Bất ổn ở Bangladesh ảnh hưởng du lịch y tế Ấn Độ

Bangladesh là quốc gia đóng góp lớn cho ngành du lịch y tế của Ấn Độ nhưng tình trạng bất ổn đang diễn ra có thể dẫn đến sự sụt giảm lượng khách. Công ty xếp hạng CareEdge có trụ sở tại TP Mumbai (Ấn Độ) cảnh báo nếu tình trạng bất ổn tiếp diễn, lượng khách từ Bangladesh có khả năng sẽ giảm 10-15% trong năm 2024.

Số lượng giường bệnh trống tại các bệnh viện của Ấn Độ có thể sẽ nhiều hơn do bất ổn ở Bangladesh. Ảnh: PTI

Số lượng giường bệnh trống tại các bệnh viện của Ấn Độ có thể sẽ nhiều hơn do bất ổn ở Bangladesh. Ảnh: PTI

Ấn Độ nằm trong số 10 quốc gia hàng đầu về du lịch y tế trên toàn cầu và đặc biệt được ưa chuộng trong nhóm các quốc gia ở Nam Á, châu Phi và Trung Đông. Gần 70-80% khách du lịch y tế ở Ấn Độ đến từ Bangladesh và các quốc gia Trung Đông, trong đó khách từ nước láng giềng Bangladesh thường chiếm 50-60% tổng lượng khách du lịch y tế quốc tế.

Theo CareEdge, một trong những yếu tố quan trọng đạt được cột mốc này là do sự tương đồng về văn hóa và ngôn ngữ, chất lượng điều trị với giá cả cạnh tranh, khả năng tiếp cận các cơ sở tiên tiến. Bangladesh là quốc gia đóng góp hàng đầu cho du lịch y tế của Ấn Độ, vượt qua Trung Đông, Myanmar, Maldives, Sri Lanka hay Pakistan. Tuy nhiên, tình hình bất ổn chính trị, xã hội gần đây ở Bangladesh gây ra rủi ro cho phân khúc đang phát triển mạnh mẽ của ngành du lịch này. Trong báo cáo, CareEdge cho biết một lượng lớn du khách từ Bangladesh đã hủy hoặc hoãn chuyến đi tới Ấn Độ.

Hệ thống chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ rất phổ biến trên toàn thế giới, đã chứng kiến sự tăng trưởng nhờ vào chi phí điều trị cạnh tranh, điều kiện cơ sở vật chất, dịch vụ y tế chất lượng cao và thời gian chờ đợi điều trị tương đối ngắn. Sau tác động của đại dịch Covid-19, du lịch y tế của Ấn Độ đã tăng trưởng đáng kể từ năm 2022 đến nay. Theo một thống kê, quy mô thị trường du lịch chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ ước tính đạt 19,43 tỷ USD trong năm 2024 và dự kiến sẽ đạt 26,55 tỷ USD vào năm 2029.

Kết quả trên đạt được từ những sáng kiến của Chính phủ Ấn Độ trong việc mở rộng cấp thị thực y tế điện tử cho công dân từ hàng chục quốc gia, tạo điều kiện thúc đẩy ngành du lịch y tế nước này trong thời gian tới. Ấn Độ đã cấp visa y tế cho 165 quốc gia, cho phép du khách quốc tế ở lại trong 60 ngày và được phép nhập cảnh 3 lần trong khoảng thời gian này. Để nới lỏng các quy định về visa và ngoại hối cho du khách y tế và nâng cao sự minh bạch trong hệ thống này, New Delhi đã đưa ra sáng kiến Heal In India. Theo đó, cổng trực tuyến một điểm đến này cũng sẽ hỗ trợ bệnh nhân nước ngoài trong xuyên suốt chuyến du lịch y tế của họ tại Ấn Độ.

Ngoài ra, việc New Delhi đang tăng chi tiêu cho lĩnh vực du lịch cũng giúp thu hút nhiều du khách hơn. Trong đó, chi tiêu của du khách nội địa của Ấn Độ năm 2021 lên tới khoảng 151 tỷ USD, tăng đáng kể so với năm 2020 (hơn 6 tỷ USD), góp phần thúc đẩy du lịch y tế ở Ấn Độ.

Du lịch y tế là một trong những động lực thúc đẩy sự phát triển của ngành du lịch Ấn Độ với nhiều sản phẩm gồm thiền, yoga và y học cổ truyền (Ayurveda). Trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe của Ấn Độ, y học cổ truyền đóng góp thị phần lớn nhất, tiếp theo là lĩnh vực chăm sóc cá nhân sắc đẹp, dinh dưỡng và du lịch y tế.

MINH CHÂU

Nguồn SGGP: https://sggp.org.vn/bat-on-o-bangladesh-anh-huong-du-lich-y-te-an-do-post754451.html