Bát tương ngày bão

Hà Nội ngày trước cứ đến mỗi kỳ mưa bão là các chợ đều đồng loạt nghỉ họp vài ba ngày. Khi ấy các gia đình đều tích trữ đủ rau mắm tương cà, để ăn đổi bữa mấy hôm chờ đến ngày chợ họp lại...

Tôi từ lúc còn nhỏ đã có tính đãng trí. Đến phiên dọn cơm, tôi thường lơ đễnh không mấy khi xếp đủ mấy thứ nước chấm theo đúng ý của mẹ tôi. Ví dụ khi nhà có món rau muống luộc thì phải nhớ dọn nước mắm cốt cho bố, tương nếp Cự Đà cho bà và mẹ, nước mắm chanh tỏi ớt hay nước mắm dầm sấu cho chị em chúng tôi. Hoặc có khi tôi nhớ đủ các bát nước chấm, nhưng rót nhầm bát tương nếp Cự Đà thành bát tương ngô Bần Yên Nhân. Vì ngày ấy các chai tương mắm đâu có nhãn hiệu gì. Thế mà mẹ tôi biết ngay mới lạ:

- Rót tương phải để ý chứ! Chai tương mầu nâu là tương Cự Đà, mùi nó ngòn ngọt. Chai tương mầu vàng là tương Bần, mùi nó chua chua. Tương Cự Đà để chấm. Tương Bần để kho. Có thế mà mãi không nhớ.

Thú thực là lúc còn tuổi lên tám lên mười, tôi và các chị em trong nhà đã không thích ăn tương. Cái thứ nước chấm gì mà lổn nhổn, sền sệt, lại mằn mặn, ngọt ngọt, lợ lợ ấy rất không hợp khẩu đám con gái tuổi ô mai, vốn chỉ thích màu nước mắm trong vắt và vị chua chua thanh mát của chanh và sấu. Kỷ niệm lần đầu tiên ăn món tương của tôi rất buồn cười. Ấy là khi tôi đã sang tuổi thiếu nữ, sang nhà bạn tôi - con ông cafe Lâm và được đọc cuốn tiểu thuyết "Bỉ vỏ" của nhà văn Nguyên Hồng. Hồi ấy "Bỉ vỏ" còn bị coi là sách cấm. Đọc đến đoạn thằng cu em nhìn chị gái Tám Bính ăn cơm cũ có món đậu phụ kho tương nó thèm thuồng đòi ăn ké mà bị bố đánh, tôi cũng đâm thèm như thằng bé. Về nhà, đến bữa cơm, tôi đánh bạo xin một miếng đậu phụ kho tương là món ăn thường nhật của bà và mẹ. Mẹ tôi ngạc nhiên:

- Trước dỗ mãi chả ăn. Sao hôm nay lại đốc chứng ra thế?

Bà tôi bảo: - Biết ăn tương là khôn rồi đấy! Tương làm từ gạo nếp với đậu nành. Vừa ngọt vừa thơm. Chứ báu gì cái thứ nước mắm mậu dịch thối um đun đi đun lại, mà các con cứ thích.

- Hôm nào thư thả, dì nó quấy bữa bánh đúc lạc cho cả nhà chấm tương nhé! Chứ chấm cái mắm tôm đặc toàn sạn sỏi ấy cũng có ra gì đâu! - Mẹ tôi xoay qua nói với dì tôi.

Sáng chủ nhật đó, dì tôi sai em tôi đi lấy bột xay ngoài chợ Hàng Bè về. Dì tôi nổi lửa quấy nồi bánh đúc lạc to tướng, đổ đầy chiếc mẹt lót lá chuối xanh. Quá trưa, khi mẹt bánh đi hơi trở nên đông đặc, dì tôi lấy chiếc que nứa cật xắt xiên chéo thành những ô bánh hình quả trám san sát, trông thật thích mắt. Mẹ tôi lại sai tôi vào chạn lấy đúng chai tương nếp Cự Đà nâu nâu, sanh sánh rót ra bát. Rồi mẹ cẩn thận lấy hộp đường kính mở nắp, múc đôi ba thìa nhỏ bảo tôi đánh kỹ với tương, rồi thái vào bát mấy lát ớt tươi. Bát tương dậy lên mùi thơm dìu dịu.

Nguồn: ITN

Nguồn: ITN

Mẹ tranh thủ giảng giải:

- Ở nông thôn xưa nhà nhà làm tương. Nhưng hai làng có nhiều người làm tương ngon. Ấy là làng Cự Đà, ở Hà Tây với làng Bần Yên Nhân ở Hưng Yên. Nhà mình quen vị tương Cự Đà để chấm, tương Bần Yên Nhân để kho. Chứ kể ra tương nào kho cũng ngon hay chấm cũng ngon. Tương Bần Yên Nhân mà chấm vó bò luộc hay thịt bê tái chanh thì còn hợp vị hơn cả tương Cự Đà ấy chứ! Vì nó có vị thơm chua chua. Nhưng mà bánh đúc lạc thì nhất định chấm tương Cự Đà hợp hơn. Vì nó có vị thơm ngòn ngọt.

Bữa quà chiều chủ nhật hôm đó thật đáng nhớ. Cầm miếng bánh đúc chắc nịch mà mềm mại trên tay chấm vào bát tương đưa lên miệng cắn từng miếng. Sao mà dẻo mà ngọt mà thơm mà bùi đến thế. Từ bữa bánh đúc chấm tương hôm ấy, chị em tôi chính thức làm quen với vị ngọt mùi thơm của tương, không còn hắt hủi xa lánh như trước nữa. Mẹ tôi bảo:

- Thế nào là "Học ăn, học nói, học gói, học mở". Ăn phải biết thế nào là ngon mới hay chứ. Muốn nên người phải học từng tí.

Những ngày đầu mùa hạ, các bà khách từ Hà Nam, Phú Thọ về cất hàng hay đem làm quà cho nhà tôi những mớ búp khoai sọ buộc rơm tươi rói. Mẹ tôi hồ hởi lắm. Bữa thì bà đem búp khoai om sấu hay om mẻ. Bữa thì bà đem búp khoai kho tương. Kho niêu đất nhỏ lửa. Lúc khô khô, búp khoai cuộn chặt chắc nịch. Trước khi bắc niêu búp khoai kho tương ra khỏi bếp, Mẹ tôi rưới vào đôi thìa mỡ nước và rắc mấy miếng tóp mỡ rồi đậy vung om thêm một lúc mới bắc ra. Bố tôi gật gù:

- Các cụ gọi món này là món “chạch đồng” đấy. Có khi còn ngon hơn chạch đồng ấy chứ! Kho tương ngon quá!

Bà ngoại lại nhân thể kể chuyện:

- Ngày xưa nhà nào cũng có cả chum tương ngả lấy. Có nhà ngả tương khéo, tương thơm mà ngọt. Có nhà ngả tương vụng, tương nặng mùi, mặn chát. Ngả tương phải có tay là thế, cũng như muối dưa muối cà ấy. Có người muối dưa cà vàng rộm, có người muối dưa cà toàn thâm khú. Nhà nào ngả tương khéo thì con gái nhà ấy đắt chồng lắm đấy! Ngày trước ở quê nhà ai có cây gì, con gì, vật dụng gì thì cả làng cả xóm đều biết, chả mấy ai giữ riệt riêng cho nhà mình. Nhà nào có chum tương ngon thì phải biết. Người nọ người kia vác bát sang xin là chuyện thường. Cho nên tục ngữ mới cao câu: “Xấu mặt đi xin tương” là thế!
Hà Nội ngày trước cứ đến mỗi kỳ mưa bão là các chợ đều đồng loạt nghỉ họp vài ba ngày. Khi ấy các gia đình đều tích trữ đủ rau mắm tương cà, để ăn đổi bữa mấy hôm chờ đến ngày chợ họp lại. Có hôm mẹ tôi chỉ nấu đơn giản canh rau muống nấu tương gừng ăn với món tép rang khế. Hay là bà chưng tương với thịt băm mỡ hành. Nồi cơm nào cũng hết bay.
Có hôm dì tôi đi chợ mua được mớ cá diếc tươi ngoay ngoảy, đoạn đốt một lò bếp mùn cưa lửa liu riu, đun om ỉ từ sáng đến chiều tối. Nồi cá diếc nhừ tơi, thơm lừng. Mẹ tôi nghiêng nghiêng niêu trên bếp múc ra vài muỗng nước cá kho. Nước cá kho tương cho thêm mấy miếng ớt mà chấm rau luộc, dưa muối thì thôi đấy. "Ăn với cơm thì có mà ngon hơn ăn yến". Mẹ rất hay ví von như thế.

Năm chuyển giao thế kỷ, năm 2000, mẹ tôi đổ bệnh nặng, thuốc thang chạy chữa mãi không thuyên giảm. Những ngày mẹ sắp ra đi, cháu con kề cận không rời. Sức yếu dần, mẹ không còn ăn uống được là mấy. Nhưng hỏi mẹ muốn ăn gì để các con nấu hay mua thì cứ mãi mẹ mới nói. Mà toàn thích những món dân dã xưa cũ như bánh đúc nộm, như canh nước đậu nấu cà chua. Có một hôm mẹ ngẫm nghĩ và như chợt nhớ ra điều gì, mẹ bảo với chị em chúng tôi:

- Cho mẹ bát canh rau muống nấu tương gừng. Nấu ít thôi cho đỡ phí. Mẹ chỉ húp bát nước là được.

Ôi mẹ tôi! Cả một đời mẹ tần tảo chắt chiu, lúc cận kề cái chết mẹ vẫn không hề ước ao sơn hào hải vị. Tất cả chỉ là một bát canh rau muống nấu tương. Ân nghĩa mẹ chúng con làm sao trả nổi? Trong căn bếp nhà con bây giờ lúc nào cũng có đủ các loại tương cà dưa muối như ngày xưa trong căn bếp nhà mẹ. Mỗi lúc tra nấu bất cứ món ăn nào, con vẫn hằng nhớ mẹ lắm mẹ ơi!

Tùy bút của Vũ Thị Tuyết Nhung

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/van-hoa/bat-tuong-ngay-bao-i299214/