Bầu cử Anh: Thủ tướng Johnson 'nín thờ' chờ xác nhận chiến thắng và loạt thách thức cho Brexit
Kết quả thăm dò hậu bỏ phiếu dự đoán thắng lợi vang dội cho Đảng Bảo thủ nhưng điều đó không đồng nghĩa Brexit sẽ sớm kết thúc.
Reuters đưa tin, Đảng Bảo thủ của Thủ tướng Boris Johnson đang đứng trước một chiến thắng vang đội trong cuộc bầu cử vừa diễn ra vào ngày 12/12 tại Anh. Điều này không chỉ cho phép ông tiến hành Brexit theo đúng thời hạn 31/1/2020, mà còn chứng tỏ cho người dân Anh thấy, quá trình hoàn tất "cuộc li dị" lịch sử này – cho dù dài và thách thức như thế nào, đều sẽ rất xứng đáng.
Theo một cuộc thăm dò ý kiến những người đã bỏ phiếu, Đảng Bảo thủ giành thắng lợi ấn tượng với 368 ghế - nhiều hơn mức cần thiết để đạt được đa số trong Quốc hội 650 ghế của Anh. Đây cũng là chiến thắng lớn nhất của Đảng Bảo thủ kể từ thời Thủ tướng Margaret Thatcher năm 1987.
"Tôi hy vọng là các bạn ăn mừng tối nay", ông Johnson viết trong một email gửi tới những người ủng hộ. "Mong rằng ngày mai chúng ta sẽ quay trở lại làm việc".
Nếu kết quả cuộc thăm dò trên là chính xác và ông Johnson thành công với canh bạc bầu cử sớm, Thủ tướng Anh được kỳ vọng sẽ nhanh chóng phê chuẩn thỏa thuận Brexit mà ông đã đạt được với EU. Như vậy, nước Anh có thể rời EU vào đúng ngày 31/1 – muộn hơn 10 tháng so với kế hoạch ban đầu.
Tuy nhiên, sau gần nửa thế kỷ là thành viên của khối thương mại lớn nhất thế giới, ông Johnson sẽ phải đối mặt với nhiều thách thức để xây dựng những mối quan hệ mới và bảo tồn vị thế của nước Anh là một trung tâm thương mại toàn cầu.
Cuộc thăm dò hậu bỏ phiếu cũng dự đoán, Công Đảng sẽ giành được 191 ghế - một kết quả tệ hại nhất của đảng này kể từ năm 1935. Đảng Quốc gia Scotland có 55 ghế và Đảng Dân chủ Tự do có 13 ghế. Đảng Brexit không thắng nổi một ghế nào.
Kết quả chính thức sẽ được công bố trong vài giờ tới.
Trong 5 cuộc bầu cử toàn quốc gần đây nhất, chỉ có một lần thăm dò hậu bỏ phiếu bị sai là vào năm 2015, khi kết quả thăm dò cho rằng tình thế quốc hội treo (khi không một đảng phái nào giành được đa số ghế để nắm quyền); tuy nhiên trong thực tế Đảng Bảo thủ giành được đa số với 14 ghế cao hơn dự đoán.
Công Đảng do chính trị gia kỳ cựu Jeremy Corbyn lãnh đạo, từng đề xuất một cuộc trưng cầu dân ý lần thứ hai, cũng như mở ra khả năng về một chính phủ mang tính chủ nghĩa xã hội cải tổ nhất trong lịch sử nước Anh. Thế nhưng giờ đây, nếu thật sự bị thất bại, đảng này sẽ phải đối mặt với một cuộc chiến nội bộ, giữa phe theo tư tưởng chủ nghĩa xã hội – đang kiểm soát đảng và phe ủng hộ đường lối trung hòa – muốn có nhiều quyền lực hơn.
Người có vị trí quan trọng thứ hai trong đảng John McDonnel cho hay, cuộc bầu cử đã bị ảnh hưởng sâu sắc bởi Brexit, cũng chính vấn đề chia rẽ đất nước từ năm 2016.
"Tôi nghĩ, từ những kết quả này có thể thấy rõ đó là cuộc bầu cử Brexit", ông nói. "Chúng tôi từng hy vọng các vấn đề khác cũng sẽ được cân nhắc, tuy nhiên nó đã không xảy ra".
Brexit còn lâu mới chấm dứt
Việc giành được đa số sẽ đem lại cơ hội để ông Johnson "chèo lái" nước Anh đã khỏi liên minh mà họ gia nhập vào năm 1973. Tuy nhiên, Reuters nhận định, Brexit còn lâu mới kết thúc. Đương kim Thủ tướng Anh cần phải đàm phán một hiệp định thương mại với EU, có thể là chỉ trong 11 tháng tới.
Kết quả đàm phán sẽ định hình tương lai cho nền kinh tế trị giá 2,7 nghìn tỷ USD của Anh, trong khi Brexit cũng sẽ đe dọa sự thống nhất của đất nước hơn 300 năm tuổi.
Sau ngày 31/1, Anh sẽ bước vào một thời kỳ quá độ khi mà họ phải thương thảo những mối quan hệ mới với 27 quốc gia EU còn lại.
Quá trình này có thể kéo dài tới tháng 12/2022 theo quy định hiện tại. Tuy nhiên, Đảng Bảo thủ đã đưa ra lời hứa trước bầu cử rằng, họ sẽ không kéo dài thời kỳ quá độ đến sau năm 2020.
Với đa số ghế trong Quốc hội, ông Johnson nhận được sự đảm bảo an ninh chính trị để gia hạn các cuộc đàm phán thương mại sau năm 2020 bởi vì khả năng kiểm soát Nhóm Nghiên cứu châu Âu (ERG) – vốn theo trường phái Brexit cứng rắn trong nội bộ đảng mình.
"Đảng Bảo thủ càng giành được nhiều đa số đồng nghĩa với ảnh hưởng của ERG và những người theo chủ nghĩa hoài nghi châu Âu trong vấn đề này sẽ càng giảm đi", nhà lãnh đạo Đảng Brexit Nigel Farage cảnh báo. "Nó sẽ được gọi là Brexit nhưng trong thực tế lại không phải như vậy".
Cách thức gây dựng tương lai hậu Brexit
Ông Johnson kêu gọi bầu cử sớm nhằm phá vỡ tình thế được ông gọi là sự tê liệt trong hệ thống chính trị nước Anh, sau cuộc khủng hoảng kéo dài hơn 3 năm liên quan tới việc làm sao, khi nào thậm chí là có rời EU hay không.
Trước đó, Đảng Brexit đã trợ giúp ông Johnson bằng cách rút hàng trăm ứng cử viên để ngăn chặn tình huống số lượng phiếu thân-Brexit bị phân tán. Kết quả sớm chứng tỏ, Đảng Brexit đã lấy đi một số lượng lớn cử tri của Công Đảng.
Hôm thứ năm (12/12), các nhà lãnh đạo EU tỏ ý hoan nghênh chiến thắng nằm trong tầm tay của Thủ tướng Johnson.
"Đó là một kết quả rất rõ ràng – nó sẽ không bị thay đổi vào sáng mai", Thủ tướng Thụy Điển Stefan Lofven phát biểu trước báo giới tại Brussels. "Nó có nghĩa là chúng ta sẽ tiếp tục với quá trình tách ra. Giờ đây chúng ta có 11 tháng để đạt được một thỏa thuận về hiệp định thương mại tương lai. Đó là một khoảng thời gian rất ngắn".
Còn Bộ trưởng các Vấn đề châu Âu của Pháp Amelie de Montchalin nói: "Điều quan trọng nhất đối với Brexit không phải là cách chúng ta 'li dị', mà đó là những gì chúng ta gây dựng sau đó".