Bắt nhịp xu hướng du lịch mới
Nếu như xu hướng du lịch truyền thống chủ yếu là nghỉ dưỡng, tham quan, giải trí, mua sắm và khám phá văn hóa các vùng đất mới; thì những năm gần đây đang xuất hiện nhiều xu hướng du lịch mới, khá thú vị. Các xu hướng này đòi hỏi các điểm đến du lịch phải tự làm mới mình để tạo sức hấp dẫn đối với du khách.
Lễ hội đền Bà Triệu - di sản văn hóa phi vật thể đặc sắc của xứ Thanh.
Các xu hướng chủ yếu
Quá trình phục hồi kinh tế - xã hội sau đại dịch COVID-19, du lịch cũng là ngành có sự “hồi sinh” nhanh chóng. Và, cùng với sự trở lại đường đua tăng trưởng của ngành du lịch là sự xuất hiện của một số xu hướng du lịch mới. Giới chuyên môn đã chỉ ra các xu hướng chủ yếu như “du lịch sinh tồn”, “du lịch rời khỏi vùng an toàn”, “du lịch một mình”, “du lịch chữa lành”, “du lịch xanh”, “du lịch kết hợp làm việc từ xa”, “du lịch khám phá địa phương”...
Đại dịch COVID-19 đã từng khiến nhiều người phải tạm “ngắt kết nối” với thế giới bên ngoài trong một khoảng nhất định. Điều này đã khiến cho một số người rơi vào khủng hoảng, trầm cảm do khó có thể thích nghi. Ngược lại, một số người lại bắt đầu “tìm lại chính mình” bằng việc học cách rời bỏ hoặc không quá phụ thuộc vào các thiết bị công nghệ và tìm về với thiên nhiên. Theo giới chuyên môn, đây cũng chính là cơ sở bắt nguồn cho sự ra đời của các xu hướng du lịch như “sinh tồn”, “rời khỏi vùng an toàn”, “chữa lành” hay “du lịch một mình” đang khá mới mẻ và hấp dẫn, nhất là đối với khách du lịch trẻ hiện nay. Đó là những xu hướng du lịch mà thay vì nghỉ dưỡng ở những khu du lịch đầy đủ tiện nghi, sang trọng...; thì du khách có mong muốn trải nghiệm không tiện ích, thậm chí là cách ly với thế giới thực và cả thế giới ảo (mạng xã hội).
Trang booking.com (một trang web du lịch trực tuyến chuyên đặt chỗ lưu trú du lịch) đã tiến hành một khảo sát về xu hướng du lịch của du khách Việt trong năm 2023. Theo đó, có 29% du khách Việt lên kế hoạch lựa chọn những chuyến “du lịch một mình” để có thêm những trải nghiệm mới, thú vị về các điểm đến. Cũng theo khảo sát của trang web này, gần 44% khách du lịch có xu hướng đặt chỗ gắn với các hoạt động thiền, chăm sóc sức khỏe tinh thần. Đây là hoạt động “du lịch chữa lành” xuất phát từ những áp lực của cuộc sống sau đại dịch COVID-19, khiến những người đi du lịch có mong muốn được trải nghiệm những kỳ nghỉ “chữa lành” sức khỏe tinh thần và tâm hồn.
Trước đây, quan niệm du lịch là đi chơi, đi nghỉ dưỡng, nên mọi công việc sẽ hoàn toàn được gác lại. Ngày nay quan niệm này đã có sự thay đổi khi xu hướng du lịch kết hợp làm việc từ xa đang ngày càng phổ biến, đặc biệt là gắn với công nghệ hiện đại đang phát triển mạnh mẽ. Thay vì bó buộc công việc trong một không gian cố định, nhàm chán, nhiều người và nhất là người trẻ, có xu hướng “xê dịch” địa điểm làm việc, tìm đến những không gian mới, thú vị để thôi thúc cảm hứng sáng tạo. Do vậy, kết hợp làm việc với du lịch nghỉ dưỡng là xu hướng đang trở thành sự lựa chọn của một bộ phận khách du lịch, nhất là giới văn phòng.
Du lịch xanh hay du lịch trải nghiệm khám phá thiên nhiên; du lịch địa phương hay khám phá văn hóa vùng đất, không phải xu hướng mới xuất hiện. Song phải đến vài năm gần đây mới thực sự bùng nổ, do nhu cầu của du khách gia tăng đáng kể. Điều này cũng xuất phát từ chính các xu hướng du lịch “sinh tồn”, “rời khỏi vùng an toàn”, “chữa lành” hay “du lịch một mình”. Bởi các xu hướng này đa phần sẽ tìm về với thiên nhiên, khám phá thiên nhiên hay văn hóa vùng đất mới, thay vì tìm đến các khu nghỉ dưỡng đầy đủ tiện nghi, các đô thị sôi động. Hơn nữa, du lịch gắn với bảo vệ môi trường tự nhiên, du lịch bền vững vừa là yêu cầu, vừa là xu thế tất yếu đối với sự phát triển du lịch hiện nay. Do đó, sự xuất hiện của các xu hướng du lịch trên phản ánh một hướng đi phù hợp, cần tạo điều kiện để vừa khai thác hợp lý giúp du lịch phát triển, vừa bảo vệ nguồn tài nguyên thiên nhiên bền vững.
Đón đầu xu hướng
Nằm ở vị trí cửa ngõ nối liền Bắc bộ với Trung bộ, Thanh Hóa có hệ thống giao thông thuận lợi; có nguồn tài nguyên tự nhiên phong phú, tươi đẹp, kỳ thú và tài nguyên văn hóa đa dạng, giàu giá trị phục vụ khai thác, phát triển du lịch. Và thực tế những năm qua cho thấy, Thanh Hóa ngày càng trở thành điểm đến hấp dẫn du khách. Cùng với đó, nhận thức về du lịch nói chung, sự quan tâm đầu tư, lãnh đạo, chỉ đạo phát triển du lịch của các cấp ủy đảng, chính quyền đối với ngành du lịch nói riêng đã có bước chuyển đáng kể. Ngoài ra, số lượng doanh nghiệp du lịch tăng, nhiều dự án du lịch được triển khai thực hiện, hoàn thành đưa vào phục vụ khách du lịch; hoạt động du lịch đã thu hút sự quan tâm của cộng đồng dân cư... Đó chính là những điều kiện để Thanh Hóa sẵn sàng đón đầu các xu hướng du lịch mới hiện nay.
Có nhận định cho rằng, bản chất của việc đi du lịch là sự trải nghiệm, tìm đến cái mới lạ, độc đáo. Điểm đến du lịch không chỉ là bãi tắm sạch đẹp, hang động kỳ bí, danh thắng nổi tiếng, di tích hào hùng...; mà đó còn là một khu kinh tế thương mại sầm uất, một khu công nghiệp hiện đại, một công trình mới lạ hay chỉ đơn giản là một món ăn ngon, một làng nghề truyền thống đặc trưng của địa phương, một giọng hò, điệu ví, một kiểu trang phục đặc sắc... Tất cả đều có thể thu hút du khách đến tham quan, thưởng thức nếu có sự đầu tư, khai thác thỏa đáng. Ngày nay, khi kinh tế phát triển, nhu cầu đời sống được nâng cao, du khách có thể đáp một chuyến bay đến một sân golf lý tưởng, một cơ sở lưu trú hạng sang, hay chỉ vì một sự kiện văn hóa, lễ hội, thể thao, thậm chí chỉ tìm đến một phút thanh bình, tĩnh lặng... Tất cả điều đó đều là du lịch.
Đề cập đến điều này để thấy rằng, địa phương nào, ngành nghề nào cũng có thể đóng góp cho du lịch một điểm đến mới, hấp dẫn. Từ đó, góp phần đón đầu các xu hướng du lịch mới bằng chính các lợi thế và bằng các cách làm phù hợp (xây dựng sản phẩm, quảng bá...). Muốn vậy, các địa phương phải đầu tư cho các điểm đến, các ngành nghề cần hướng đầu tư cho du lịch. Chẳng hạn, ngoài du lịch văn hóa- tâm linh, Thanh Hóa có đầy đủ các điều kiện để phát triển các sản phẩm du lịch chữa lành (thiền) tại TP Thanh Hóa (Thiền viện trúc lâm Hàm Rồng) hay Lam Kinh... Hay bên cạnh du lịch sinh thái rất giàu tiềm năng và đang được khai thác khá hiệu quả; thì cần khai thác thêm các sản phẩm du lịch nông thôn, du lịch cộng đồng, du lịch mạo hiểm...
Điển hình như các sản phẩm du lịch xanh tìm về với thiên nhiên, du lịch sinh thái, du lịch cộng đồng, Thanh Hóa hiện là điểm đến khá có tiếng. Điều này là nhờ Thanh Hóa đang sở hữu một “gia tài” di sản thiên nhiên giàu giá trị như Vườn quốc gia Bến En, các Khu bảo tồn thiên nhiên Xuân Liên, Pù Hu, Pù Luông... Các loại hình du lịch nghỉ dưỡng, trải nghiệm văn hóa bản địa, các hoạt động tìm hiểu đa dạng sinh học, khám phá thiên nhiên... đã và đang có sức hấp dẫn du khách trong nước và quốc tế. Đồng thời, các sản phẩm này đã góp phần cải thiện yếu tố mùa vụ và là sản phẩm được định hướng trở thành sản phẩm du lịch đặc trưng của du lịch xứ Thanh. Từ sự định hướng này, nhiều hạng mục như bãi đỗ xe, đường nội khu, hệ thống điện chiếu sáng, nhà vệ sinh công cộng, bảng, biển chỉ dẫn... đã được đầu tư xây dựng. Qua đó, tạo nên nhiều điểm đến hoàn thiện, hấp dẫn tại Pù Luông (Quan Hóa, Bá Thước), bản Mạ (Thường Xuân), bản Năng Cát (Lang Chánh), bản Ngàm (Quan Sơn), bản Bút (Quan Hóa), Đồi Híc (Ngọc Lặc)... Những sản phẩm và điểm đến du lịch này cũng là những điểm đến rất lý tưởng cho các xu hướng du lịch mới như “sinh tồn”, “rời khỏi vùng an toàn” hay “du lịch một mình” hiện nay.
Có thể nói, điều kiện tự nhiên, văn hóa, hay các cơ chế, chính sách đầu tư được xem là điều kiện “cần” để tạo ra các sản phẩm du lịch. Còn điều kiện “đủ” để sản phẩm ấy thực sự hấp dẫn, thu hút du khách đến khám phá, trải nghiệm phải là chất lượng dịch vụ, yếu tố con người và môi trường tự nhiên, xã hội. Muốn vậy, việc thiết lập lại trật tự, kỷ cương, nếp sống văn minh, thân thiện, làm trong sạch môi trường du lịch... là những việc phải được chính quyền các địa phương chú trọng và tiến hành thường xuyên, nhằm tạo ấn tượng tốt đối với du khách. Bên cạnh đó, Thanh Hóa từng phát động chiến dịch “Tôi yêu Thanh Hóa” nhằm truyền cảm hứng về tình yêu và lòng tự hào về quê hương Thanh Hóa cho mỗi người dân. Từ đó, để mỗi người đều là một “đại sứ du lịch”, cùng lan tỏa vẻ đẹp đất và người xứ Thanh đến bạn bè trong nước và quốc tế. Đây là việc làm hết sức ý nghĩa, cần được duy trì để sự văn minh, thân thiện của con người xứ Thanh thực sự thấm sâu vào đời sống. Đó mới là cách quảng bá tốt nhất để thu hút du khách về với Thanh Hóa 4 mùa.
Nguồn Thanh Hóa: http://baothanhhoa.vn/du-lich/bat-nhip-xu-huong-du-lich-moi/191159.htm