Bát nháo vận tải khách Thanh Hóa - Hà Nội: Xử nghiêm tránh 'nhờn' luật
Sau phản ánh của Báo Giao thông, bất chấp sự nhắc nhở, chấn chỉnh từ cơ quan quản lý, lực lượng chức năng, hàng loạt xe khách tuyến Thanh Hóa - Hà Nội vẫn tiếp diễn vi phạm, có dấu hiệu 'nhờn' luật.
Nhắc nhở, chấn chỉnh vẫn tái phạm
Những ngày qua, Báo Giao thông đăng tuyến bài phản ánh hoạt động vận tải hành khách cố định liên tỉnh Thanh Hóa - Hà Nội với loạt vi phạm của các nhà xe như Thắng Thanh, Hải Hạnh, Tuân Yến, Đức Phát...
Liên quan vấn đề này, ông Lê Đình Lịch, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Khai thác bến xe Thanh Hóa cho biết, ngay sau phản ánh của Báo Giao thông, ông đã trực tiếp đến các bến xe phía Tây Thanh Hóa, bến xe Sầm Sơn để nhắc nhở, chấn chỉnh toàn bộ cán bộ nhân viên bến.
Đồng thời, bến cũng thông báo đến từng nhà xe và yêu cầu chấp hành nghiêm chỉnh việc đón trả khách, thực hiện xuất bến đúng giờ đã được phê duyệt, thực hiện nghiêm các quy định về vận tải khách tuyến cố định trong bến.
Tuy nhiên, khoảng 3h05 sáng 4/7, PV Báo Giao thông tiếp tục ghi nhận hai xe khách BKS 36F - 010.62 và 30F - 008.66 của nhà xe Đức Phát nối đuôi nhau xuất bến từ bến xe phía Tây Thanh Hóa ra Hà Nội.
Đây là khung giờ không có trong danh sách lốt giờ được Sở GTVT Thanh Hóa chấp thuận cho hoạt động của nhà xe này.
Sau hai tiếng di chuyển, đến 5h05, cả hai xe lần lượt trình lệnh vận chuyển, vào bến xe Nước Ngầm (Hà Nội) trả khách.
Trong khi đó, lốt giờ đầu tiên trong ngày của nhà xe Đức Phát từ bến Tây Thanh Hóa theo đăng ký là 4h30 sáng.
Đặt câu hỏi vì sao đã có sự chấn chỉnh từ lãnh đạo công ty, nhân viên bến xe vẫn đóng dấu xuất bến trên lệnh vận chuyển cho xe xuất phát sớm đến 1,5 tiếng so với lốt giờ quy định, ông Lê Đình Lịch cho biết, nếu hành khách có nhu cầu đi xe, khi nhà xe có đủ khách cần tạo điều kiện cho xuất bến sớm để phục vụ, tránh để hành khách chờ đợi lâu.
Lý do trên có thể hợp lý trong trường hợp hành khách chủ động đến bến xe (văn phòng nhà xe tại bến xe mua vé) và chờ đợi để được di chuyển. Song thực tế, theo ghi nhận của PV Báo Giao thông, nhà xe Đức Phát đã quảng cáo bán vé lốt giờ đi lúc 3h sáng các ngày trong thời gian dài qua.
Đơn cử, chiều 3/7, PV trong vai hành khách gọi đến số Hotline của nhà xe này, đặt chuyến sớm nhất từ bến Tây Thanh Hóa đi Hà Nội, nhân viên tổng đài giới thiệu: Chuyến sớm nhất của nhà xe Đức Phát lúc 3h sáng đến hiện tại đã hết vé, chỉ còn chuyến lúc 3h10 còn hai giường ở trên tầng 2.
Rõ ràng, nếu nhà xe không quảng cáo chuyến sớm nhất lúc 3h sáng thay vào đó là chuyến 4h30 sáng thì khách hàng đâu cần đến bến vào thời điểm trước lúc 3h để bến xe phải tạo điều kiện cho xe xuất bến sớm nhằm phục vụ hành khách.
Chưa kể, nhà xe này còn chủ động bố trí các xe trung chuyển đến đón hành khách tận nhà vào lúc 2h30 sáng để đưa ra bến xe, hối hành khách lên xe ra Hà Nội lúc 3h.
Một chuyên gia giao thông vận tải nhìn nhận, việc tạo điều kiện của bến xe dành cho khách hàng, để họ không phải chờ đợi lâu vô tình bị lợi dụng để doanh nghiệp vận tải ngang nhiên hoạt động sai lốt giờ quy định. Nếu tiếp diễn, có thể sẽ tạo tiền lệ xấu cho các đơn vị vận tải khác, lâu dài có thể gây rối loạn môi trường kinh doanh vận tải hành khách tuyến cố định liên tỉnh.
Khẳng định việc quảng cáo bán vé chuyến đi sớm nhất lúc 3h sáng của nhà xe Đức Phát là sai, ông Lê Đình Lịch cho biết, sẽ tiếp tục chấn chỉnh, yêu cầu nhà xe này phải quảng cáo, thực hiện việc xuất vé cho hành khách đúng lốt giờ được chấp thuận.
Có thể truy trách nhiệm hình sự
Liên quan đến hoạt động đón trả khách không đúng nơi quy định, chạy sai lốt giờ, sử dụng xe hết niên hạn, hết hạn đăng kiểm chở khách, thậm chí làm giả con dấu tự đóng lệnh vận chuyển của các nhà xe tuyến Sầm Sơn (Thanh Hóa) - Hà Nội như Báo Giao thông phản ánh, luật sư Diệp Năng Bình, Trưởng VP luật sư Tinh thông luật cho biết: Đây là các hành vi bị nghiêm cấm trong Luật Giao thông đường bộ hiện hành, tiềm ẩn nguy cơ mất an toàn giao thông.
Đây cũng là hành vi vi phạm pháp luật, tùy vào tính chất, mức độ, có thể bị xử lý vi phạm hành chính hoặc xử lý hình sự và bồi thường thiệt hại nếu có.
Riêng đối với hành vi làm giả con dấu, sử dụng con dấu giả đã vi phạm các quy định về quản lý và sử dụng con dấu (theo Nghị định 144/2021/NĐ-CP của Chính phủ). Mức phạt tiền từ 5-10 triệu đồng với cá nhân, với tổ chức vi phạm, mức phạt tiền gấp đôi. Đồng thời, phải chịu hình thức xử phạt bổ sung là tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm, trục xuất nếu là người nước ngoài.
"Bộ Luật hình sự cũng quy định tội sử dụng con dấu hoặc tài liệu giả của cơ quan, tổ chức, nếu hành vi trên của nhà xe có đủ yếu tố cấu thành tội phạm, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 30 triệu đồng đến cao nhất là 7 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 5 - 50 triệu đồng", luật sư Bình nhấn mạnh.
Mặt khác, hành vi sử dụng xe hết niên hạn, hết hạn đăng kiểm vào sử dụng cũng được quy định tại Điều 262 Bộ luật Hình sự năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017.
Cụ thể, trường hợp đưa vào sử dụng phương tiện giao thông cơ giới đường bộ, xe máy chuyên dùng không bảo đảm an toàn, người phạm tội có thể chịu mức phạt thấp nhất là phạt tiền từ 20 triệu đồng đến cao nhất là 10 năm tù giam. Ngoài ra, người phạm tội còn có thể bị cấm đảm nhiệm chức vụ, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 1-5 năm.
Ông Lê Đình Lịch, Giám đốc Công ty CP Quản lý và Khai thác bến xe Thanh Hóa cho biết, sau phản ánh của Báo Giao thông, đến nay, các nhà xe Hải Hạnh, Thắng Thanh đã thực hiện nghiêm quy định vào bến xe, đóng lệnh đầy đủ trước khi xuất bến.
Lãnh đạo Đội CSGT - TT Công an TP Sầm Sơn cũng cho biết, đã làm việc với đại diện các nhà xe, phối hợp với bến xe quản lý việc đón/trả khách, xuất bến của các phương tiện vận tải khách cố định, đồng thời bố trí tổ tuần tra kiểm soát lưu động. Đến nay, không còn tình trạng các nhà xe lập điểm đón/trả khách trái phép trên địa bàn.
Đồng thời, Đội CSGT - TT Công an TP Sầm Sơn thông qua hình ảnh Báo Giao thông cung cấp đã làm rõ, lập biên bản xử phạt vi phạm hành chính đối với lỗi đón/trả khách không đúng nơi quy định của hai nhà xe Thắng Thanh, Hải Hạnh.
Đối với các lỗi vi phạm khác Báo Giao thông phản ánh như sử dụng xe không đảm bảo an toàn kỹ thuật để chở khách, hiện Đội vẫn đang quyết liệt đấu tranh, làm rõ.
Rà soát, xử nghiêm vi phạm
Lãnh đạo Phòng Quản lý vận tải, phương tiện và người lái, Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, sau phản ánh của Báo Giao thông, Sở GTVT Thanh Hóa đã có văn bản gửi các đơn vị quản lý và khai thác bến xe khách, Thanh tra Sở, Phòng Quản lý vận tải về việc thực hiện nghiêm quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định trên địa bàn tỉnh.
Sở GTVT Thanh Hóa cho biết, thời gian gần đây, vẫn còn tình trạng đơn vị kinh doanh vận tải, đơn vị quản lý bến xe chưa chấp hành quy định về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định.
Đơn cử như: Xe tuyến cố định hoạt động không đúng luồng tuyến đã được chấp thuận; bến xe chưa thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra xe ra vào bến, vẫn để các xe tuyến cố định không ký hợp đồng với bến xe, không được cấp phù hiệu khai thác tại bến vào bến đón trả khách; bến xe chưa thực hiện nghiêm quy trình bảo đảm an toàn giao thông cho xe ra vào bến; đơn vị kinh doanh vận tải sử dụng xe trung chuyển hành khách không đúng quy định… tại một số địa phương trên địa bàn tỉnh (như: TP Sầm Sơn, TP Thanh Hóa, huyện Triệu Sơn…).
Sở GTVT Thanh Hóa yêu cầu các đơn vị kinh doanh vận tải hành khách bằng xe ô tô theo tuyến cố định thực hiện nghiêm quy định của pháp luật về kinh doanh và điều kiện kinh doanh vận tải bằng xe ô tô theo tuyến cố định; phương án khai thác tuyến đã được phê duyệt; yêu cầu lái xe vận chuyển khách theo đúng lộ trình đã được chấp thuận; nghiêm cấm chạy sai lộ trình, đón trả khách không đúng nơi quy định trên tuyến đang khai thác.
Chỉ được sử dụng xe ô tô khách được Sở GTVT cấp phù hiệu "Xe tuyến cố định" có bến đi, bến đến theo chấp thuận để hoạt động vận tải trên tuyến tại bến xe hai đầu tuyến; thực hiện ký hợp đồng với bến xe hai đầu tuyến; yêu cầu phương tiện phải vào bến xe hai đầu tuyến để xác nhận lệnh vận chuyển khi xe xuất bến.
Đối với các đơn vị quản lý và khai thác bến xe khách, Sở GTVT Thanh Hóa yêu cầu chỉ đạo cán bộ, nhân viên tại bến thực hiện nghiêm quy trình kiểm tra, kiểm soát tình trạng kỹ thuật của phương tiện trước khi xuất bến, kiên quyết không cho xuất bến các phương tiện không đảm bảo kỹ thuật, không lắp đặt thiết bị giám sát hành trình, camera trên xe hoặc có nhưng không hoạt động; các trường hợp lái xe không đủ điều kiện điều khiển phương tiện hoặc có sử dụng rượu bia; không có lệnh vận chuyển…
Chỉ xác nhận lệnh vận chuyển ra vào bến đối với phương tiện của đơn vị kinh doanh vận tải đăng ký hoạt động tại bến xe và đã được Sở GTVT hai đầu tuyến cấp phù hiệu "Xe tuyến cố định".
Nghiêm cấm xác nhận lệnh vận chuyển khống đối với phương tiện không vào bến, phương tiện không được cấp phù hiệu "Xe tuyến cố định" hoạt động tại bến, phương tiện không có trong danh sách hợp đồng xe ra vào bến.
"Giám đốc, Thủ trưởng các đơn vị quản lý và khai thác bến xe phải chịu trách nhiệm trước pháp luật, Sở GTVT nếu để xảy ra tình trạng xác nhận lệnh vận chuyển cho xe xuất bến không đảm bảo các điều kiện theo quy định hiện hành", văn bản của Sở GTVT Thanh Hóa nêu rõ.
Sở GTVT tỉnh này cũng yêu cầu Thanh tra Sở chủ trì, bố trí lực lượng phối hợp với Phòng Quản lý vận tải khẩn trương lập kế hoạch kiểm tra, xử lý vi phạm (nếu có) đối với hoạt động vận tải khách theo tuyến cố định vi phạm. Báo cáo Giám đốc Sở kết quả kiểm tra, xử lý trước ngày 20/7/2024.