Bầu cử Đức: Những bất thường và sự sa sút khó hiểu với đảng CDU của bà Merkel
Chỉ còn 10 ngày cuộc bầu cử ở Đức sẽ diễn ra, và mọi thứ đang đi chệch hướng với phe cánh hữu và đảng CDU của bà Merkel. Điều này báo hiệu một cuộc cách mạng chính trị nhỏ đã diễn ra, từ khoảng một tháng trước cuộc bỏ phiếu.
Lần đầu tiên sau 15 năm, Đảng Dân Chủ Xã hội (SPD) đã vượt qua đảng CDU của phe bảo thủ trong các cuộc thăm dò dư luận. Chỉ còn 10 ngày nữa là đến cuộc bỏ phiếu, đảng SPD trung tả đang dẫn đầu một cách thoải mái với 25% cử tri dự định bỏ phiếu, trong khi đảng Liên minh Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) của Thủ tướng Merkel chỉ có 21%.
Ông Armin Laschet, ứng viên Thủ tướng của đảng CDU. Ảnh: AP
Bài liên quan
Màn tranh luận nảy lửa của 3 ứng viên thủ tướng Đức: Ai xứng đáng thay bà Merkel?
Phát hiện lý do của sự kiện siêu lây nhiễm COVID-19 ở Đức
41 người chết do hỏa hoạn tại nhà tù quá đông đúc ở Indonesia
Đức công bố quy tắc COVID-19 mới
Ông Thomas Poguntke, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Düsseldorf, nói rằng: “Điều này thật đáng ngạc nhiên vì đảng SPD đã hầu như chỉ có 20% sự tán thành trong các cuộc thăm dò trong 10 năm gần đây".
Một bất thường khác cũng đang xảy ra với chính trường Đức khi đảng CDU đã giảm gần 10 điểm phần trăm kể từ giữa tháng Bảy, theo ông Klaus Schubert, một nhà khoa học chính trị tại Viện Nghiên cứu Chính trị tại Đại học Münster.
Những sai lầm của cánh hữu
Ông Armin Laschet, ứng cử viên đảng cánh hữu muốn thay thế bà Merkel làm Thủ tướng, dường như không cải thiện được hình ảnh để đạt kết quả tốt hơn. Đặc biệt, ông đã mắc hàng loạt sai lầm trong trận lũ lụt thảm khốc ở Đức hồi giữa tháng Bảy. Một hình ảnh đặc biệt không được lòng người Đức: đó là hình ảnh một Laschet đang cười đứng sau Tổng thống Liên bang Frank-Walter Steinmeier trong khi ông này phát biểu về sự tàn phá do trận mưa lớn gây ra.
Mặc dù điều đó không phải tất cả, nhưng ngay bản thân ông Laschet cũng tỏ ra "rất mơ hồ về lập trường của mình", ông Schubert đánh giá.
Trong ba cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình dự kiến với hai ứng cử viên chính khác, ông Olaf Scholz của đảng SPD và bà Annalena Baerbock của đảng Xanh, ông Laschet là người duy nhất không nói mình sẽ đi đâu trong chuyến công du chính thức đầu tiên với tư cách là Thủ tướng. “Đó là một câu hỏi dễ và cổ điển", ông Schubert nói.
Ông Laschet đã có một màn trình diễn rực lửa trong cuộc tranh luận thứ hai, nhưng lại thất bại trong việc tung đòn loại trực tiếp. Ông không hoàn toàn chịu trách nhiệm về những rắc rối của mình, song lũ lụt, đại dịch và việc Taliban trở lại nắm quyền ở Afghanistan đều là những vấn đề cho phép một người có kinh nghiệm chính trị tỏa sáng, thứ mà ông đã không thể cải thiện hình ảnh tốt đẹp cho đảng của ông.
Nhưng đó lại là những gì mà đối thủ của Laschet - ông Olaf Scholz đã làm. Ông Schubert nói: “Với tư cách là Bộ trưởng tài chính, ông Laschet có thể xuất hiện như một vị cứu tinh bằng cách hứa giải phóng các khoản tiền cần thiết cho các nạn nhân lũ lụt, hoặc không tiết kiệm chi tiêu để giải quyết cuộc khủng hoảng sức khỏe".
Thủ tướng Đức Angela Merkel (giữa) tại trụ sở của Đảng Dân chủ Cơ đốc giáo (CDU) ở Berlin hôm Chủ nhật (12/9) - Ảnh: Getty
Không có được sự ủng hộ của đảng CDU và bà Merkel
Đảng CDU cũng có vẻ miễn cưỡng ủng hộ Laschet và dường như "không biết làm thế nào để ứng cử viên này đại diện cho các ý tưởng của đảng", ông Wolfgang Schroeder, nhà khoa học chính trị tại Wissenschaftszentrum Berlin (Trung tâm Nghiên cứu Khoa học Berlin), nói với FRANCE 24.
Chính ông Laschet đã nói điều đó: "Bạn không thể chạy một chiến dịch tranh cử một mình".
Ngay cả bà Merkel cũng im lặng trong việc ủng hộ ứng cử viên của đảng mình cho đến tận cuối chiến dịch tranh cử. Ông Stefan Marschall, một nhà khoa học chính trị tại Đại học Düsseldorf, cho biết: “Sự vắng mặt của thủ tướng, người có thể sử dụng một chút sự nổi tiếng của mình để giúp ông Laschet, đối với tôi vẫn là một trong những bí ẩn lớn của chiến dịch này".
Thêm vào đó là những chỉ trích từ cánh hữu nhằm vào ông Laschet. Ông Markus Söder, người đứng đầu Liên minh Xã hội Thiên chúa giáo trung hữu ở Bavaria, nói rằng ông "không bao giờ bỏ lỡ cơ hội để nhấn mạnh rằng ông ấy sẽ làm tốt hơn Laschet".
"Ông Laschet đã hoàn toàn thất bại trong xây dựng một đội ngũ của riêng mình, có nghĩa là mọi người bên cánh hữu đang không ủng hộ ông, và mọi người đều đang muốn làm điều có lợi cho bản thân", ông Poguntke cho hay.
Trái ngược với sự mất đoàn kết của CDU, đảng SPD "đã thành công trong việc ửng hộ hoàn toàn ứng cử viên của mình, người cũng là một trong những nhân vật hàng đầu trong chính phủ hiện tại", ông Marschall lưu ý.
Ông Laschet từng hy vọng trở thành gương mặt tiếp nối sau bà Merkel, nhưng cuối cùng ông "Scholz dường như là người kế nhiệm đương nhiên cho Thủ tướng sắp mãn nhiệm", ông Schroeder nói. "Ông ấy có cùng chủ nghĩa thực dụng chính trị, biết cách rất linh hoạt và có kinh nghiệm thực tế trên trường quốc tế".
Ông Laschet chỉ còn rất ít thời gian để xoay chuyển tình thế nếu muốn tránh một thất bại của đảng CDU trong cuộc bầu cử sắp tới. Kịch bản có khả năng xảy ra nhất là "những người bảo thủ sẽ chơi con bài ngày tận thế và vẽ ra một tương lai ảm đạm nếu cánh tả lên nắm quyền", ông Schroeder nhận định.
Lập luận "ngày tận thế" cũng có khả năng thất bại vì đối với nhiều người, ông Olaf Scholz không đáng sợ, vì "ông tượng trưng cho sự liên tục hơn bất kỳ ứng cử viên nào, khi ông đã từng nắm quyền", ông Schubert cho hay.
Trong trường hợp ông Laschet không thể cải thiện uy tín, ngày càng có nhiều cuộc thảo luận ở Đức về một kịch bản mới ở cấp liên bang: Khả năng thành lập chính phủ ba đảng. Nhưng việc CDU có trong liên minh hay không vẫn là một dấu hỏi.