Bát nháo thị trường máy đo nồng độ cồn
Thời gian gần đây, thị trường sản phẩm máy đo nồng độ cồn rất sôi động. Do nhiều người mua về tự đo nồng độ cồn để tránh bị phạt khi lái xe.
Quảng cáo tràn lan
Chỉ gõ từ khóa “máy đo nồng độ cồn”, có gần 1 triệu kết quả liên quan về mua bán, quảng cáo về mặt hàng này với giá cả chênh lệch không ngờ. Một shop hàng online rao bán sản phẩm máy đo nồng độ cồn có nguồn gốc từ Hàn Quốc với giá 1.700.000 đồng, trong khi đó, cũng với sản phẩm từ hãng này, một chợ online khác rao bán với giá 21.450.000 đồng.
Trong đó đáng chú ý, loại thiết bị có giá rẻ dưới 1 triệu đồng được rao bán khá nhiều. Máy đo nồng độ cồn thương hiệu T., giá 950.000 đồng được quảng cáo sử dụng cảm biến nồng độ cồn cho kết quả phản hồi nhanh, hiển thị kết quả trên màn hình LCD, trọng lượng 50g. Thời gian bảo hành thiết bị 12 tháng. Loại khác có giá 850.000 đồng với thương hiệu khác được quảng cáo sản xuất theo công nghệ Mỹ.
Tình trạng mua bán máy đo nồng độ cồn trên mạng xã hội cũng nhộn nhịp không kém với hàng loạt nhóm, cửa hàng được thành lập và thiết bị đo nồng độ cồn điện tử được rao bán rầm rộ, rất nhiều loại có giá rẻ đến mức giật mình với trên 200.000 đồng. Theo dõi qua các bình luận, dễ nhận thấy, các loại máy đo nồng độ cồn giá rẻ nhận được khá nhiều sự quan tâm của người dân để sử dụng nhằm kiểm tra nồng độ cồn mỗi khi tham gia giao thông.
Anh Quách Hữu Dũng (40 tuổi, Hà Nội) chia sẻ: “Tôi cũng vừa mua một máy đo nồng độ cồn với giá dưới 500.000 đồng. Việc sở hữu cho mình 1 chiếc máy thế này là cần thiết, trong khi giá cả cũng hợp lý. Tôi cũng đã nắm rõ và quán triệt đã uống bia, rượu thì không lái xe. Nhưng có những lúc uống rượu vào hôm trước, hôm sau tỉnh rượu rồi có việc cần di chuyển thì cũng khá lo lắng, không biết lúc này trong cơ thể còn nồng độ cồn hay không. Hay có những lúc đọc được thông tin uống nước hoa quả, thuốc nào đó cũng làm tăng nồng độ cồn làm tôi thấy khá hoang mang. Có 1 chiếc máy đo nồng độ cồn thế này tôi có thể tự đo và quyết định xem có nên tự lái xe hay không trước khi ra đường”.
Dễ thấy, ở chiều hướng tốt, việc người dân tìm hiểu, mua thiết bị đo nồng độ cồn cũng là một minh chứng cho việc họ đã quan tâm và quán triệt hơn về chủ trương không uống bia, rượu khi lái xe.
Thế nhưng, do theo đuổi lợi nhuận, tình trạng kinh doanh, mua bán máy đo nồng độ cồn không rõ nguồn gốc, xuất xứ, tem kiểm định chất lượng cũng tràn lan. Khi mua phải những sản phẩm không đảm bảo này, dẫn đến kết quả đo bị sai lệch có thể gây hậu họa khôn lường khi tham gia giao thông.
Coi chừng tiền mất tật mang
Gần đây nhất, Cục Quản lý thị trường TP Hà Nội thông tin, lực lượng chức năng thành phố qua kiểm tra hệ thống cửa hàng thiết bị y tế đã phát hiện 2 cửa hàng đang kinh doanh máy đo nồng độ cồn, không có giấy chứng nhận nguồn gốc xuất xứ.
Cụ thể, tiến hành kiểm tra cửa hàng kinh doanh trang thiết bị vật tư y tế tại địa điểm kinh doanh số 110E2 phố Phương Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa), lực lượng chức năng phát hiện 100 hộp kim chích lấy máu thử tiểu đường (50 cái/hộp), trị giá hàng hóa vi phạm theo giá bán niêm yết tại cửa hàng là 5 triệu đồng; 1 bộ máy đo nồng độ cồn trong hơi thở nhãn chữ nước ngoài, không có tem kiểm định.
Tiếp đó, kiểm tra tại cửa hàng “Tổng đại lý vật tư thiết bị y tế Sức khỏe vàng”, địa chỉ tại 73A Phương Mai (phường Phương Mai, quận Đống Đa), Đoàn kiểm tra phát hiện tại cơ sở bày bán 1 máy đo nồng độ cồn trong hơi thở nhãn có chữ tượng hình với giá 1,5 triệu đồng/chiếc; 1 máy đo nồng độ cồn trong hơi thở với giá 250.000 đồng/chiếc; 6 chiếc nhiệt kế hồng ngoại, giá niêm yết tại cơ sở là 150.000 đồng/chiếc… Toàn bộ số hàng hóa này đều do nước ngoài sản xuất, có nhãn gốc bằng tiếng nước ngoài nhưng không có nhãn phụ bằng tiếng Việt Nam theo quy định.
Đoàn kiểm tra đã lập biên bản tạm giữ, biên bản niêm phong toàn bộ hàng hóa trên; đề xuất Đội trưởng Đội Quản lý thị trường số 4 ban hành Quyết định tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên và phân công lực lượng tiến hành thẩm tra, xác minh để tiếp tục làm rõ theo quy định của pháp luật.
Theo Thượng tá, bác sĩ Vũ Huy Hoàng - Trung tâm Nhiệt đới Việt Nga, người dân sử dụng những chiếc máy đo nồng độ cồn không đảm bảo này sẽ có tâm lý chủ quan, đôi khi quá tự tin vào kết quả tự đo dẫn đến nhiều hậu quả không tốt. Đáng nói hơn, kể cả khi mua thiết bị chính hãng, đắt tiền cũng không đảm bảo là sẽ không bị phạt. Bởi mỗi hãng sản xuất sẽ có một mức hiệu chỉnh khác nhau, có thể đo bằng máy này cho kết quả ổn rồi, nhưng máy của cảnh sát giao thông lại có thể cho ra một kết quả chênh lệch thì vẫn có thể bị phạt.
Trong y tế, điều này thường xảy ra, ví dụ như với xét nghiệm máu, mỗi hóa chất, mỗi loại máy xét nghiệm của các hãng khác nhau đều có những sự khác biệt. “Theo tôi, đã uống rượu bia, dù chỉ là một ít thì vẫn không nên lái xe, hoặc cần nghỉ ngơi, uống nhiều nước và có thể tự tính thời gian cơ thể thải hết nồng độ cồn. Thông thường một giờ cơ thể sẽ đào thải 15 miligam cồn trong máu. Tuy nhiên, công thức này cũng chỉ mang tính chất tham khảo. Bên cạnh đó, cũng có một vài loại thực phẩm sau khi ăn cũng có thể khiến nồng độ cồn tăng, khi ăn những loại này, tốt nhất nên nghỉ ngơi từ 30 phút đến 1 giờ rồi mới tham gia giao thông” - bác sĩ Hoàng nói.
Đại tá Nguyễn Quang Nhật - Trưởng phòng Hướng dẫn tuyên truyền, điều tra giải quyết tai nạn giao thông, Cục Cảnh sát Giao thông (CSGT - Bộ Công an) cho biết, các thiết bị đo nồng độ cồn cấp cho lực lượng CSGT đều được kiểm định trước khi đưa vào sử dụng. Bên cạnh đó, sau 12 tháng sử dụng sẽ tiếp tục được kiểm định trong suốt quá trình hoạt động. Việc kiểm định này được tiến hành tại các cơ sở có chức năng kiểm định được Tổng cục Đo lường Chất lượng cấp cho giấy chứng nhận đăng ký phục vụ kiểm định... Lực lượng CSGT luôn thực hiện đúng theo quy định của pháp luật, tất cả những kết quả thể hiện ở trên thiết bị nghiệp vụ thì đều được tôn trọng. Đó là quy định của pháp luật, đã đo đạc ra kết quả mà có cồn thì phải xử lý nghiêm. Bản thân người vi phạm giao thông thường muốn chống chế các hành vi vi phạm của mình, muốn giảm nhẹ hành vi vi phạm. Nhất là những người có nồng độ cồn, mất kiểm soát rất dễ có những hành vi gây rối.
“Đã có một số vụ tai nạn, người điều khiển phương tiện chỉ vi phạm nồng độ cồn ở mức rất thấp khoảng 0,040 hoặc 0,020 miligam/1 lít khí thở . Nhưng trong quá trình điều tra chúng tôi nhận thấy những người đó bị mệt mỏi dẫn đến thao tác lái xe không đảm bảo an toàn, dẫn tới vi phạm quy tắc giao thông và gây nên hậu quả nghiêm trọng, thậm chí rất nghiêm trọng” - ông Nhật nhấn mạnh.
Nguồn Đại Đoàn Kết: http://daidoanket.vn/bat-nhao-thi-truong-may-do-nong-do-con-5711049.html