Bắt và giữ người trong trường hợp khẩn cấp khác nhau ra sao?

'Giữ người trong trường hợp khẩn cấp' và 'bắt' là hai biện pháp ngăn chặn trong tố tụng hình sự.

Như PLO đã thông tin, ngày 23-9, Cơ quan CSĐT Công an tỉnh Thái Bình đã ra Lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Lệnh khám xét khẩn cấp nơi ở, nơi làm việc, phương tiện cá nhân đối với ông Đồng Xuân Thụ (52 tuổi), trú tại phường Láng Hạ, quận Đống Đa, thành phố Hà Nội - Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và đô thị Việt Nam.

Ngoài ông Thụ, 4 người khác thuộc Tạp chí này cũng đã bị giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Nhiều bạn đọc thắc mắc “giữ người trong trường hợp khẩn cấp” và “bắt” người là một hay là hai khái niệm khác nhau?

 Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Đồng Xuân Thụ bị giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Tổng biên tập Tạp chí Môi trường và Đô thị Đồng Xuân Thụ bị giữ người trong trường hợp khẩn cấp.

Về vấn đề này, Bộ luật Tố tụng hình sự (BLTTHS) 2015 có quy định cụ thể về các biện pháp ngăn chặn tại Điều 109.

Theo đó, để kịp thời ngăn chặn tội phạm hoặc khi có căn cứ chứng tỏ người bị buộc tội sẽ gây khó khăn cho việc điều tra, truy tố, xét xử hoặc sẽ tiếp tục phạm tội hoặc để bảo đảm thi hành án, cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng trong phạm vi thẩm quyền của mình có thể áp dụng biện pháp giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt, tạm giữ, tạm giam, bảo lĩnh, đặt tiền để bảo đảm, cấm đi khỏi nơi cư trú, tạm hoãn xuất cảnh.

Như vậy, có thể thấy “giữ người trong trường hợp khẩn cấp” và “bắt” là hai biện pháp ngăn chặn khác nhau trong tố tụng hình sự.

Đối với biện pháp “giữ người trong trường hợp khẩn cấp”, Điều 110 BLTTHS 2015 quy định 3 trường hợp được giữ người gồm:

(i) Có đủ căn cứ để xác định người đó đang chuẩn bị thực hiện tội phạm rất nghiêm trọng hoặc tội phạm đặc biệt nghiêm trọng.

(ii) Người cùng thực hiện tội phạm hoặc bị hại hoặc người có mặt tại nơi xảy ra tội phạm chính mắt nhìn thấy và xác nhận đúng là người đã thực hiện tội phạm mà xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn.

(iii) Có dấu vết của tội phạm ở người hoặc tại chỗ ở hoặc nơi làm việc hoặc trên phương tiện của người bị nghi thực hiện tội phạm và xét thấy cần ngăn chặn ngay việc người đó trốn hoặc tiêu hủy chứng cứ.

Cũng theo BLTTHS thì "bắt người" gồm các trường hợp: bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp; bắt người phạm tội quả tang; bắt người đang bị truy nã; bắt bị can, bị cáo để tạm giam; bắt người bị yêu cầu dẫn độ.

Trong đó, "bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp" là trường hợp Cơ quan điều tra sau khi lấy lời khai trong thời gian luật định và ra lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp (có thể ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do ngay cho người đó)

Lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải gửi ngay cho VKS cùng cấp kèm theo tài liệu liên quan đến việc giữ người để xét phê chuẩn.

Trường hợp VKS quyết định không phê chuẩn lệnh bắt người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp thì người đã ra lệnh giữ người trong trường hợp khẩn cấp, Cơ quan điều tra đã nhận người bị giữ trong trường hợp khẩn cấp phải trả tự do ngay cho người bị giữ.

Trường hợp "bắt người phạm tội quả tang" theo Điều 111 BLTTHS được áp dụng đối với người đang thực hiện tội phạm hoặc ngay sau khi thực hiện tội phạm mà bị phát hiện hoặc bị đuổi bắt thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, VKS hoặc UBND nơi gần nhất.

Bắt người đang bị truy nã theo Điều 112 BLTTHS thì bất kỳ người nào cũng có quyền bắt và giải ngay người bị bắt đến cơ quan Công an, VKS hoặc UBND nơi gần nhất. Các cơ quan này phải lập biên bản tiếp nhận và giải ngay người bị bắt hoặc báo ngay cho Cơ quan điều tra có thẩm quyền.

Đáng chú ý, sau khi giữ người trong trường hợp khẩn cấp, bắt người hoặc nhận người bị giữ, bị bắt, Cơ quan điều tra, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra phải lấy lời khai ngay và trong thời hạn 12 giờ phải ra quyết định tạm giữ hoặc trả tự do cho người bị bắt.

Đối với trường hợp lấy lời khai người bị bắt theo quyết định truy nã thì Cơ quan điều tra nhận người bị bắt phải thông báo ngay cho Cơ quan đã ra quyết định truy nã đến nhận người bị bắt. Sau khi nhận người bị bắt, cơ quan đã ra quyết định truy nã phải ra ngay quyết định đình nã.

QUỲNH LINH

Nguồn PLO: https://plo.vn/bat-va-giu-nguoi-trong-truong-hop-khan-cap-khac-nhau-ra-sao-post811711.html