Bất thường dự án lọc nước trăm tỉ
Trong 4 năm, tỉnh Bạc Liêu đã chi hàng trăm tỉ đồng để thực hiện dự án hệ thống lọc nước uống cho gần 300 trường học và trạm y tế. Dù ngay từ giai đoạn đầu, dự án đã bộc lộ nhiều bất cập nhưng các địa phương vẫn không ngừng triển khai các giai đoạn tiếp theo
Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Bạc Liêu vừa có văn bản yêu cầu một số địa phương trong tỉnh cung cấp tài liệu, hồ sơ liên quan đến dự án (DA) lắp đặt hệ thống thiết bị lọc nước tại các trường học, trạm y tế để phục vụ xác minh vụ việc "Vi phạm quy định về quản lý và sử dụng vốn đầu tư công gây hậu quả nghiêm trọng".
Đúng quy trình, chất lượng bảo đảm (!?)
Theo hồ sơ phóng viên có được, từ năm 2017 đến 2020, UBND tỉnh Bạc Liêu ban hành 4 quyết định hỗ trợ, phân bổ vốn cho các địa phương trong tỉnh đầu tư hệ thống lọc nước uống cho các trường học, trạm y tế trên địa bàn. DA được chia làm 4 giai đoạn, với tổng mức đầu tư trên 123 tỉ đồng. Trong đó, ngân sách tỉnh hỗ trợ hơn 115 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của các huyện, thị xã, thành phố.
Đến nay, 253 trường học và 46 trạm y tế đã đầu tư xong hệ thống lọc nước uống có giá trị từ khoảng 300 - 700 triệu đồng/hệ thống. Tổng mức đầu tư cho đến giai đoạn này là hơn 114 tỉ đồng. Trong đó, tỉnh đã giải ngân hơn 111 tỉ đồng, còn lại là vốn đối ứng của TP Bạc Liêu. Các huyện, thị xã khác chưa có vốn đối ứng nhưng vẫn thực hiện xong giai đoạn 2, giai đoạn 3 từ nguồn phân bổ của tỉnh.
Chủ trương của UBND tỉnh Bạc Liêu là mỗi huyện thực hiện một gói thầu chung, song nhiều địa phương vẫn chia nhỏ thành nhiều gói thầu (có nơi 1 hệ thống/gói thầu). Mặc dù chia thành nhiều gói thầu nhưng hầu hết hệ thống lọc nước từ trạm y tế đến các trường học có ít học sinh hoặc nhiều học sinh đều có quy mô, công suất như nhau và chỉ giao cho một công ty thực hiện, tỉ lệ tiết kiệm trong đấu thầu đạt chưa tới 1%. Đặc biệt, có nhiều hệ thống vừa đưa vào sử dụng chưa lâu đã hư hỏng; những hệ thống còn lại không bảo đảm vệ sinh khi sử dụng...
Với hàng loạt bất cập và bất thường bộc lộ ngay từ giai đoạn đầu của DA nhưng không có cơ quan chức năng nào thực hiện công tác thanh tra, kiểm toán. Đến năm 2019, khi thực hiện thanh tra chung các DA tại huyện Vĩnh Lợi và thị xã Giá Rai, Thanh tra Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh Bạc Liêu đánh giá DA hệ thống lọc nước tại các địa phương này đúng quy trình, chất lượng bảo đảm. Trong khi tại thời điểm thanh tra đã có một số hệ thống lọc nước tại 2 địa phương này bị hư hỏng, không sử dụng được.
Có dấu hiệu lãng phí
Ngày 13-8, phóng viên Báo Người Lao Động đã ghi nhận thực tế tại một số điểm trường trong DA đầu tư hệ thống lọc nước uống của Bạc Liêu. Qua quan sát, chúng tôi thật sự băn khoăn trước hàng loạt hệ thống lọc nước chỉ lớn bằng trụ ATM nhưng có giá trị đầu tư từ hơn 300 triệu đồng, nơi rộng hơn chút thì có giá đến 700 triệu đồng. Một vài điểm chỉ có 2 vòi lấy nước, có nơi cải tiến nâng lên 4 vòi. Khu vực lấy nước hẹp, không bảo đảm cho nhiều học sinh lấy cùng lúc. Có trường hợp để ly tại vòi cho học sinh dùng chung.
Như hệ thống lọc nước tại Trường THCS Phong Thạnh A (xã Phong Thạnh A, thị xã Giá Rai), chỗ lấy nước được lắp ngoài trời với 4 vòi lấy nước và 2 chiếc ly cho học sinh cả trường dùng chung. Vì không có cửa và thiết bị che chắn nên mặt bàn, vòi nước phải chịu tác động trực tiếp bởi mưa nắng, sinh rêu mốc và các mảng bám. Nhà trường cho biết hệ thống này đã không hoạt động gần một năm nay nhưng gọi nhà thầu không chịu xuống sửa chữa. "Do đã hết thời gian bảo hành và không có nguồn kinh phí để ký hợp đồng bảo trì với nhà thầu từ 8-10 triệu đồng/năm nên nhà thầu không cho người xuống sửa. Trường cũng thử mời thợ bên ngoài đến xem nhưng không ai sửa được. Lâu ngày không có người dùng nên hệ thống vòi nước cũng bắt đầu hoen gỉ" - một giáo viên có mặt tại trường vào giữa trưa cho biết.
Trong khi đó, bà Đinh Thúy Hằng, phụ huynh học sinh, cho biết từ khi có hệ thống lọc nước này bà vẫn không yên tâm cho con mình sử dụng. "Chất lượng vệ sinh nguồn nước thì tôi không bàn nhưng mấy trăm học sinh dùng chung 2 ly lấy nước rõ ràng không bảo đảm vệ sinh, tiềm ẩn nguy cơ lây bệnh. Để bảo đảm vệ sinh thì mỗi học sinh phải mang theo bình nước riêng để lấy nước. Mà đã mang theo bình nước riêng thì lấy nước từ nhà mang theo cho rồi chứ tới đây chen chúc hứng nước làm chi. Tôi cho rằng lắp đặt hệ thống lọc nước này là không thiết thực và lãng phí".
Sợ hao điện
Thực tế, theo khảo sát và báo cáo của ngành chức năng, có không ít đơn vị trạm y tế sau khi được đầu tư hệ thống lọc nước này vẫn phải mua thiết bị lọc nước nhỏ ngoài thị trường về sử dụng. Ngoài ra, có trường và trạm y tế dù hệ thống lọc nước vẫn hoạt động tốt nhưng không khuyến khích học sinh và người dân dùng nước tại vòi vì không bảo đảm vệ sinh, có nơi không vận hành vì sợ hao tốn điện. "Theo tiêu chuẩn của Bộ Y tế thì quá trình sử dụng, phải lấy mẫu nước từ các thiết bị lọc nước đi kiểm định chất lượng 2-3 lần/năm, mỗi lần là 5 triệu đồng. Ngoài ra, còn tiền điện vận hành, tiền bảo trì hệ thống... đơn vị không có nguồn chi trả. Do đó, có nơi buộc phải từ chối nhận hệ thống lọc nước này" - lãnh đạo một trạm y tế ở TP Bạc Liêu cho biết.
Nguồn NLĐ: https://nld.com.vn/mien-tay-24h/bat-thuong-du-an-loc-nuoc-tram-ti-2022082119504149.htm