Bầu cử Anh: Ngã ba đường Brexit
Thăm dò dư luận trước thềm bầu cử ngày 12/12 cho thấy ông Boris Johnson đang chiếm ưu thế, song chẳng có gì đảm bảo rằng chiến thắng sẽ giúp ông dễ thở hơn trong hành trình Brexit tới.
Thủ tướng Anh Boris Johnson và lãnh đạo Công đảng Jeremy Corbyn sau cuộc tranh luận trên truyền hình tháng 11 vừa qua. (Nguồn: Getty)
Khảo sát của YouGov công bố ngày 10/12 cho thấy tỷ lệ ủng hộ Công đảng là 34%, đảng Bảo thủ là 43% - có khả năng giành đa số tại Hạ viện. Tuy nhiên, so với hai tuần trước, tỷ lệ ủng hộ Công đảng tăng 2%, tăng 20 ghế tại Quốc hội lên 231, đảng Bảo thủ còn 339 ghế.
Kết quả này phản ánh sự nhạy cảm của hệ thống chính trị Anh với thay đổi trong xu hướng bỏ phiếu của cử tri. Nó cũng lý giải sự lo lắng của đảng Bảo thủ khi Chính phủ đang đối mặt các vấn đề hóc búa. Mới đây, bức ảnh bé trai 4 tuổi Jack bị viêm phổi nhưng phải ngủ trên sàn bệnh viện vì thiếu giường tại Leeds đã gây chấn động nước Anh. Mẹ cậu bé, bà Sarah Williment, người luôn ủng hộ đảng Bảo thủ, khẳng định sẽ bỏ phiếu cho Công đảng, hy vọng ông Jeremy Corbyn cải thiện tình trạng xuống cấp của Dịch vụ Y tế Quốc gia (NHS). Đáng ngại hơn, một clip cho thấy ông Boris Johnson “tránh” nhìn vào bức ảnh hay đề cập vấn đề khi được hỏi. Vụ việc này được cho là nguyên nhân khiến đảng Bảo thủ mất 20 ghế tại Hạ viện.
Tuy nhiên, đó chỉ là một phần câu chuyện. Lưỡng đảng đều khẳng định bầu cử ngày 12/12 là “quan trọng nhất thế hệ” và lý do không gì khác ngoài Brexit. Trước đó, EU đồng ý gia hạn Brexit vào ngày 31/1/2020. Cả ông Johnson và ông Corbyn đều cam kết sẽ đưa nước Anh thoát khỏi tình trạng “chân trong chân ngoài”, song thực tế đang chứng minh điều ngược lại: Quyết tâm ban đầu không giúp ông Boris Johnson vượt ải Hạ viện, còn ông Jeremy Corbyn đã nhiều lần thất bại trước ứng viên của đảng Bảo thủ. Ở thời điểm hiện tại, Thủ tướng đương nhiệm rõ ràng chiếm ưu thế khi là nhân vật chủ chốt trong tiến trình Brexit.
Quan trọng hơn, trong 4 tháng cầm quyền, ông Johnson, dù còn bỡ ngỡ và mắc sai lầm, vẫn chứng tỏ được phẩm chất cần thiết. Thủ tướng Anh thận trọng khi tránh chụp ảnh cùng Tổng thống Mỹ Donald Trump, nhân vật không được người dân Anh yêu mến, tại Lễ kỷ niệm 70 năm NATO. Chiến thuật “hãy hoàn thành Brexit” đang có hiệu quả nhất định. Vụ việc lớn như một quan chức ngoại giao Anh tại Mỹ từ chức sau khi mất niềm tin vào cách giải quyết Brexit “nửa vời”, lộ lọt thông tin từ Ngân khố quốc gia liên quan tới tác động của Brexit với Bắc Ireland, bức ảnh cậu bé viêm phổi ở Leeds, bố một nạn nhân bị tấn công ở cầu London gọi ông Johnson là “kẻ lừa đảo”... có tác động nhất định, song khó lay chuyển vị thế hiện nay của đảng Bảo thủ.
Tuy nhiên, trong chính trị, việc gì cũng có thể xảy ra. Nếu đảng Bảo thủ chiếm đa số tuyệt đối, Quốc hội có thể thông qua dự thảo Brexit trước Giáng sinh và Anh sẽ rời EU đúng hạn. Trong trường hợp không đảng nào đủ số phiếu, dự thảo Brexit sẽ khó được thông qua và mở ra cánh cửa giữ Anh ở lại EU. Nếu chiến thắng của Công đảng khó thành hiện thực sẽ dẫn đến một chính phủ thiểu số. Khi ấy, đảng này cùng đảng Dân chủ Tự do và đảng Quốc gia Scotland có thể bắt tay tiến hành trưng cầu ý dân, phá thế bế tắc và đưa Anh trở lại EU.
Như vậy, dù nhiều khả năng chiến thắng, đảng Bảo thủ vẫn cần nín thở chờ đợi kết quả kiểm phiếu ngày 12/12 trước khi thúc đẩy tiến trình Brexit. London đang ở ngã ba đường và quyết định rẽ trái, rẽ phải hay lùi bước giờ đây đang nằm trên lá phiếu của cử tri xứ sở sương mù.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-anh-nga-ba-duong-brexit-105992.html