Bắt quyền trưởng phòng kiểm định xe cơ giới và hai thuộc cấp nhận hối lộ
Chiều 5/1, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh Văn phòng Bộ Công an, Người phát ngôn Bộ Công an cho biết, mở rộng điều tra các vụ án 'Môi giới hối lộ', 'Đưa hối lộ', 'Nhận hối lộ' và 'Giả mạo trong công tác' xảy ra tại các Trung tâm đăng kiểm trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã bắt thêm 3 bị can về tội 'Nhận hối lộ'.
Theo đó, ngày 4/1/2023, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam, lệnh khám xét chỗ ở đối với một số cán bộ của Cục Đăng kiểm Việt Nam, gồm: Trần Anh Quân, Quyền Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới; Đặng Trần Khanh, Phó Trưởng phòng Kiểm định xe cơ giới; Phạm Đức Ngọc, chuyên viên Phòng Kiểm định xe cơ giới về tội "Nhận hối lộ".
Ngay sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân cùng cấp phê chuẩn, Cơ quan CSĐT Công an TP Hồ Chí Minh đã thực hiện các quyết định, lệnh nêu trên theo quy định của pháp luật. Hiện Cơ quan điều tra đang tích cực thu thập tài liệu, chứng cứ mở rộng điều tra vụ án đối với các đối tượng liên quan theo quy định của pháp luật.
Liên quan sai phạm của các trung tâm đăng kiểm, trước đó, chiều 3/1, tại Họp báo Chính phủ thường kỳ, Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, mấy tuần vừa qua, Công an TP Hồ Chí Minh cùng một số Cục nghiệp vụ của Bộ Công an đã phát hiện, đấu tranh, làm rõ các hành vi sai phạm, tiêu cực trong quá trình cấp giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật và bảo vệ môi trường tại một số trung tâm đăng kiểm các phương tiện giao thông cơ giới trên địa bàn TP Hồ Chí Minh, Long An, Tiền Giang, Sóc Trăng, Đồng Tháp, Bến Tre, Bắc Giang, Bắc Ninh và chắc sẽ còn thêm nữa.
Riêng Công an TP Hồ Chí Minh đã ra lệnh khám xét 12 trung tâm, khởi tố 6 vụ án, 43 bị can với các tội danh: đưa hối lộ, môi giới hối lộ, nhận hối lộ, giả mạo trong công tác.
Về thủ đoạn "lót tay", Trung tướng Tô Ân Xô cho biết, các trung tâm đăng kiểm đã bỏ qua các lỗi vi phạm trong công đoạn kiểm tra thủ công; hoặc là cho thuê các phụ tùng thay thế các phụ tùng không đảm bảo tiêu chuẩn, ví dụ xe lốp mòn quá thì được thay lốp, thay thành thùng, thay một số bộ phận khác..., chỉ cần nộp tiền xong ra là đảm bảo tiêu chuẩn.
"Các đối tượng đã sử dụng phần mềm để can thiệp vào hệ thống đăng kiểm, thay đổi các thông số kiểm định chất khí thải, ví dụ trong máy tính có hai đầu đọc thì chỉ cắm một đầu, bỏ một đầu, xe vẫn đảm bảo tiêu chuẩn về khí thải", Trung tướng Tô Ân Xô cung cấp thêm.
Đến nay, sơ bộ ước tính có hơn 70.000 phương tiện cơ giới đã được kiểm định theo dạng "làm luật" như thế này, các Trung tâm đăng kiểm này đã cấp khoảng 52.300 giấy chứng nhận kiểm định an toàn kỹ thuật về bảo vệ môi trường, số tiền thu lợi bất chính hàng chục tỷ đồng.
Đáng chú ý, một số trung tâm đăng kiểm không đủ tiêu chuẩn nhưng vẫn được lập ra, lập danh sách kiểm định viên ảo để hợp thức hóa một số quy định của Chính phủ về dịch vụ kiểm định xe cơ giới. "Thậm chí, có Giám đốc một Trung tâm đăng kiểm khi bị bắt, Cơ quan điều tra yêu cầu viết tường trình thì khai không biết chữ, không viết và không đọc được. Khi hỏi lại thì khai học đến lớp 3, cách đây 50 năm mà lên làm Giám đốc Trung tâm đăng kiểm, rất liều lĩnh, đó là Trung tâm đăng kiểm 50-17D", Trung tướng Tô Ân Xô cho biết.