Bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khóa XIII theo tiêu chuẩn nào?
Ngoài Quy định 214 về khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư nêu rõ về tiêu chuẩn chung, Đại hội XIII lần này còn xem xét, lựa chọn một số đồng chí thuộc trường hợp 'đặc biệt' cả với nhân sự tái, ứng cử và lần đầu tham gia Đại hội để bầu vào Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khóa XIII.
8 Ủy viên Bộ Chính trị tái cử Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII
Hôm qua, ngày 30/1, Đại hội đã bầu xong Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII, gồm 180 Ủy viên chính thức và 20 Ủy viên dự khuyết. Trong đó, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc cùng 6 Ủy viên Bộ Chính trị tái đắc cử Trung ương khóa mới.
Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng Cộng sản Việt Nam các khóa VII, VIII, IX, X, XI, XII. Ủy viên Bộ Chính trị các khóa VIII, IX, X, XI, XII.
Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc là Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, XI, XII, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XI, XII.
6 Ủy viên Bộ Chính trị khác gồm Trưởng Ban Tổ chức Trung ương Phạm Minh Chính, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII; Bí thư Trung ương Đảng khóa XII; Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII.
Bí thư thành ủy Hà Nội Vương Đình Huệ, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, XI, XII.
Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Bộ Ngoại giao Phạm Bình Minh, Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X, XI, XII.
Trưởng Ban Tuyên giáo Trung ương Võ Văn Thưởng Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa X (dự khuyết).
Trưởng Ban Dân vận Trung ương Trương Thị Mai Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Bí thư Trung ương Đảng khóa XII, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng X,XI, XII, Đại biểu Quốc hội các khóa X, XI, XII, XIII, XIV.
Đại tướng, Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm Ủy viên Bộ Chính trị khóa XII, Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XI, XII.
Theo thông lệ, sau khi đại hội bầu ra Ban Chấp hành Trung ương khóa mới, Ban Chấp hành Trung ương sẽ tiến hành Hội nghị lần thứ nhất - diễn ra ngay trong thời gian tổ chức đại hội, để bầu Bộ Chính trị, Tổng bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương và Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Kết quả bầu được báo cáo và công bố trước khi đại hội bế mạc.
Hôm nay (31/1), Ban Chấp hành Trung ương Đảng khóa XIII họp Hội nghị lần thứ nhất bầu Bộ Chính trị, Tổng Bí thư, Ban Bí thư, Ủy ban Kiểm tra Trung ương, Chủ nhiệm Ủy ban Kiểm tra Trung ương. Quy trình nhân sự đã được Đại hội tiến hành theo các bước chặt chẽ, kỹ lưỡng, dân chủ, khách quan, công khai, minh bạch; đồng thời, được cụ thể hóa cho cả tái cử và lần đầu tham gia theo từng nhóm đối tượng chức danh. Ban Chấp hành Trung ương Khóa XIII phải bảo đảm chất lượng, có số lượng và cơ cấu hợp lý; vừa có sự kế thừa, ổn định, đổi mới, phát triển liên tục và có sự chuyển tiếp vững vàng giữa các thế hệ.
Trên cơ sở kết quả công tác chuẩn bị nhân sự, tại các hội nghị Trung ương lần thứ 13, 14 và 15, Ban Chấp hành Trung ương Khóa XII đã xem xét thận trọng, kỹ lưỡng và thống nhất cao danh sách nhân sự đề cử để trình Đại hội Đảng toàn quốc lần thứ XIII xem xét, bầu cử theo quy định.
Về trường hợp “đặc biệt” giới thiệu tái cử Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị khóa XIII, xuất phát từ tình hình thực tiễn; căn cứ vào tiêu chuẩn, điều kiện, nhất là trên cơ sở sự tiêu biểu, nổi trội về phẩm chất chính trị, năng lực thực tiễn, uy tín trong Đảng, trong nhân dân và yêu cầu, đòi hỏi của các vị trí, nhiệm vụ đặc biệt quan trọng, lĩnh vực công tác trọng yếu ở các cơ quan của Trung ương Đảng và cơ quan Nhà nước; Ban Chấp hành Trung ương khóa XII đã cân nhắc thận trọng, xem xét tổng thể, thực hiện quy trình chặt chẽ, kỹ lưỡng, khách quan và đã thống nhất cao lựa chọn một số đồng chí thuộc trường hợp “đặc biệt” cả với nhân sự tái, ứng cử và lần đầu tham gia để trình Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng và Ban Chấp hành Trung ương khóa XIII xem xét, lựa chọn bầu Bộ Chính trị, Ban Bí thư Khóa XIII.
Cán bộ thuộc diện BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư cần tiêu chuẩn gì?
Về khung tiêu chuẩn chức danh cán bộ thuộc diện BCHTW, Bộ Chính trị, Ban Bí thư, Quy định 214 nên rõ về tiêu chuẩn chung, đó là:
Về chính trị, tư tưởng: Tuyệt đối trung thành với lợi ích của Đảng, của quốc gia - dân tộc và nhân dân; kiên định chủ nghĩa Mác - Lênin, tư tưởng Hồ Chí Minh, mục tiêu độc lập dân tộc và chủ nghĩa xã hội, đường lối đổi mới của Đảng. Có lập trường, quan điểm, bản lĩnh chính trị vững vàng; sẵn sàng hy sinh vì sự nghiệp cách mạng của Đảng, vì độc lập, tự do của Tổ quốc…
Về đạo đức, lối sống: Mẫu mực về phẩm chất đạo đức; sống trung thực, khiêm tốn, chân thành, trong sáng, giản dị, bao dung; cần, kiệm, liêm chính, chí công, vô tư. Không tham vọng quyền lực, có nhiệt huyết và trách nhiệm cao với công việc; kiên quyết đấu tranh ngăn chặn, đẩy lùi sự suy thoái về tư tưởng chính trị, đạo đức, lối sống, những biểu hiện “tự diễn biến”, “tự chuyển hóa” trong nội bộ…
Về trình độ: Tốt nghiệp đại học trở lên; lý luận chính trị cử nhân hoặc cao cấp; quản lý Nhà nước ngạch chuyên viên cao cấp hoặc tương đương; trình độ ngoại ngữ, tin học phù hợp.
Về năng lực và uy tín: Có quan điểm khách quan, toàn diện, tầm nhìn chiến lược; phương pháp làm việc khoa học; nhạy bén chính trị; có năng lực cụ thể hóa và lãnh đạo, chỉ đạo, tổ chức thực hiện có hiệu quả các đường lối, chủ trương, chính sách của Đảng, pháp luật của Nhà nước; Là hạt nhân quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của hệ thống chính trị; được cán bộ, đảng viên, quần chúng nhân dân tin tưởng, tín nhiệm cao…
Về sức khỏe, độ tuổi và kinh nghiệm: Đủ sức khỏe để thực hiện nhiệm vụ; bảo đảm tuổi bổ nhiệm, giới thiệu ứng cử theo quy định của Đảng. Đã kinh qua và hoàn thành tốt chức trách, nhiệm vụ của chức danh lãnh đạo, quản lý chủ chốt cấp dưới trực tiếp; có nhiều kinh nghiệm thực tiễn.
Theo quy định 214, tiêu chuẩn các chức danh cụ thể phải bảo đảm đầy đủ tiêu chuẩn chung nêu trên, đồng thời, đáp ứng các tiêu chuẩn của mỗi chức danh.
Với chức danh Tổng Bí thư, phải đảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn chung của Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư, đồng thời, cần có những phẩm chất, năng lực: Có uy tín cao trong Trung ương, Bộ Chính trị, trong toàn Đảng và nhân dân; là trung tâm đoàn kết, quy tụ và phát huy sức mạnh tổng hợp của cả hệ thống chính trị, của toàn Đảng, toàn dân và sức mạnh thời đại để thực hiện thắng lợi hai nhiệm vụ chiến lược xây dựng và bảo vệ Tổ quốc. Tiêu biểu nhất về đạo đức, trí tuệ của toàn Đảng. Có trình độ cao về lý luận chính trị. Có kiến thức sâu, rộng, toàn diện trên các lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hóa, xã hội, quốc phòng, an ninh, đối ngoại, xây dựng Đảng, quản lý Nhà nước… Có bản lĩnh chính trị, tư duy nhạy bén, năng lực nghiên cứu, phát hiện, đề xuất và quyết đoán; bình tĩnh, sáng suốt trước những vấn đề khó, phức tạp liên quan đến vận mệnh của Đảng, của quốc gia, của dân tộc.
Bên cạnh đó, Tổng Bí thư phải có năng lực lãnh đạo, điều hành Ban Chấp hành Trung ương, Bộ Chính trị, Ban Bí thư; có năng lực lãnh đạo xây dựng đội ngũ cán bộ cấp chiến lược, đặc biệt là người kế nhiệm. Đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở chức vụ Bí thư tỉnh ủy, Thành ủy hoặc Trưởng ban, bộ, ngành Trung ương; tham gia Bộ Chính trị trọn một nhiệm kỳ trở lên; trường hợp đặc biệt do Ban Chấp hành Trung ương quyết định.
Ủy viên Bộ Chính trị, Ban Bí thư phải đảo đảm đầy đủ các tiêu chuẩn của Ủy viên Ban Chấp hành Trung ương, đồng thời, cần có thêm các tiêu chuẩn: Thật sự tiêu biểu, mẫu mực của Ban Chấp hành Trung ương về bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, trí tuệ, ý chí chiến đấu, năng lực lãnh đạo, quản lý; Hiểu biết sâu rộng tình hình đất nước, khu vực và thế giới; nhạy cảm về chính trị, nhạy bén về kinh tế, am hiểu sâu sắc về xã hội; Là Ủy viên chính thức Ban Chấp hành Trung ương trọn một nhiệm kỳ trở lên; đã kinh qua và hoàn thành tốt nhiệm vụ ở các chức vụ lãnh đạo chủ chốt cấp tỉnh hoặc trưởng các ban, bộ, ngành…
Được biệt, tối 31/1, Đại hội cũng thông qua việc điều chỉnh Chương trình làm việc, theo đó, dự kiến, Đại hội sẽ bế mạc vào thứ Hai - ngày 1/2/2021.