Bắt tay làm gạo hữu cơ

Theo chuyên gia nông học Võ Tòng Xuân, nông dân muốn tham gia các mô hình sản xuất gạo hữu cơ thì phải liên kết với những doanh nghiệp lớn để bảo đảm đầu ra ổn định theo hình thức bao tiêu sản phẩm

Thời gian gần đây, nhiều nông dân và doanh nghiệp ở ĐBSCL đã lai tạo thành công nhiều giống lúa cho năng suất cao, phẩm cấp gạo vượt trội so với các giống lúa trước.

Từ thành công của hai nông dân

Nông dân Nguyễn Anh Dũng (ngụ xã Định An, huyện Lấp Vò, tỉnh Đồng Tháp) là người lai tạo thành công giống lúa mới, cho ra 2 loại gạo đặc sản được thị trường đón nhận.

Ông Nguyễn Anh Dũng bên ruộng lúa giống “Ngọc đỏ hương dứa” và bà Hồ Thị Kim Gương (ảnh dưới) với sản phẩm gạo hữu cơ Đồng An Ảnh TÂM MINH

Ông Nguyễn Anh Dũng bên ruộng lúa giống “Ngọc đỏ hương dứa” và bà Hồ Thị Kim Gương (ảnh dưới) với sản phẩm gạo hữu cơ Đồng An Ảnh TÂM MINH

Ông Dũng cho biết trong quá trình theo dõi, đánh giá đồng ruộng, ông phát hiện trên ruộng giống LD2012 (hạt dài, thân cao hơn giống LD 2012 khoảng 10 cm) có một "cá thể đặc biệt". Thấy lạ, ông Dũng giữ hạt giống này để trồng thử. Kết quả, cho hạt gạo thơm nhẹ, màu đỏ, thời gian sinh trưởng 90 - 95 ngày. Đặc biệt, hạt gạo này có nhiều dưỡng chất tốt cho người dùng như: 7,3% protein, 11,8 mg chất sắt, 115 mg canxi, glucose, các vitamin E, B1, B2.

Giống lúa "Ngọc đỏ hương dứa" ra đời từ đó. Đến nay, nhiều nông dân trên địa bàn huyện tham gia sản xuất giống lúa "Ngọc đỏ hương dứa" với tổng diện tích trên 300 ha.

Ngoài ra, ông Dũng cũng chuẩn bị cho ra thị trường sản phẩm mới "Gạo tím sen hương đậu đen". Loại gạo này có hàm lượng anthocyanin (dưỡng chất hữu cơ, chống ôxy hóa, kháng khuẩn) khá cao. "Gạo "Ngọc đỏ hương dứa", "Gạo tím sen hương đậu đen" sản xuất theo quy trình sạch, chỉ dùng phân bón hữu cơ, không dùng phân bón hóa học và thuốc trừ sâu, đặc biệt là giữ lại các dưỡng chất quan trọng nên được nhiều người tiêu dùng, trong đó có người bệnh, ưa chuộng dù giá cao hơn gạo thường" - ông Dũng phân tích.

Một nông dân khác đi đầu trong sản xuất gạo sạch là bà Hồ Thị Kim Gương (ngụ xã Hòa An, TP Cao Lãnh, tỉnh Đồng Tháp).

Năm 2016, trên địa bàn tỉnh Đồng Tháp xuất hiện thông tin gạo giả đe dọa đến sức khỏe người tiêu dùng. Điều đó khiến bà Gương trăn trở: "Tại sao mình không sản xuất một loại gạo sạch, không hóa chất để phục vụ người thân và người tiêu dùng?".

Nghĩ là làm, bà Gương bắt tay vào tìm hiểu quy trình sản xuất gạo hữu cơ, liên kết với một doanh nghiệp ở TP HCM để cung cấp phân hữu cơ. Loại phân bón này bổ sung chất dinh dưỡng cho đất, giúp cây lúa tăng sức đề kháng, không gây ô nhiễm môi trường. Đầu tiên, bà Gương thử nghiệm sản xuất gạo hữu cơ trên cánh đồng 4.000 m2 trong vụ đông xuân năm 2017. Mẫu gạo vụ thử nghiệm này được gửi đến Trung tâm Kỹ thuật Tiêu chuẩn Đo lường Chất lượng 3 (TP HCM) để kiểm tra hàm lượng chất gây hại trong sản phẩm. Kết quả các mẫu thử: thành phần nitrat đạt 31,5 mg/kg, bảo đảm an toàn cho người sử dụng.

Với chất lượng gạo thơm và ngọt hơn so với gạo sản xuất thông thường, các loại gạo sạch của bà Gương (thương hiệu Đồng An) đang được tiêu thụ mạnh trên thị trường.

Nên liên kết với doanh nghiệp

GS-TS Võ Tòng Xuân, Hiệu trưởng Trường ĐH Nam Cần Thơ, đánh giá cao việc 2 nông dân ở Đồng Tháp mạnh dạn chuyển hướng làm gạo sạch như nói trên.

Dù vậy, GS-TS Võ Tòng Xuân cũng khuyến cáo các loại gạo sản xuất theo quy trình hữu cơ thường cho năng suất rất thấp, chỉ khoảng 1,5 tấn/ha. Thậm chí, nhiều người đầu tư theo kiểu nhỏ lẻ còn tuyên bố thành công trong việc trồng lúa mùa nổi để sản xuất gạo sạch nhưng sau đó, lại đứng trước nguy cơ phá sản vì năng suất thấp, không đủ bù cho chi phí sản xuất, chế biến và vận chuyển hàng hóa đi tiêu thụ. Do đó, nông dân muốn tham gia các mô hình sản xuất gạo hữu cơ phải liên kết với những doanh nghiệp lớn để bảo đảm đầu ra ổn định theo hình thức bao tiêu sản phẩm.

Hiện nay, có nhiều đơn vị, doanh nghiệp ở ĐBSCL triển khai nhiều mô hình sản xuất gạo hữu cơ, giúp người tiêu dùng hạn chế lượng đường huyết hoặc hỗ trợ dinh dưỡng cho người lớn tuổi. Cụ thể như Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời (An Giang) đang thực hiện khá thành công mô hình gạo mầm dành cho những người bị đái tháo đường. Đây là loại gạo giúp người bệnh cảm thấy ăn ngon hơn mà không bị tăng lượng đường trong máu. Công ty TNHH ADC cũng tham gia sản xuất loại gạo đen và gạo tím (thương hiệu "Gạo Trường Thọ"), tại vùng nguyên liệu thuộc tỉnh Tiền Giang. Hai loại gạo này đang được Công ty TNHH ADC xuất khẩu sang châu Âu. Theo kết quả đã được công bố, các loại gạo sạch này chứa nhiều hàm lượng anthocyanin, giá trị dinh dưỡng cao, giúp tăng khả năng chống viêm nhiễm và ngăn chặn sự phát triển của hiện tượng thừa cân, béo phì cũng như bệnh đái tháo đường; được kỳ vọng như loại gạo dược liệu để thay thế dần cho gạo trắng.

Theo GS-TS Võ Tòng Xuân, để nâng cao chất lượng gạo Việt Nam, từ thành công bước đầu của Công ty CP Tập đoàn Lộc Trời, Công ty TNHH ADC cũng như của một số nông dân, cần đẩy mạnh liên kết, nhân rộng cách làm nông nghiệp công nghệ cao này.

Sản xuất theo VietGAP

Đến nay, loại gạo hữu cơ của bà Hồ Thị Kim Gương được nhân rộng sản xuất trên diện tích 60 ha, tập trung ở thị xã Hồng Ngự, huyện Tam Nông và TP Cao Lãnh. Kết quả đánh giá cho thấy cây lúa đạt năng suất tốt, hiệu quả kinh tế mang lại cao. Cái lợi khác là trên nền đất canh tác hữu cơ này, các vụ tiếp theo từng bước giảm lượng phân bón do tăng nhiều vi sinh vật có lợi, đất không bị chai như sử dụng phân, thuốc hóa học. "Tôi đang sản xuất thêm 20 ha gạo theo hướng VietGAP để đưa vào hệ thống siêu thị với mong muốn duy nhất là giúp người dùng bảo vệ sức khỏe" - bà Gương nói.

ĐƠN VỊ ĐỒNG HÀNH

TÂM MINH - THỐT NỐT

Nguồn NLĐ: http://nld.com.vn/thoi-su/bat-tay-lam-gao-huu-co-20190908214112662.htm