Bắt trẻ nghỉ học là vi phạm luật!

Một sự kiện khá đau lòng diễn ra những tuần trong tháng 11/2019 là việc nhiều phụ huynh học sinh tại huyện Mê Linh, Hà Nội tự ý cho con em nghỉ học vì phản đối việc xây dựng Công viên tưởng niệm Thiên Đường Thanh Tước. Việc làm này không những ảnh hưởng đến sự học của các em học sinh mà còn vi phạm quy định pháp luật.

Đừng để cơ hội học tập bị “đánh cắp”

Trao đổi với báo chí ngày 21/11, Phó Trưởng phòng Giáo dục - Đào tạo huyện Mê Linh Trần Thị Lan cho biết, những ngày qua đã có hơn 2.000 học sinh tại huyện Mê Linh, Hà Nội nghỉ học do người dân phản đối xây dựng công viên tưởng niệm tại xã Thanh Lâm.

Học tập là quyền cơ bản của các em học sinh. Ảnh: P.T

Học tập là quyền cơ bản của các em học sinh. Ảnh: P.T

Trước hết cần khẳng định việc tiến hành xây dựng Công viên tưởng niệm Thiêng đường Thanh Tước mà chủ đầu tư triển khai là phù hợp đúng với quy hoạch đã được Thủ tướng Chính phủ phê duyệt trước đây. Bởi thế, nếu trong quá trình triển khai dự án, xét thấy có vấn đề nào đó chưa rõ, người dân nên tổ chức họp, có văn bản kiến nghị cấp có thẩm quyền tại huyện để báo cáo Thành phố có hướng giải quyết cho bà con yên tâm. Tuy nhiên, phản đối bằng việc bắt con em nghỉ học là không nên.

Nên nhớ với chương trình học hiện nay, chỉ cần vì lý ốm đau, một học sinh A nghỉ học 02 hôm đã ảnh hưởng đến công việc học tập, nghỉ khoảng 05 ngày hổng kiến thức không theo kịp được các bạn trong lớp và cũng không đáp ứng được những gì mà giáo viên đề ra. Huống gì, nhiều phụ huynh học sinh cho em nghỉ cả tuần.

Bắt con em nghỉ học là vi phạm luật

Luật Giáo dục năm 2019, liên quan đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân Điều 13 quy định như sau: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân.

Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập...

Theo quy định của Bộ Giáo dục- Đào tạo, cụ thể là Quy chế đánh giá, xếp loại học sinh trung học cơ sở và học sinh trung học phổ thông ban hành kèm Thông tư 58/2011/TT-BGDĐT ngày 12/12/2011 của Bộ này quy định: “Học sinh nghỉ không quá 45 buổi trong một năm học. Các em nghỉ học quá 45 buổi có thể bị lưu ban”.

Học kỳ I năm học 2019 sắp kết thúc, các em học sinh đang chuẩn bị kỳ thi hết học kỳ, áp lực rất lớn vậy mà nhiều phụ huynh lại mang con em mình làm “lá chắn” trong việc phản đối, điều này vô tình làm ảnh hưởng nghiêm trọng đến việc học tập của các cháu.

Để tạo điều kiện cho con em đến trường, Luật Giáo dục năm 2019, liên quan đến quyền và nghĩa vụ học tập của công dân Điều 13 quy định như sau: “Học tập là quyền và nghĩa vụ của công dân.

Mọi công dân không phân biệt dân tộc, tôn giáo, tín ngưỡng, giới tính, đặc điểm cá nhân, nguồn gốc gia đình, địa vị xã hội, hoàn cảnh kinh tế đều bình đẳng về cơ hội học tập; Nhà nước thực hiện công bằng xã hội trong giáo dục, tạo môi trường giáo dục an toàn, bảo đảm giáo dục hòa nhập, tạo điều kiện để người học phát huy tiềm năng, năng khiếu của mình; Nhà nước ưu tiên, tạo điều kiện cho người học là trẻ em có hoàn cảnh đặc biệt theo quy định của Luật Trẻ em, người học là người khuyết tật theo quy định của Luật Người khuyết tật, người học thuộc hộ nghèo và hộ cận nghèo thực hiện quyền và nghĩa vụ học tập”..

Cạnh đó, Điều 14 còn quy định phổ cập giáo dục và giáo dục bắt buộc, cụ thể: “Giáo dục tiểu học là giáo dục bắt buộc. Nhà nước thực hiện phổ cập giáo dục mầm non cho trẻ em 05 tuổi và phổ cập giáo dục trung học cơ sở; Nhà nước chịu trách nhiệm thực hiện giáo dục bắt buộc trong cả nước; quyết định kế hoạch, bảo đảm các điều kiện để thực hiện phổ cập giáo dục; Mọi công dân trong độ tuổi quy định có nghĩa vụ học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc; gia đình, người giám hộ có trách nhiệm tạo điều kiện cho các thành viên của gia đình trong độ tuổi quy định được học tập để thực hiện phổ cập giáo dục và hoàn thành giáo dục bắt buộc”.

Về các hành vi được xem là cản trở việc học tập của các em, Điều 10 Nghị định 71/2011/NĐ-CP quy định các hành vi như sau: Lợi dụng uy tín, dùng vũ lực, đe dọa dùng vũ lực hoặc sử dụng vật chất, uy quyền để dụ dỗ, lôi kéo, ép buộc trẻ em bỏ học, nghỉ học; Bắt buộc, dụ dỗ trẻ em bỏ học, nghỉ học để gây áp lực, khiếu kiện, biểu tình trái pháp luật; Gây rối, cản trở hoạt động của cơ sở giáo dục, phá hoại cơ sở vật chất, trang thiết bị học tập, giảng dạy của các cơ sở giáo dục; Cố tình không thực hiện nghĩa vụ đóng góp cho việc học tập của trẻ em theo quy định của pháp luật, không bảo đảm thời gian, điều kiện học tập cho trẻ em; Hủy hoại sách, vở, đồ dùng học tập của trẻ em; Từ chối tiếp nhận hoặc gây áp lực để cản trở việc tiếp nhận trẻ em khuyết tật có khả năng học tập, trẻ em nhiễm, nghi nhiễm, có nguy cơ hoặc có cha, mẹ nhiễm HIV được vào học tại các cơ sở giáo dục theo quy định của pháp luật.

Ngoài ra, để bảo vệ quyền học tập của các em, Điều 17 Nghị định 71/2011 quy định về Bảo vệ trẻ em trong trường hợp cha, mẹ có hành vi vi phạm quyền trẻ em quy định tại Chương II như sau: Tòa án quyết định hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em nếu cha, mẹ có hành vi vi phạm quyền trẻ em, làm tổn hại đến sự phát triển bình thường của trẻ em theo tính chất và mức độ của hành vi vi phạm; Trách nhiệm bảo đảm an toàn và sự phát triển bình thường của trẻ em trong trường hợp cha, mẹ bị hạn chế quyền đối với con là trẻ em: Cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án hoặc đề nghị Viện Kiểm sát yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em.

Các tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền đề nghị Viện Kiểm sát xem xét, yêu cầu Tòa án hạn chế quyền của cha, mẹ đối với con là trẻ em; Trong trường hợp khẩn cấp, cần phải bảo vệ tính mạng, thân thể, nhân phẩm, danh dự và lợi ích hợp pháp của trẻ em khi chưa có quyết định của Tòa án, cơ quan Lao động - Thương binh và Xã hội các cấp, Hội Liên hiệp Phụ nữ các cấp và cơ quan, tổ chức, cá nhân khác theo quy định của pháp luật tố tụng dân sự có quyền yêu cầu Tòa án có thẩm quyền ra quyết định tạm thời giao trẻ em cho thân nhân nuôi dưỡng, chăm sóc, giáo dục; trong trường hợp không có thân nhân thì giao trẻ em cho gia đình chăm sóc thay thế hoặc cho cơ sở trợ giúp trẻ em, cơ sở bảo trợ xã hội…

Đấy là chưa kể đến việc nếu ai đó cố tình cản trở việc học tập của các em để thực hiện những hành vi có mục đích cũng có thể bị xử lý hình sự.

H.P

Nguồn LĐTĐ: http://laodongthudo.vn/bat-tre-nghi-hoc-la-vi-pham-luat-100468.html