Bầu cử Đức 2025: Ai sẽ chiến thắng?

Ngày 23/2, người dân Đức sẽ đi bỏ phiếu để bầu ra chính phủ mới. Các nhà quan sát cho rằng, năm nay xu hướng bầu cử ở Đức đã thay đổi.

Áp phích tranh cử giữa các ứng viên được treo ở Amelinghausen, Đức. (Nguồn: Reuters)

Áp phích tranh cử giữa các ứng viên được treo ở Amelinghausen, Đức. (Nguồn: Reuters)

Tờ Spiegel của Đức trích dẫn các cuộc thăm dò gần đây do Viện Nghiên cứu bầu cử Infratest Dimap có trụ sở tại Berlin cho thấy, Liên minh đảng Dân chủ Thiên Chúa giáo (CDU) và Liên minh Xã hội Thiên Chúa giáo (CSU) đang dẫn đầu. Liên minh hai đảng CDU và CSU đang dẫn trước 10 điểm phần trăm so với đảng Cực hữu dân túy (Alternative for Germany – AfD), hiện đang đứng thứ hai.

Đảng Dân chủ xã hội (SPD) của Thủ tướng Olaf Scholz và đảng Xanh đứng liền kề ở vị trí thứ ba và thứ tư; cuối cùng là đảng Dân chủ tự do (FDP) là một phần của liên minh cầm quyền ba bên xếp vị trí cuối cùng.

Ứng cử viên đảng SPD Olaf Scholz. (Nguồn: DW)

Ứng cử viên đảng SPD Olaf Scholz. (Nguồn: DW)

Quy trình bầu cử của Đức

Theo quy định ở Đức, các cử tri đi bỏ phiếu vào ngày 23/2 (giờ địa phương) sẽ không trực tiếp bầu Thủ tướng tiếp theo để thay thế ông Olaf Scholz. Thay vào đó, cử tri Đức sẽ bầu các chính trị gia vào Hạ viện của Quốc hội Đức (Bundestag).

Nếu đảng nào giành được đa số phiếu - đảng có nhiều đại diện nhất trong Bundestag, sẽ được quyền xây dựng một liên minh cầm quyền. Các liên minh như vậy thường nắm giữ đa số trong Quốc hội.

Nước Đức chứng kiến hai lần có chính phủ thiểu số vào các năm 1966 và 1982. Thông thường, đảng có nhiều phiếu nhất trong liên minh cầm quyền sẽ bổ nhiệm ứng cử viên thủ tướng để lãnh đạo chính phủ.

Theo kết quả thăm dò sơ bộ về tỷ lệ bỏ phiếu cho các ứng cử viên cho chức Thủ tướng Đức tương lai thì ứng cử viên của đảng CDU Friedrich Merz có tỷ lệ 34% số phiếu, ứng cử viên đảng SPD Olaf Scholz có 26%, ứng cử viên đảng Xanh Grüne có 25% và ứng cử viên đảng AfD Alice Weidel có 19%.

Cách thức bầu Thủ tướng ở Đức

Theo thông lệ, các đảng chọn ứng cử viên lãnh đạo trước cuộc bầu cử. Sau bỏ phiếu, các đảng sẽ quyết định thành lập liên minh cầm quyền. Khi một liên minh tiềm năng đã được thiết lập, Tổng thống Đức (người đứng đầu nhà nước) sẽ giới thiệu một ứng cử viên để được các thành viên của Bundestag bầu làm Thủ tướng (người đứng đầu chính phủ).

Cá nhân được tổng thống lựa chọn thường là ứng cử viên sáng giá hàng đầu của đối tác liên minh cấp cao của một chính phủ mới thành lập. Ứng cử viên này phải đảm bảo được đa số ủng hộ để giành chiến thắng trong cuộc bỏ phiếu kín.

Sau khi người chiến thắng được xác định, người đó có thể bắt đầu đề cử các ứng cử viên Nội các.

Ứng cử viên của đảng CDU Friedrich Merz. (Nguồn: AFP)

Ứng cử viên của đảng CDU Friedrich Merz. (Nguồn: AFP)

Ai sẽ là người chiến thắng?

Tờ Spiegel nhận định, việc Đức tổ chức bầu cử sớm vào ngày 23/2 xuất phát từ sụp đổ gần đây của Liên minh ba đảng (còn được gọi là Liên minh “Đèn giao thông”), gồm: đảng Dân chủ xã hội (SPD), đảng Xanh và đảng Dân chủ tự do (FDP).

Liên minh ba đảng trên là kết quả của cuộc bầu cử vào năm 2021 giúp ông Olaf Scholz vượt qua bà Angela Merkel của đảng CDU/CSU để trở thành thủ tướng nước Đức, sau 16 năm liên tục nắm quyền chính phủ Đức.

Khác với năm 2021, đến thời điểm hiện nay, tức chỉ còn vỏn vẹn hai ngày trước bầu cử, ứng cử viên của đảng CDU Friedrich Merz đang chiếm ưu thế trước SPD và các đảng khác.

Tờ báo nhấn mạnh, điều đáng thú vị là vị trí dẫn đầu của ông Merz không phải do sự trỗi dậy của đảng CDU, mà chủ yếu do hai ứng cử viên của SPD là ông Olaf Scholz và đảng Xanh là Phó thủ tướng Robert Habeck không được lòng cử tri.

Liệu ông Merz sẽ duy trì được lợi thế ủng hộ hiện nay cho đến ngày bầu cử chính thức vào ngày 23/2, để trở thành thủ tướng mới của Đức?

Nguyên Phương

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-duc-2025-ai-se-chien-thang-305200.html