Bắt tạm giam 2 đối tượng liên quan đến khai thác hải sản trái phép

Chiều 19/10, Bộ Công an thông tin khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét chỗ ở của 2 bị can trong vụ án hình sự liên quan đến khai thác IUU.

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang lấy lời khai bị can Phạm Chí Dũng

Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang lấy lời khai bị can Phạm Chí Dũng

Ngày 14/10, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và khám xét chỗ ở của 2 bị can Trần Văn Luyến và Phạm Chí Dũng để điều tra theo Khoản 3, Điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Trước đó, ngày 7/8, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án số 19-QĐ/ANĐT "Tổ chức cho người khác xuất cảnh trái phép" quy định tại Điều 348 Bộ luật Hình sự đối với hành vi của các đối tượng tổ chức đưa các ngư dân qua vùng biển nước ngoài khai thác hải sản trái phép; Cơ quan Cảnh sát điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã ra Quyết định khởi tố vụ án số 78-QĐ/CSHS "Lừa đảo chiếm đoạt tài sản" quy định tại Điều 174 Bộ Luật hình sự đối với hành vi của đối tượng nhận tiền để chuộc ngư dân bị cơ quan chức năng nước ngoài bắt giữ.

Sau khi thu thập đủ tài liệu, chứng cứ liên quan, ngày 14/10/2023, Cơ quan An ninh điều tra Công an tỉnh Kiên Giang đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt bị can để tạm giam và tiến hành khám xét chỗ ở của 2 bị can Trần Văn Luyến (sinh năm 1981, trú tại thành phố Rạch Giá, tỉnh Kiên Giang, là chủ các tàu cá khai thác hải sản trái phép ở vùng biển nước ngoài bị cơ quan chức năng Indonesia bắt giữ ngày 16/11/2022), Phạm Chí Dũng (sinh năm 1965, trú tại huyện Hòn Đất, tỉnh Kiên Giang, là đồng phạm) để điều tra theo khoản 3, Điều 348 Bộ luật Hình sự năm 2015.

Bộ Công an đang tập trung chỉ đạo công an các đơn vị, Công an tỉnh Kiên Giang đẩy nhanh tiến độ điều tra, điều tra mở rộng, xử lý các đối tượng có liên quan đến vụ án. Đồng thời phối hợp với Viện Kiểm sát nhân dân tối cao, Tòa án Nhân dân tối cao hướng dẫn liên ngành tư pháp tỉnh Kiên Giang kịp thời tháo gỡ khó khăn, vướng mắc, nhất là thực hiện tương trợ tư pháp.

Trước đó, ngày 29/8, chủ trì Hội nghị trực tuyến của Ban Chỉ đạo Quốc gia về chống khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) với 28 tỉnh, thành phố ven biển để thúc đẩy các giải pháp chống IUU, Phó Thủ tướng Trần Lưu Quang thẳng thắn nêu rõ việc EC cảnh báo "thẻ vàng" khiến uy tín của Việt Nam bị giảm sút nghiêm trọng, đồng thời chỉ rõ ngành thủy sản có thể phải đối mặt với nguy cơ tương tự "thẻ vàng" ở các thị trường khác ngoài EU.

Phó Thủ tướng giao Bộ NN&PTNT xây dựng kế hoạch trong đó nêu rõ những nhiệm vụ cần tập trung thực hiện từ nay đến khi đoàn kiểm tra của EC đến làm việc; chuẩn bị chu đáo để đón đoàn kiểm tra của EC đạt kết quả tốt nhất, sớm gỡ được cảnh báo "thẻ vàng" của EC.

Bộ Quốc phòng chỉ đạo các lực lượng chức năng tăng cường tuần tra, kiểm soát, mục tiêu không để có tàu cá nào bị bắt ở nước ngoài.

Bộ Công an khẩn trương củng cố hồ sơ, đưa ra truy tố các vụ việc môi giới, móc nối đưa tàu cá, ngư dân Việt Nam đi khai thác hải sản bất hợp pháp ở vùng biển nước ngoài để đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật; khẩn trương phối hợp với các ban, bộ, ngành có liên quan để tháo gỡ khó khăn vướng mắc trong xử lý, kiên quyết điều tra, truy tố xét xử các tổ chức, cá nhân vi phạm.

Nhật Nam

Nguồn Chính Phủ: https://baochinhphu.vn/ket-qua-cong-tac-dieu-tra-xu-ly-vu-an-hinh-su-lien-quan-den-khai-thac-iuu-102231019171057297.htm