ôm tiếp cận các bệnh nhân, chỉ tay về phía hẻm 120 đường Trần Quốc Thảo, đối diện BV Tai Mũi Họng TP.HCM. Người đàn ông chủ tiệm nước lúc này cũng thay áo xe ôm rồi tiếp cận bệnh nhân vào hẻm.

Hẻm này rộng khoảng 1 m, sâu hun hút, nằm cạnh Công an phường Võ Thị Sáu (quận 3). Lúc này có hai người đàn ông đứng ở đầu hẻm tiếp nhận người từ nhóm xe ôm tự quản.

 “Cò” tiếp cận người đi khám bệnh, hướng dẫn vào phòng khám đối diện BV. Ảnh: NGUYỄN YÊN

“Cò” tiếp cận người đi khám bệnh, hướng dẫn vào phòng khám đối diện BV. Ảnh: NGUYỄN YÊN

Khoảng 4 giờ 35, một người đàn ông trong nhóm xe ôm tự quản lấy ra một biển hiệu kích thước lớn có trang bị đèn nhấp nháy, đặt biển hiệu trên vỉa hè đường Trần Quốc Thảo hướng về phía BV Tai Mũi Họng TP.HCM.

Nội dung biển quảng cáo di động này ghi “Phòng khám bác sĩ 35 năm kinh nghiệm”, “uy tín, chất lượng cao”. Biển hiệu có địa chỉ tại 120/1 Trần Quốc Thảo, phường Võ Thị Sáu, quận 3. Đây là phòng khám chuyên khoa tai mũi họng, khám nội soi, chẩn đoán hình ảnh, cũng là địa chỉ mà các xe ôm tự quản giới thiệu cho các bệnh nhân…

Giáp mặt “cò” phòng khám

Sáng 26-3, thấy chúng tôi tấp vào, một xe ôm tự quản khoảng 50 tuổi nhanh chóng tiếp cận mời khám bệnh. “Khám bệnh hả? Khám bảo hiểm qua kia (BV), khám dịch vụ nhanh lại cổng 1 bên này” - người này hướng dẫn rồi chỉ tay về phía hẻm 120 đường Trần Quốc Thảo.

Khi được hỏi về phòng khám, người đàn ông nói: “Phòng khám do bác sĩ trong BV làm”.

UBND phường sẽ phối hợp để xử lý dứt điểm

Trao đổi với PV, bà Trần Thị Hồng Lam, Phó Chủ tịch UBND phường 9, quận 3 (ảnh), cho biết tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM nhiều năm qua đã tồn tại nhiều phản ánh về nhóm xe ôm làm “cò” phòng khám.

“Qua nắm thông tin, các “cò” BV cài vào nhóm xe ôm tự quản. Chúng tôi cũng đã xác định được những đối tượng mang danh xe ôm nhưng thực tế là làm “cò”, dẫn dắt người dân nhẹ dạ cả tin qua phòng khám đối diện BV Tai Mũi Họng TP.HCM” - bà Lam nói.

Lãnh đạo UBND phường 9 cũng cho biết nhóm “cò” xe ôm làm nhiễu thông tin, gây nhầm lẫn cho người dân, rằng phòng khám trực thuộc BV Tai Mũi Họng TP.HCM nhưng hoàn toàn không liên quan.

Để xử lý thực trạng này, chính quyền địa phương, công an phường đã phối hợp với Ban giám đốc BV ra quân nhiều đợt để lập lại trật tự lòng lề đường tại trước cổng và xung quanh BV.

“Thời gian tới, chính quyền địa phương, công an phường phối hợp với Ban giám đốc BV tiếp tục xây dựng các kế hoạch ra quân lập lại trật tự lòng lề đường khu vực BV. Tạo sự thông thoáng, tạo điều kiện cho người dân đến khám chữa bệnh được an toàn.

Bên cạnh đó sẽ nắm lại thông tin, làm việc lại với tổ xe ôm tự quản để chấm dứt nạn “cò” tại đây” - Phó Chủ tịch UBND phường 9, quận 3 thông tin.

Thực tế cổng 1 của BV nằm phía BV, cổng 1 mà các xe ôm chỉ là cổng của Trung tâm Y tế quận 3 ở bên kia đường và việc lập lờ, đánh tráo này của nhóm xe ôm khiến nhiều người bệnh mắc bẫy.

Trong vòng 10 phút, chúng tôi ghi nhận có khoảng 15 trường hợp người bệnh nghe theo chỉ dẫn của “cò”, đi vào trong phòng khám tư (hoạt động từ 5 giờ đến 17 giờ). Theo quan sát của chúng tôi, mỗi ngày phòng khám này đón hàng chục bệnh nhân.

Sáng sớm 27-3, thấy đôi nam nữ đứng lớ ngớ ở cổng BV, một phụ nữ bán nước nhanh chóng tiếp cận, hướng dẫn: “Qua bên kia khám đi… Bên đó khám nhanh, 5 giờ 30 vào thì cỡ 6 giờ 30 ra, mắc hơn 50.000-60.000 đồng thôi”.

Sau đó, một xe ôm tiếp cận, xúi người bệnh đến một BV khác ở quận 1. Người này quảng cáo: “BV quốc tế. Qua đó khám chuẩn, đi thì tôi chở qua khám, còn ở đây là nhà nước. Không thì qua bên kia (120/1 Trần Quốc Thảo - PV) khám nhanh”.

Vừa di chuyển đến đầu hẻm, một bảo vệ phòng khám nhanh chóng tiếp cận, chỉ dẫn. Đi tiếp khoảng 20 bước chân, một bảo vệ phòng khám khác tiếp cận, đưa vào tận cửa phòng khám.

5 giờ ngày 1-4, một nam thanh niên 28 tuổi từ Bình Phước đến khám bệnh tại BV Tai Mũi Họng TP.HCM. Vừa xuống xe, một xe ôm trước cổng BV liền tiếp cận, hướng dẫn qua hẻm đối diện. “Qua đăng ký, bên đó khám dịch vụ, bên này là bảo hiểm. Qua đó người ta nội soi lẹ hơn” - người này nói rồi chỉ tay về phía hẻm 120 đường Trần Quốc Thảo.

Thấy nam thanh niên còn chần chừ, một xe ôm khác đến quảng cáo thêm: “Bác sĩ ở đây người ta qua phòng khám làm đó, không có ai lạ hết”. Lúc này, nam thanh niên nghe theo hướng dẫn rồi nhanh chân bước về phía phòng khám 120/1 Trần Quốc Thảo.

Nhiễu thông tin với chẩn đoán của phòng khám

Sáng 1-4, nghe lời “cò”, anh ĐĐ (28 tuổi) vào phòng khám 120/1 Trần Quốc Thảo. Sau khi đóng 250.000 đồng và làm hàng loạt xét nghiệm như X-quang Blondeau - Hirtz, thuốc mũi 1CC, thông xoang sau, xông mũi một lần với tổng số tiền hơn 1 triệu đồng, nam bệnh nhân được đưa đến phòng của bác sĩ tên Nguyễn Thị Bích Th.

Tại đây, BS Th kết luận xoang chỉ bị dị ứng thông thường. Tuy nhiên, có một cục dưới vòm rất to. Sau khi giải thích, BS Th nói: “Mỗi tháng phải lên đây một lần, nếu lên bác chữa cho cục đó nhỏ đi, không sần, không gì thì yên tâm. Trường hợp chữa ba tháng vẫn to hoặc bị phù loét, phải bấm cục đó đi gửi. Nếu lành tính thì yên tâm…”.

Vì lo lắng nên ngày 24-4, anh Đ đã đến BV Tai Mũi Họng TP.HCM thăm khám. Tại đây, TS-BS CKII Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc BV (ảnh), cho biết anh Đ chỉ có một khối VA tồn dư. TS-BS Vinh giải thích: Đây là một khối ở vòm mũi họng có chức năng bảo vệ họng miệng, phát triển lúc 3-5 tuổi. Khi trưởng thành, VA sẽ thoái triển (từ từ teo) và việc thoái triển này phụ thuộc vào lứa tuổi, thời gian, thể trạng của mỗi người. Có trường hợp viêm mũi họng làm phù nề khối VA gây khó chịu vùng vòm mũi họng và dùng phương pháp điều trị viêm mũi họng thông thường chứ không cần can thiệp. Người bệnh không phải lo lắng.

“Vấn đề điều trị vừa chống viêm vừa giảm phù nề. Mục đích của điều trị nội khoa là làm giảm đi sự phù nề chứ không thể tiêu hoàn toàn khối VA đó” - TS-BS Vinh nhấn mạnh…

Bên trong phòng khám tư

Theo chân người bệnh vào phòng khám tư, chúng tôi ghi nhận từ sáng sớm nhưng đã có hàng chục bệnh nhân là người cao tuổi đang ngồi chờ đến lượt.

Khi bước vào phòng khám, một nữ nhân viên trực ở phía trước thu thập thông tin của bệnh nhân rồi thu 250.000 đồng phí đăng ký khám bệnh. Sau đó, bác sĩ phòng khám gọi vào soi tai, kết luận là bị nấm tai. Lát sau, nhân viên đưa bệnh nhân ra ngoài và thu 1,47 triệu đồng phí làm dịch vụ (gồm X-quang Blondeau - Hirtz, thuốc mũi 1CC, xông họng một lần, đo thính lực đồ - nhĩ lượng, thông xoang sau).

Hoàn tất các thủ tục, nữ nhân viên y tế kết luận không nguy hiểm và hẹn tái khám vào tháng sau. Người này chuyển đơn thuốc cho một người khác để hướng dẫn cho bệnh nhân.

Theo đơn thuốc, tổng giá tiền là 2,368 triệu đồng. Khi bệnh nhân báo không đủ tiền thì nữ nhân viên cho biết khi nào có tiền thì chuyển khoản, sẽ được giao thuốc về tận nơi…

UBND phường 9, quận 3 phối hợp với các đơn vị liên quan tổ chức xử lý tình trạng lấn chiếm lòng đường, vỉa hè trước cổng BV Tai Mũi Họng. Ảnh: NGUYỄN TÂN

Dẫn dắt để bệnh nhân nhầm phòng khám là của BV

Phường, quận và BV sẽ phối hợp xử lý triệt để tình trạng chèo kéo của “cò”.

Trong khoảng thời gian tìm hiểu, nhiều bệnh nhân cho biết họ nhầm phòng khám là của BV.

Chị Trần Thị Thùy Nh cho biết: Vì chờ ở BV Tai Mũi Họng TP.HCM lâu nên nghe lời xe ôm vào “khám dịch vụ của BV ở cổng số 1” vì nghĩ đây là phòng khám của BV.

“Lúc vào khám, bác sĩ chỉ định nhiều dịch vụ khám với số tiền gần 2,5 triệu đồng, chưa kể tiền thuốc uống trong ba tháng liên tục… Tôi đã đến Công an phường Võ Thị Sáu, Công an phường 9 và UBND phường Võ Thị Sáu trình báo về sự việc xe ôm làm “cò”, dẫn dụ bệnh nhân qua phòng khám tư. Hy vọng cơ quan chức năng sớm giải quyết tình trạng này” - chị Nh nói.

Chị Nh trình báo tại Công an phường Võ Thị Sáu về việc mắc bẫy “cò”, chi phí quá cao cho việc khám bệnh.

Tại đây, cán bộ trực ban điện thoại báo cáo lãnh đạo. Sau đó hướng dẫn chị sang UBND phường Võ Thị Sáu trình báo việc phòng khám lấy tiền quá cao. “Em tự nguyện vào khám rồi trả tiền. Nếu giá cao, em qua UBND phường báo vì UBND phường có bộ phận quản lý vấn đề đó” - cán bộ công an hướng dẫn.

Chị Nh đến UBND phường Võ Thị Sáu, một cán bộ tiếp nhận cho hay: “UBND phường tiếp nhận, nắm thông tin nhưng không thể kiểm tra, xử lý vì đó là phòng khám tư, không phải cơ sở y tế. Địa phương không có chức năng kiểm tra phòng khám mà phải có đoàn liên ngành với nhiều cơ quan chuyên môn”. Sau đó, cán bộ này hướng dẫn chị Nh trình báo đến Sở Y tế hoặc Phòng Y tế quận 3 để được tiếp nhận, giải quyết.

Còn tại Công an phường 9 (quận 3), cán bộ trực tiếp nhận thông tin cho biết: “Việc này chúng tôi đã nắm rồi, đang triển khai phương án để xử lý. Nhóm xe ôm tự quản trước đây hỗ trợ về an ninh trật tự nhưng sau này biến tướng nên đã xin ý kiến UBND giải tán, tuy nhiên vì mưu sinh nên họ vẫn bám trụ. BV cũng đã gửi văn bản yêu cầu xử lý và chúng tôi cũng đang phối hợp với UBND phường, Công an phường Võ Thị Sáu (do xảy ra ở địa bàn giáp ranh) để xử lý vấn đề này”.

Trao đổi về việc “cò” xe ôm thông tin cho người bệnh là “phòng khám dịch vụ của BV” để lôi kéo bệnh nhân, TS-BS CKII Nguyễn Thanh Vinh, Phó Giám đốc BV, cho biết việc lôi kéo bệnh nhân qua cơ sở khám chữa bệnh khác là tình trạng chung ở các BV.

“Chúng tôi có một số biện pháp để ngăn ngừa tình trạng trên, dùng loa phát thanh thông tin cho người dân hiểu rằng đây là BV chính thống, duy nhất, của Nhà nước được giao trách nhiệm điều trị bệnh lý tai mũi họng. Mong muốn người dân trước khi bước vào cơ sở y tế nào cũng phải nắm rõ thông tin để tránh nhầm lẫn gây ra hậu quả không tốt cho người bệnh và BV.

Với hiện tượng “cò” mồi, BV có gửi một số công văn đến các cơ quan chức năng để tránh tình trạng lôi kéo bệnh nhân, gây ra sự hiểu lầm” - TS-BS Vinh nói.

Còn ThS Phan Thị Hồng Anh, Trưởng phòng Hành chính - Quản trị BV Tai Mũi Họng TP.HCM, cũng cho biết một số người dân vào phòng khám phải trả nhiều tiền đã đến tận BV phản ánh trực tiếp hoặc qua đường dây nóng.

“BV đã phối hợp với các cơ quan chức năng tại địa phương. Gửi công văn cho UBND phường 9, Công an phường 9 và UBND quận 3 đề nghị hỗ trợ lập lại trật tự lề đường trước BV và xe ôm làm “cò” phòng khám. Hai bên đang phối hợp nhằm mục tiêu dẹp hẳn tình trạng trên” - ThS Anh nói. N.YÊN - N.TÂN

NGUYỄN TÂN - NGUYỄN YÊN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-nhao-co-xe-om-o-bv-tai-mui-hong-tphcm-post803796.html