Bắt nhịp CTSGK mới: Giáo viên thỏa sức sáng tạo, học sinh hào hứng
Sau gần một học kỳ triển khai CTSGK mới với lớp 1, những khó khăn đã dần được tháo gỡ; sự đổi mới được minh chứng rõ nét bằng những chuyển biến tích cực trong chất lượng dạy và học của các trường.
Chủ động, linh hoạt bắt nhịp
Cô Trần Thị Thanh Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên (quận Long Biên) nhận định: Đến thời điểm này, chưa thể đánh giá chương trình nặng hay nhẹ, song tại Trường Tiểu học Giang Biên, GV đã vận dụng linh hoạt, sáng tạo các phương pháp, hình thức tổ chức dạy học tích cực; thường xuyên nghiên cứu nội dung bài giảng trước khi lên lớp, đặc biệt là nhận được sự quan tâm phối hợp của phụ huynh nên phần lớn HS đã nắm kiến thức một cách chủ động.
Sau một học kỳ với những khó khăn nhất định: Học sinh mới được làm quen với hoạt động học; tài liệu sách giáo khoa còn có những nội dung chưa phù hợp, cần phải điều chỉnh; thiết bị, đồ dùng dạy học chưa đầy đủ... đến nay, với tâm thế chủ động, linh hoạt đón nhận chương trình mới của cán bộ, GV, hầu hết HS lớp 1 của trường đã nắm chắc kiến thức, biết đọc thông, viết thạo.
Tương tự, 169 HS lớp 1 của Trường Tiểu học Văn Võ, huyện Chương Mỹ, Hà Nội đã bắt nhịp với Chương trình, SGK mới sau một học kỳ triển khai.
Cô Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng nhà trường cho biết: Thời gian đầu, GV và HS đều bỡ ngỡ do chưa có thời gian làm quen trước khi chính thức bước vào năm học. Trong quá trình dạy học, GV còn lúng túng khi có một số kiến thức chưa phù hợp với đặc thù địa phương; chương trình cũng yêu cầu GV phải có sự vận dụng linh hoạt, sáng tạo để chuyển tải đến HS theo mục tiêu phát triển năng lực, phẩm chất…
Trước thực tế trên, nhà trường tạo mọi điều kiện để GV chủ động tổ chức dạy học, thay đổi ngữ liệu phù hợp trong một số bài học (có sự thống nhất trao đổi giữa tổ chuyên môn) để dạy học đảm bảo nội dung kiến thức cơ bản cho HS.
Phát huy năng lực, phẩm chất của học sinh
Năm học 2020 - 2021, Trường Tiểu học Đội Bình, huyện Ứng Hòa có 132 HS lớp 1, được chia làm 4 lớp. Bắt nhịp với Chương trình, SGK lớp 1 mới, ngay từ những ngày đầu, tuần đầu, thầy trò nhà trường đã sẵn sàng tâm thế và chuẩn bị các điều kiện thuận lợi về cơ sở vật chất, đội ngũ cũng như tâm lý cho GV - HS và PHHS.
Tuy nhiên, theo thầy Nguyễn Xuân Trường - Hiệu trưởng nhà trường, thời gian đầu, đội ngũ GV dạy lớp 1 gặp không ít khó khăn, còn lúng túng khi triển khai dạy chương trình mới. Mặc dù, chương trình mới có tính phân hóa tốt nhưng khi thực hiện một số GV không hiểu hết được tính phân hóa của chương trình mà mang tất cả kiến thức vào dạy đại trà, dẫn tới quá tải cho HS, khiến PHHS lo lắng. Đặc biệt là khi dạy môn Tiếng Việt.
Trước phản ánh của phụ huynh HS và qua thực tế dự giờ các tiết dạy, nhà trường đã chia sẻ với GV để tìm biện pháp tháo gỡ, cùng GV linh hoạt hơn trong dạy học chương trình mới, trong đó quan tâm đến thay đổi nhận thức của GV về yêu cầu đổi mới.
Thầy Bình chia sẻ: Sau một thời gian vừa dạy, vừa tháo gỡ những vướng mắc, lúng túng của GV, giải tỏa áp lực để phụ huynh cùng vào cuộc với nhà trường trong hướng dẫn HS bắt nhịp với chương trình mới, kết quả dạy và học lớp 1 mới đã có những chuyển biến tích cực. Năng lực, phẩm chất của HS được phát huy phù hợp với đặc điểm của mỗi em; HS tiếp thu kiến thức nhanh hơn, thạo hơn.
Cô Vũ Thị Diệu Huyền - Tổ trưởng chuyên môn, GV dạy lớp 1A1 Trường Tiểu học Giang Biên chia sẻ: Qua những tuần đầu, cả GV và HS đều phải nỗ lực rất nhiều để dạy, học theo Chương trình, SGK mới. Do tình hình dịch bệnh Covid-19, các em phải nghỉ dài ngày, không được làm quen với bảng chữ cái; trong khi đó mới chuyển sang hoạt động học mà mỗi tiết các em phải học 2 âm, nên nhiều em còn lúng túng khiến phụ huynh lo lắng.
“Tuy nhiên, GV được chủ động trong việc xây dựng chương trình và nghiên cứu bài dạy nên việc dạy và học của cô trò đã đi vào ổn định, hình thành năng lực, phẩm chất cho HS. Các em hào hứng, chủ động trong học tập. Đến nay, lớp tôi có trên 95% HS đọc thông, viết thạo. Phụ huynh hoàn toàn yên tâm về kết quả học tập của con em mình” - cô Huyền chia sẻ.
Kết quả học tập, rèn luyện của HS trong học kỳ đầu tiên thực hiện chương trình mới đã cho thấy những hướng đi tích cực của ngành GD trong định hướng đổi mới căn bản, toàn diện GD-ĐT.
Cô Nguyễn Thị Hằng - Hiệu trưởng Trường Tiểu học Văn Võ nhận định: Việc dạy và học theo Chương trình, SGK mới đã đi vào nền nếp. GV sáng tạo nhiều phương pháp dạy học mới, phù hợp với yêu cầu bài học; HS tiếp thu kiến thức khá nhanh, đặc biệt khả năng đọc trơn tiến bộ rõ rệt, tư duy tính toán cũng được phát huy… Đây sẽ là điều kiện thuận lợi để nhà trường triển khai hiệu quả chương trình mới khi kết thúc năm học.
Còn theo cô Trần Thị Thanh Hương - Phó Hiệu trưởng Trường Tiểu học Giang Biên, cùng với sự vào cuộc của các cấp, ngành trong công tác thẩm định, rà soát lại nội dung cụ thể trong các bộ sách sao cho chuẩn, phù hợp, cần sự linh hoạt, chủ động, nỗ lực hơn nữa từ phía GV cũng như phụ huynh để hỗ trợ HS tiếp cận dễ dàng với các nội dung học phù hợp với năng lực từng nhóm học sinh...
Học kỳ II, nhà trường tiếp tục phát huy những kết quả đã đạt được để triển khai chương trình mới đạt yêu cầu đề ra. Quan trọng nhất là tiếp tục nâng cao nhận thức của GV về mục tiêu của Chương trình, SGK mới là phát huy năng lực, phẩm chất của HS; từ đó GV tự tin hơn khi vận dụng phương pháp mới, không “ngại” sáng tạo trong tổ chức dạy học, xây dựng kế hoạch dạy học phù hợp với điều kiện, làm sao để HS đạt được chuẩn đầu ra. - Thầy Nguyễn Xuân Trường