Bất thường từ 'điều bình thường mới'
Trong những ngày gần đây, Thủ tướng Anh Boris Johnson đã nói đến một biện pháp giúp công dân Anh cảm thấy thoải mái khi đất nước dỡ bỏ phong tỏa: đeo khẩu trang.
“Là một phần của việc dỡ bỏ phong tỏa, tôi nghĩ rằng việc đeo khẩu trang sẽ hữu ích”, Thủ tướng Johnson nói hồi đầu tháng này, rằng mặt nạ sẽ giúp công chúng “tự tin họ có thể quay trở lại làm việc.” Nhưng nhiều người đã nghĩ về viễn cảnh một xã hội toàn người “đeo mạng che mặt”, khi đeo khẩu trang thường xuyên trở thành “điều bình thường mới” có tác động sâu rộng đối với vấn đề tội phạm và an ninh, cũng như tương tác xã hội.
“Vấn đề chính là khối lượng người đột nhiên che mặt,” Francis Dodsworth, giảng viên cao cấp về tội phạm học tại Đại học Kingston, gần London, nói với CNN. “Nó có thể tạo ra cơ hội cho những người muốn che mặt vì những lý do bất chính. Bây giờ họ có thể làm như vậy mà không gây nghi ngờ”.
Đối với một số quốc gia châu Á từng bị dịch SARS và các loại dịch đường hô hấp khác hoành hành và việc đeo khẩu trang trở nên khá bình thường trong hơn một thập kỷ, có vẻ người phương Tây đang nghiêm trọng hóa chuyện đeo khẩu trang. Nhưng đã có bằng chứng về sự gia tăng hành vi tội phạm được thực hiện bởi những kẻ đeo mặt nạ ở Mỹ và Tây Âu.
Bộ Nội vụ Tây Ban Nha cho biết, tháng trước họ đã bắt giữ một tên khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS), được cho là đã ẩn náu ở thị trấn Almeria phía nam đất nước kể từ khi chạy trốn khỏi Syria. Cơ quan an ninh Tây Ban Nha nói nghi can đã điều chỉnh hành vi khi có đại dịch, hầu như chỉ ở trong nhà. Khi ra ngoài, anh ta “luôn luôn đeo mặt nạ để tránh bị phát hiện”, nhưng không ai ngạc nhiên với điều đó khi dịch COVID-19 bùng phát ở Tây Ban Nha.
Các chuyên gia nói đeo mặt nạ hàng loạt cũng có thể làm phức tạp các cuộc điều tra tội phạm, vì nhận dạng khuôn mặt trở thành một phần ngày càng quan trọng trong việc theo dõi tội phạm.
Trong khi con người rất giỏi trong việc nhận ra khuôn mặt quen thuộc và thuật toán nhận dạng khuôn mặt đã trở nên tốt hơn trong việc xác định các mẫu, khẩu trang bỗng làm rối tung mọi thứ.
“Chuyện nhân chứng nay nảy sinh nhiều vấn đề,” Dodsworth nói. “Ngay cả khi một nhóm người cùng chứng kiến một tội ác, một người sẽ nhìn thấy ai đó có ria mép và mũ, trong khi một người khác sẽ nhìn thấy ai đó có râu và kính râm”.
Cảnh quay của camera an ninh đôi khi là bằng chứng duy nhất trong một cuộc điều tra, Eilidh Noyes, giảng viên về tâm lý học nhận thức tại Đại học Huddersfield, miền bắc nước Anh, nói.
“Hiện tại chúng tôi không biết chính xác khẩu trang sẽ ảnh hưởng đến độ chính xác việc nhận dạng mặt người như thế nào”, cô nói.
Một công ty Trung Quốc tuyên bố họ đã phát triển phần mềm có thể xác định chính xác nhân thân, ngay cả khi đối tượng đang đeo mặt nạ. Tuy nhiên, các chuyên gia vẫn nghĩ rằng còn rất xa việc này mới trở thành tiêu chuẩn mới, có thể được sử dụng trong mọi trường hợp.
Khuôn mặt bị che khuất tạo ra các vấn đề khác cho cơ quan thực thi pháp luật, đặc biệt là khi thiết lập những gì cấu thành hành vi đáng ngờ.
Chỉ mãi đến năm ngoái, những nơi như Hong Kong và Pháp mới thông qua luật quy định việc giấu mặt (đeo khẩu trang, mặt nạ) trong một cuộc biểu tình là bất hợp pháp.
Bây giờ, cảnh sát sẽ phải đưa ra những đánh giá khó khăn về động cơ che mặt của mọi người, chuyên gia an ninh Dodsworth nói.
Đeo khẩu trang không phải là bắt buộc ở hầu hết các nước phương Tây cho dù họ đang trải qua đại dịch COVID-19, trong bối cảnh lo ngại về các vấn đề quyền riêng tư và sự kỳ thị nói chung đối với những người đeo khẩu trang hay mặt nạ. Bây giờ sự kỳ thị đó có thể chuyển sang những người không đeo.
“Thông thường, nếu bạn đang đi một mình và nhìn thấy ai đó đeo mặt nạ, bạn có thể lo lắng và tránh họ. Nhưng bây giờ thì chẳng rõ có nên sợ hay không, hay khi nào thì nên sợ”.
Chuyên gia an ninh và tội phạm học Francis Dodsworth
Nguồn Tiền Phong: https://www.tienphong.vn/the-gioi/bat-thuong-tu-dieu-binh-thuong-moi-1655733.tpo