Bắt Thứ trưởng Ngoại giao Tô Anh Dũng tội nhận hối lộ trong vụ án tại Cục Lãnh sự

Điều tra mở rộng vụ án xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã khởi tố, bắt tạm giam ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao.

Ngày 14-4, trao đổi với Báo Người Lao Động, Trung tướng Tô Ân Xô, Chánh văn phòng kiêm người phát ngôn Bộ Công an, cho biết Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã ra quyết định khởi tố bị can, lệnh bắt tạm giam đối với ông Tô Anh Dũng, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao; Phạm Trung Kiên, chuyên viên Vụ trang thiết bị và Công trình Bộ Y tế, và Vũ Anh Tuấn, nguyên cán bộ Cục Quản lý xuất nhập cảnh - Bộ Công an cùng, về tội Nhận hối lộ.

Ông Tô Anh Dũng khi chưa bị khởi tố, bắt tạm giam

Ông Tô Anh Dũng khi chưa bị khởi tố, bắt tạm giam

Ông Tô Anh Dũng bị bắt do liên quan đến vụ án hình sự Đưa hối lộ và Nhận hối lộ xảy ra tại Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, trong quá trình xét duyệt cấp phép cho các công ty thực hiện chuyến bay đưa công dân Việt Nam từ nước ngoài về nước nhằm trục lợi cá nhân.

Sau khi được Viện Kiểm sát nhân dân Tối cao phê chuẩn, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an đã thực hiện tống đạt Quyết định khởi tố bị can, thi hành Lệnh bắt bị can để tạm giam, khám xét chỗ ở và nơi làm việc đối với bị can nêu trên.

Trước đó, ngày 27-1, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an khởi tố vụ án, khởi tố bị can, bắt tạm giam và thực hiện lệnh khám xét đối với 4 bị can gồm: Nguyễn Thị Hương Lan (SN 1974), Cục trưởng Cục Lãnh sự; Đỗ Hoàng Tùng (SN 1980, cùng trú tại Hà Nội), Phó Cục trưởng Cục Lãnh sự; Lê Tuấn Anh (SN 1982, trú tại Hưng Yên), Chánh Văn phòng Cục Lãnh sự; Lưu Tuấn Dũng (SN 1987, trú tại Hà Nội), Phó Phòng Bảo hộ công dân, Cục Lãnh sự, Bộ Ngoại giao, cùng về tội Nhận hối lộ. Đến ngày 25-3, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an vừa ra Quyết định bổ sung quyết định khởi tố vụ án hình sự Đưa hối lộ; Quyết định khởi tố bị can, Lệnh bắt tạm giam Hoàng Diệu Mơ (SN 1980, Tổng Giám đốc Công ty TNHH thương mại du lịch và dịch vụ hàng không An Bình) về tội Đưa hối lộ.

Trong quá trình điều tra vụ án, Cơ quan An ninh điều tra Bộ Công an cũng đã có văn bản gửi Bộ Giao thông Vận tải (GTVT) đề nghị cung cấp danh sách chuyến bay "giải cứu" phục vụ công tác điều tra.

Theo đó, Cơ quan An ninh điều tra đề nghị Bộ trưởng GTVT chỉ đạo các đơn vị cung cấp tài liệu làm rõ chủ trương tổ chức các chuyến bay giải cứu, combo đưa công dân Việt Nam về nước bắt đầu từ thời điểm nào; căn cứ tiêu chí, cơ sở nào để Bộ GTVT xét, duyệt cấp chuyến bay; quy trình, thủ tục xử lý việc xét duyệt cho hãng hàng không bay combo, "giải cứu" như thế nào...

Cơ quan điều tra đề nghị cung cấp danh sách chi tiết hãng hàng không, chuyến bay (thời gian, số hiệu máy bay, sân bay cất/hạ cánh) và các công ty/doanh nghiệp đã được Bộ GTVT cấp phép triển khai các chuyến bay "giải cứu", combo; kế hoạch và văn bản phê duyệt; danh sách công dân đã được đưa từ nước ngoài về trên các chuyến bay này; hợp đồng, chi phí thanh toán của từng chuyến bay...

Ngoài ra, Bộ GTVT cũng được đề nghị cung cấp danh sách cá nhân được phân công tại Bộ GTVT để thực hiện nhiệm vụ tiếp nhận, xét duyệt cho hãng hàng không, doanh nghiệp thực hiện bay combo, "giải cứu".

Ông Tô Anh Dũng sinh năm 1964 tại Hà Nội. Ông Dũng bắt đầu công tác trong ngành ngoại giao từ năm 1991.

Trải qua nhiều vị trí công tác trong ngành, từ năm 2016, ông giữ chức Vụ trưởng Vụ Tổ chức Cán bộ, Bộ Ngoại giao.

Năm 2017, bên cạnh chức vụ Vụ trưởng, ông kiêm nhiệm thêm chức vụ Trợ lý Bộ trưởng cho đến tháng 2-2019.

Tháng 3-2019, ông được Thủ tướng Chính phủ bổ nhiệm là Thứ trưởng Bộ Ngoại giao. Ông Dũng sau đó được bổ nhiệm kiêm giữ chức Chủ nhiệm Ủy ban Công tác về các tổ chức phi chính phủ nước ngoài.

Tháng 1-2022, Thứ trưởng Bộ Ngoại giao Tô Anh Dũng được chỉ định làm Đại sứ Việt Nam tại Nhật Bản kiêm nhiệm Cộng hòa Quần đảo Marshall. Tuy nhiên, ông Dũng chưa chính thức tiếp nhận vị trí này.

Điều 354. Tội nhận hối lộ

1. Người nào lợi dụng chức vụ, quyền hạn trực tiếp hoặc qua trung gian nhận hoặc sẽ nhận bất kỳ lợi ích nào sau đây cho chính bản thân người đó hoặc cho người hoặc tổ chức khác để làm hoặc không làm một việc vì lợi ích hoặc theo yêu cầu của người đưa hối lộ, thì bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm:

a) Tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật về hành vi này mà còn vi phạm hoặc đã bị kết án về một trong các tội quy định tại Mục 1 Chương này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

b) Lợi ích phi vật chất.

2. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 07 năm đến 15 năm:

a) Có tổ chức;

b) Lạm dụng chức vụ, quyền hạn;

c) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 100.000.000 đồng đến dưới 500.000.000 đồng;

d)Gây thiệt hại về tài sản từ 1.000.000.000 đồng đến dưới 3.000.000.000 đồng;

đ) Phạm tội 02 lần trở lên;

e) Biết rõ của hối lộ là tài sản của Nhà nước;

g) Đòi hối lộ, sách nhiễu hoặc dùng thủ đoạn xảo quyệt.

3. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù từ 15 năm đến 20 năm:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá từ 500.000.000 đồng đến dưới 1.000.000.000 đồng;

b) Gây thiệt hại về tài sản từ 3.000.000.000 đồng đến dưới 5.000.000.000 đồng.

4. Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tù 20 năm, tù chung thân hoặc tử hình:

a) Của hối lộ là tiền, tài sản hoặc lợi ích vật chất khác trị giá 1.000.000.000 đồng trở lên;

b) Gây thiệt hại về tài sản 5.000.000.000 đồng trở lên.

5. Người phạm tội còn bị cấm đảm nhiệm chức vụ nhất định từ 01 năm đến 05 năm, có thể bị phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, tịch thu một phần hoặc toàn bộ tài sản.

6. Người có chức vụ, quyền hạn trong các doanh nghiệp, tổ chức ngoài Nhà nước mà nhận hối lộ, thì bị xử lý theo quy định tại Điều này.

Nguyễn Hưởng

Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/phap-luat/bat-thu-truong-bo-ngoai-giao-to-anh-dung-20220414191246816.htm