Bắt trẻ đồng xanh và sự 'đạo đức giả' của người lớn
Dù Bắt trẻ đồng xanh là lời tự sự của một thiếu niên kể về những suy tư và trăn trở của lứa tuổi này nhưng người lớn nên đọc. Vì đó là một lời cảnh tỉnh sâu sắc đến những người trưởng thành đang mải mê chạy theo các giá trị phù du khiến nhân cách biến chất, lãng quên đi một thời tuổi trẻ đầy ước mơ, hoài bão về những điều tốt đẹp.
“Bắt trẻ đồng xanh” (tựa gốc tiếng Anh là The catcher in the rye), tiểu thuyết của nhà văn Mỹ J. D. Salinger được xuất bản năm 1951, đã không còn xa lạ đối với độc giả thế giới. Trong những ngày đầu ra mắt, tác phẩm chịu nhiều chỉ trích từ dư luận, chủ yếu bởi những lời lẽ được kể ở ngôi thứ nhất của nhân vật chính khá dung tục và mang tính công kích. Thậm chí, một thầy giáo đã bị sa thải vì ông giới thiệu tác phẩm này đến học sinh của mình. Nhưng sau đó, tác phẩm nhanh chóng nhận được sự chào đón nồng nhiệt của độc giả cũng như sự khen ngợi từ giới phê bình. Bắt trẻ đồng xanh được đưa vào chương trình giảng dạy học sinh trung học ở nhiều quốc gia nói tiếng Anh. Năm 1981, đây là tác phẩm được giảng dạy nhiều thứ 2 tại các trường công ở Mỹ(1).
Từ một câu chuyện “tẻ nhạt” trong mắt người lớn…
Ngoài ngôn ngữ bị coi là thô tục, Bắt trẻ đồng xanh ban đầu còn chịu sự chê bai vì cốt truyện bị đánh giá là tẻ nhạt. Câu chuyện xoay quanh nhân vật chính, Holden Caulfield, một học sinh trung học có thể nói là khó dạy và ngỗ nghịch trong mắt thầy cô và bạn bè. Đây là lần thứ tư cậu bị đuổi học ở bốn trường khác nhau vì thành tích kém cỏi của mình. Và lần này, để tránh cơn thịnh nộ của ba mẹ cũng như có thời gian để suy nghĩ cách đối đầu với cơn thịnh nộ ấy, cậu đã quyết định bỏ đi lang thang vài ngày trước khi về nhà.
Trong cuộc “đi bụi” đó, cậu đã gặp nhiều người. Những cuộc gặp gỡ này có thể cố ý hoặc vô tình, có những người cậu giao tiếp thật sự, cũng có những người cậu chỉ thoáng thấy nhưng để lại ấn tượng với cậu. Đâu đâu cậu cũng gặp phải những luật lệ cứng nhắc, những dối trá, giả tạo của thế giới người lớn mà cậu chỉ muốn chửi đổng hay phỉ nhổ vào chúng. Truyện không hề có những nút thắt, nút mở như vốn dĩ một cuốn tiểu thuyết ăn khách cần có. Tác phẩm là một lời tự sự, một cuốn nhật ký mà nhân vật chính ghi lại những trải nghiệm hàng ngày của mình. Chính vì thế, những độc giả mong chờ một cốt truyện kịch tính khiến bản thân có thể ồ à, hoặc cười rồi khóc với nhân vật sẽ dễ dàng buông bỏ ở ngay vài trang đầu tiên.
Vì câu chuyện được kể ở ngôi thứ nhất, ghi nhận những suy nghĩ, cảm giác chân thật từ tận đáy lòng của nhân vật chính nên tác giả đa phần sử dụng văn nói trong tác phẩm của mình: nhiều từ ngữ dung tục, thậm chí là những câu chửi thề vốn dĩ luôn là điều cấm kỵ trong văn chương. Ngoài ra, vì nhân vật chính lại là một thiếu niên đang trong giai đoạn dậy thì, sự nổi loạn và bất cần xen lẫn những nỗi sợ rất trẻ con khiến cho kết cấu truyện trở nên ngổn ngang với những ngôn từ được lặp đi lặp lại thường xuyên và cụt lủn như chính tính cách ngông nghênh của Holden Caulfield.
Sẽ không có gì kỳ lạ khi thấy những cái nhíu mày trên gương mặt của người lớn lần đầu tiếp cận tác phẩm. Người lớn thường nhìn trẻ con với tâm lý cần giáo dục, khuyên răn. Thế nên, đọc về một cậu thiếu niên liên tục bị đuổi học, chán trường lớp, có những suy nghĩ nổi loạn như thể đang chống đối cả xã hội, và tâm lý đó được phát ngôn ra bằng những từ ngữ dung tục thì hẳn là một trải nghiệm kinh hoàng với các ông bố, bà mẹ. Bằng chứng là Bắt trẻ đồng xanh là một trong những tác phẩm bị kiểm duyệt gắt gao nhất ở Mỹ suốt một thời gian dài.
Thế nhưng, có lẽ người lớn đã quên rằng một thời họ cũng là trẻ con.
…đến thế giới đầy bất ổn trong tâm hồn nhạy cảm của tuổi hoa niên
Vì người lớn đã quên mình từng là trẻ con, họ cũng quên luôn những cảm xúc chông chênh, vừa phấn khích vừa sợ hãi của tuổi dậy thì. Salinger có lẽ rất yêu tuổi trẻ nên ông mới có thể khắc họa nên một Holden Caulfield mang tính biểu tượng như vậy. Thế giới trong mắt cậu đầy bất ổn với những luật lệ cứng nhắc đến vô lý, cả những lọc lừa và giả tạo vốn xa lạ với thế giới trẻ con. Là một người đang ngấp nghé ở ngưỡng cửa trưởng thành, cậu cảm thấy sợ hãi điều đó. Nói cách khác, Salinger đang kể về một thiếu niên sợ phải thành người lớn. Nếu cuộc đời trong mắt người lớn là một trò chơi có luật riêng của nó như thầy Spencer nói, thì Caulfield khước từ các luật lệ ấy.
Nghe có vẻ quen, đúng không độc giả của tôi? Bởi vì đó chính xác là cảm giác mà bản thân chúng ta đã ít nhất một lần trải qua khi còn tuổi hoa niên, khi chúng ta chưa bị các luật lệ ràng buộc để bước vào thế giới của những người trưởng thành. Nếu những hồi ức này trở lại với một độc giả lớn tuổi khi đọc Bắt trẻ đồng xanh, có lẽ độc giả ấy sẽ bớt khắt khe hơn khi đánh giá tác phẩm.
Một điều thú vị trong Bắt trẻ đồng xanh là sự tinh tế và thấu hiểu tâm lý tuổi thiếu niên của tác giả. Holden Caulfield được khắc họa bên ngoài như là một cậu chàng ngông nghênh, bất cần và lãnh đạm với con người. Kỳ thật, ẩn sâu trong lớp vỏ xù xì bên ngoài là một cậu bé luôn mong muốn hòa nhập với xã hội, khao khát các mối quan hệ ấm áp giữa người với người và một tâm hồn nhạy cảm với yêu thương.
Mặc dù cậu luôn ghét trường lớp và những khuôn mẫu giao tiếp sáo rỗng, nhưng cậu sợ sự cô lập của xã hội, sợ mình đứng trước những tình huống khiến bản thân cảm thấy xấu hổ trước người khác. Chẳng hạn cậu không quan tâm đến việc mình bị đánh trượt môn lịch sử nhưng cậu lại ngại ngùng tột cùng khi bị thầy Spencer đọc lại những câu viết ngớ ngẩn của bản thân trong bài thi. Đây là tâm lý rất đặc trưng của một con người ở độ tuổi nửa trẻ con nửa người lớn. Sự ngông nghênh bất chấp hậu quả ấu trĩ của trẻ con nhưng lại sợ bản thân trở nên kỳ dị, lạc lõng trong mắt mọi người - một cảm giác cần phải có để có thể bước vào ngưỡng cửa trưởng thành.
Holden Caulfield cũng được khắc họa rất nhân văn. Ẩn sâu trong vẻ ngoài cộc cằn với những lời chửi thề luôn chực chờ tuột ra khỏi miệng là một con người biết yêu thương và một tâm hồn nhạy cảm. Một chi tiết được nhắc đi nhắc lại trong tác phẩm chính là câu hỏi cứ luẩn quẩn trong đầu Holden: “Khi hồ nước đóng băng vào mùa đông thì những con vịt vốn quanh năm tung tẩy trong đó sẽ đi đâu để tránh rét?”. Khi cậu hỏi đi hỏi lại người lái taxi điều thắc mắc này, ông ta trở nên khó chịu vì cho rằng đó là một câu hỏi ngớ ngẩn không đáng được đặt ra. Chi tiết này nói lên hai điều. Một là người lớn có vẻ đã dần đánh mất đi sự tò mò về mọi thứ mà trẻ nhỏ luôn để ý. Hai là Caulfield thật sự quan tâm đến số phận của những chú vịt cho dù đối với người lớn sự quan tâm đó là không cần thiết.
Cậu luôn tưởng nhớ về người em trai đã mất và luôn yêu chiều cô em gái Phoebe của mình. Đối với cậu, những người mình yêu thương cần phải được đối xử một cách trân trọng và dịu dàng nhất có thể. Thế nên, cậu đã rất tức giận khi gặp một cặp tình nhân đang chơi trò phun nước vào mặt nhau chỉ bởi vì nếu bạn yêu thương một người bạn sẽ không phun nước thô bạo vào gương mặt người mà bạn yêu. Cậu cũng tức giận khi trên tường trường học của em gái đầy những tranh vẽ tục tĩu, thô lậu vì cậu không thể chịu nổi cảm giác khi tưởng tượng em gái mình nhìn thấy những lời lẽ và hình ảnh dơ bẩn đó. Dù rất ghét sự dối trá, cậu vẫn sẵn sàng nói những lời tốt đẹp về một đứa bạn mà cậu cho là “cặn bã” chỉ để làm vui lòng mẹ người bạn đó, một người mẹ mà cậu thấy yêu quý. Rõ ràng, vượt qua vẻ ngoài thô lỗ, Holden Caulfield là một tâm hồn nhạy cảm tuyệt vời.
...Và khước từ thế giới giả tạo của người lớn
Tại sao Holden Caulfield từ chối bước qua ngưỡng cửa của người lớn? Vì cậu sợ sự giả tạo của người lớn làm hoen ố đi vẻ đẹp thiên thần, tinh khiết của trẻ con. Một ý tưởng xuyên suốt, nổi bật trong Bắt trẻ đồng xanh chính là quan niệm trẻ con thánh thiện như thiên thần, nếu so với sự giả dối của người lớn. Trẻ con đẹp đẽ, trong sáng với những suy nghĩ thuần khiết vô tư.
Trẻ con không thực dụng đến hèn hạ như lão hiệu trưởng của một trường mà Holden đã từng bị đuổi học, vị hiệu trưởng luôn xun xoe quanh các phụ huynh giàu có và lạnh nhạt với những phụ huynh kém khả năng tài chính hơn. Trẻ con không háo danh đến trơ tráo như lão đại gia, làm giàu nhờ dịch vụ mai táng, tài trợ cho trường học chỉ để tên mình được gắn vào khu ký túc xá của trường. Holden khinh bỉ những người như vậy. Hay nói cách khác, cậu cảm thấy tởm lợm và không thể thỏa hiệp được với sự lừa dối, hèn hạ, khoác lớp áo lóng lánh của những lời giáo điều có cánh. Đối với cậu, đó là một sự đạo đức giả không hơn không kém.
Một đoạn mang tính biểu tượng, cũng là sự đúc kết tinh thần của tác phẩm và giải thích tại sao tác phẩm lại có tên “The catcher in the rye” trong nguyên bản:
“Anh cứ hình dung bọn con nít chơi trên cánh đồng khổng lồ vào buổi chiều, trong đám lúa mạch. Có đến ngàn đứa trẻ mà xung quanh không có lấy một người lớn nào, ngoài anh. Còn anh thì đứng tận rìa vách đá trên vực thẳm, em hiểu không? Và việc của anh là luôn sẵn sàng tóm lấy bọn trẻ để chúng không lăn tõm xuống vực. Em hiểu không, chúng chơi đùa mà chẳng hề nhìn xem mình chạy đi đâu, thế là anh đuổi theo chúng, tóm chúng lại. Đấy, tất cả công việc của anh là ở đó.
Canh giữ lũ trẻ trên bờ vực thẳm trong đồng lúa mạch. Anh biết, đó chỉ là điều ngu xuẩn, nhưng là cái duy nhất anh muốn làm thực sự. Có lẽ, anh là một thằng ngốc”(2).
Hình ảnh người canh giữ lũ trẻ (the catcher) mang tính biểu tượng rất cao. Nó tượng trưng cho sự khát khao gìn giữ những giá trị chân thật và thuần khiết trong nhân cách con người. Giữ cho những đứa trẻ đang vô tư vui đùa trong hạnh phúc, không sa chân vào vực thẳm nghĩa là bảo vệ sự thánh thiện bẩm sinh của mỗi cá nhân, để không bị tha hóa đến tội nghiệp trong vòng xoáy tiền bạc và danh vọng phù phiếm.
Thay lời kết
Dù tác phẩm là lời tự sự của một thiếu niên kể về những suy tư và trăn trở của lứa tuổi này. Tuy nhiên, nó nên được đọc bởi người lớn. Tác phẩm là một lời cảnh tỉnh sâu sắc đến những người trưởng thành đang mải mê chạy theo các giá trị phù du khiến nhân cách biến chất, để rồi lãng quên đi một thời tuổi trẻ đầy ước mơ, hoài bão về những điều tốt đẹp.
Sự tha hóa vì đồng tiền và danh vọng làm cho người lớn có khuynh hướng đạo đức giả hơn. Người lớn luôn dạy trẻ phải nói thật khi chính mình dối trá với đồng nghiệp, bạn bè, người thân. Các chính trị gia nói về bình đẳng, bác ái và ca ngợi hòa bình lại ra các chính sách đàn áp, phân biệt đối xử và kích động chiến tranh. Có lẽ, nếu trẻ con được phép cãi lại, chúng sẽ không ngần ngại bảo rằng chúng ta, những người trưởng thành, là những kẻ đạo đức giả. Và không bi quan đâu, trong phần lớn các trường hợp, chúng ta chỉ có thể im lặng chấp nhận lời phán xét đó.
(*) Đại học Kinh tế - Luật, ĐHQG TPHCM
(1) Sylvia Andrychuk (2004). “A History of J.D. Salinger›s The Catcher in the Rye”, https://web.archive.org/web/20070928072611/http://www.slais.ubc.ca/courses/libr559f/03-04-wt2/projects/S_Andrychuk/Content/history_book_catcher.pdf.
(2) Bản dịch tiếng Việt của Phùng Khánh, NXB Nhã Nam.
Nguồn Saigon Times: https://thesaigontimes.vn/bat-tre-dong-xanh-va-su-dao-duc-gia-cua-nguoi-lon/