Bắt thêm 2 đối tượng đường dây tuyển lao động sang Dubai làm 'việc nhẹ lương cao'
Các đối tượng đăng tuyển lao động ở Việt Nam để sang Dubai làm việc, nhưng không như cam kết, người lao động bị ép làm việc lừa đảo qua mạng. Khi họ muốn về nước thì lại bị bán sang công ty khác.
Ngày 25/1, Cơ quan An ninh điều tra Công an TP Đà Nẵng cho biết đã tống đạt các quyết định khởi tố bị can, bắt giam Trần Đình Chiến (42 tuổi, trú phường Bắc Lý, TP Đồng Hới, tỉnh Quảng Bình); khởi tố, cấm đi khỏi nơi cư trú Đinh Thị Bích Thủy (41 tuổi, trú phường Bắc Nghĩa, TP Đồng Hới).
Quá trình điều tra xác định, Chiến và Thủy lợi dụng việc môi giới tuyển lao động, giúp sức cho Huỳnh Thị Ngọc Lê (32 tuổi, trú phường Hòa Khánh Bắc, quận Liên Chiểu, TP Đà Nẵng) tuyển 3 lao động quê ở Quảng Bình sang Dubai làm việc và trong số 3 lao động này có 2 người đã xuất cảnh đi Dubai.
Tuy nhiên, sau khi sang Dubai, 2 người này bị bán cho một công ty do người Trung Quốc làm chủ, bị thu hộ chiếu, cưỡng bức lao động. Khi phát hiện công việc không đúng cam kết, 2 lao động đòi về nước thì bị các đối tượng bán sang công ty khác.
Liên quan đến vụ án này, trước đó, như Báo Sức khỏe và Đời sống đã đưa tin, ngày 20/12, Cơ quan An ninh điều tra, Công an thành phố Đà Nẵng ra quyết định khởi tố vụ án, khởi tố bị can và áp dụng biện pháp ngăn chặn cấm đi khỏi nơi cư trú đối với Huỳnh Thị Ngọc Lê về tội "Mua bán người".
Theo điều tra, từ năm 2020 đến nay, Huỳnh Thị Ngọc Lê làm công việc môi giới, tư vấn xuất khẩu lao động tại địa bàn quận Liên Chiểu. Qua người khác giới thiệu, Lê làm quen với một người tên H. (quê tỉnh Hà Tĩnh, hiện sinh sống tại Tiểu vương quốc Dubai) và được người này cho biết đang cần tuyển lao động Việt Nam sang Dubai làm việc với mức lương hấp dẫn.
Lê được giao phụ trách việc đăng thông tin, tư vấn và nhận hồ sơ, tiền từ người lao động ở Việt Nam để gửi cho H. Sau đó, H. sẽ phụ trách làm visa, đón lao động ở Dubai. Điều kiện đưa ra là H. thu của Lê 1000 USD/1 lao động, còn Lê thu bao nhiêu của lao động thì người này không can thiệp.
Trên thực tế, số lao động mà Lê đưa sang Dubai không được bố trí làm việc đúng như cam kết, khi muốn về nước thì người lao động bị bán ngay sang công ty khác.
Theo đó, trong 2 ngày (30/6 và 20/7/2023), Lê đã đưa 5 lao động xuất cảnh đi Dubai qua cửa khẩu sân bay Nội Bài (Hà Nội). Khi đến Dubai, 5 lao động được H. đón, bố trí đến công ty để làm việc. Tại đây, các nạn nhân bị cưỡng bức lao động và bị ép làm công việc lừa đảo qua mạng internet.
Khi phát hiện công việc không đúng cam kết, các nạn nhân và gia đình liên tục đòi Lê đưa về nước nhưng Lê không thực hiện. Đầu tháng 8/2023, gia đình bà P. (quê ở huyện Hòa Vang, thành phố Đà Nẵng) đã tự đưa được 2 người thân về nước an toàn, 3 người còn lại vẫn còn ở Dubai nhưng chưa rõ tung tích.
Đáng chú ý, khi nạn nhân đòi về nước thì bị các đối tượng bán đi công ty khác (có thông tin có người đã bị bán đi 4 công ty khác nhau).
Kết quả điều tra bước đầu xác định, Lê thu của 5 lao động tổng số tiền là 265 triệu, Lê chuyển tiền cho H. tổng cộng 115 triệu. Trừ chi phí đi lại của Lê từ Đà Nẵng ra Hà Nội để đưa visa, vé và hướng dẫn lao động qua cổng An ninh, Hải quan sân bay, Lê thu lợi 140 triệu.