Bất thường như bóng đá Việt Nam: Tiêu tiền nhưng không báo lãi

Mới nhất, CLB Thanh Hóa sáng bừng trên mạng xã hội khi nhiều cầu thủ đồng loạt tố bị nợ tiền lên đến hơn 16 tỷ đồng. Đây là câu chuyện buồn cho bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam.

Một cầu thủ của CLB Thanh Hóa chia sẻ với Saostar là phải liệt kê toàn bộ vấn đề bị nợ tiền để làm đơn khiếu nại gửi đến UBND tỉnh Thanh Hóa, Liên đoàn bóng đá Việt Nam và CLB Thanh Hóa. Họ sợ rơi vào cảnh đội bóng hết tiền, nợ tiền, rồi vỡ nợ như một số CLB trong quá khứ.

Thông điệp của 18 cầu thủ CLB Thanh Hóa rất rõ ràng và đầy đủ ý nghĩa: "Phía sau lưng mỗi cầu thủ còn cuộc sống và gia đình. Kính mong các cấp lãnh đạo có thẩm quyền lắng nghe và giải quyết".

Nhiều cầu thủ của CLB Thanh Hóa đã đăng trên mạng xã hội về chuyện bị nợ tiền kéo dài trong 2 mùa giải. Ảnh chụp màn hình

Nhiều cầu thủ của CLB Thanh Hóa đã đăng trên mạng xã hội về chuyện bị nợ tiền kéo dài trong 2 mùa giải. Ảnh chụp màn hình

Đây không phải lần đầu tiên có chuyện một đội bóng nợ tiền các cầu thủ bị đưa lên mạng xã hội, mà phải nói quá quen thuộc với bóng đá chuyên nghiệp Việt Nam. Nhưng những người quản lý bóng Việt Nam chưa bao giờ xử lý một cách hợp lý cho các cầu thủ, thậm chí có đội bóng nghỉ chơi thì toàn bộ cầu thủ rơi vào cảnh bị mất tiền. Tình cảnh đáng buồn cho bóng đá Việt Nam là có những đội bóng bị các cầu thủ khiếu nại nợ tiền nhưng vẫn chơi chuyên nghiệp như chưa từng... nợ tiền.

Trên thế giới, chuyện xảy ra như các CLB Việt Nam là bất thường. Lấy một ví dụ cụ thể về chuyện CLB nổi tiếng của Pháp - Bordeaux đã phải xin phá sản vào cuối tháng 7 năm nay. Bordeaux trở thành CLB bán chuyên nghiệp và xuống chơi tại giải hạng Ba từ mùa giải tới. Tình cảnh của Bordeaux bắt đầu bị theo dõi đặc biệt do kinh doanh không tốt kể từ năm 2021. Cơ quan giám sát tài chính các CLB chuyên nghiệp Pháp (DNCG) từng muốn đẩy Bordeaux xuống hạng ba vì tài chính không đảm bảo.

Tình cảnh của bóng đá Việt Nam khác biệt rất lớn về câu chuyện chuyên nghiệp và tạo ra hệ lụy xấu xí. Đó là chỉ xuất hiện thông tin tiêu rất nhiều tiền, nợ tiền và hết tiền mà không có CLB báo được tiền lãi nhờ làm bóng đá.

Nói có sách mách có chứng. Câu chuyện chung của sân chơi chuyên nghiệp trước thềm mùa bóng 2025 là một số CLB tiêu tiền mua cầu thủ với giá cao ngất ngưởng. Hai đội hạng Nhất cũng tiêu tiền đến mức nhiều đội V.League thấy... choáng. Nhưng có đội bóng rơi vào cảnh nợ tiền như CLB Thanh Hóa. Một số đội bóng hết tiền thì phải trả về tỉnh như CLB Long An. CLB Bà Rịa - Vũng Tàu đã gửi đơn trong bối cảnh giải hạng nhất 2024 chưa kết thúc với đề xuất cần được hỗ trợ kinh phí nếu không sẽ nghỉ chơi ở mùa bóng 2025...

Bóng đá Việt Nam chỉ tiêu tiền, nợ tiền và hết tiền nhưng không bao giờ thấy báo có tiền lãi nên dẫn đến chuyện càng ngày càng teo tóp về số đội ở nhiều giải đấu khác nhau. Ví dụ giải hạng Nhất 2025 chưa thể bốc thăm để xếp lịch thi đấu vì một số CLB chưa rõ số phận, có đội tạm dừng hoạt động (CLB Định Hướng Phú Nhuận). Càng nghịch lý khi làm bóng đá chuyên nghiệp mà đến lúc hết tiền thì có những đội đòi được địa phương hỗ trợ. Một số CLB chơi chuyên nghiệp tiêu xài hàng chục tỷ mỗi mùa nhờ bám vào "bầu sữa" mang tên ngân sách nhà nước, Hải Phòng FC là minh chứng.

Nếu không có vế cuối cùng từ việc tiêu tiền là báo lãi thì bóng đá Việt Nam sẽ mãi mãi tồn tại chuyện nợ tiền, hết tiền, rồi giải tán đội bóng.

Văn Nhân

Nguồn SaoStar: https://saostar.vn/sao-sport/bong-da-viet-nam-tieu-tien-no-tien-het-tien-nhung-khong-lai-tien-202408061025406716.html