Bầu cử Đức: Xuất hiện tình thế chưa từng có trong lịch sử

Chiến thắng sít sao của đảng Xã hội Dân chủ (SPD) trước phe Dân chủ Thiên chúa giáo (CDU) trong kỳ bầu cử Quốc hội Đức, đã dẫn đến cơ hội giành quyền lãnh đạo chính phủ của 2 đối thủ về đầu ngang nhau. Tất cả phụ thuộc vào khả năng lôi kéo liên minh của mỗi bên. Giờ là lúc 2 đảng lao vào cuộc chạy đua thương lượng mặc cả, dự báo sẽ lâu và vất vả.

Trong cuộc bầu cử ngày 26/9, theo kết quả tạm thời, đảng SPD về đầu và bị đảng CDU của Thủ tướng Angela Merkel mãn nhiệm theo sát nút. Đảng Xanh không đủ sức đem lại số ghế cần thiết cho hai đảng tả, hữu truyền thống. Đảng Xanh và cánh tự do đảng FDP sẽ có tiếng nói quyết định trong liên minh chính phủ mới tại Berlin.

Sau khi kết quả sơ khởi cuộc bầu cử Quốc hội được thông báo, cả hai đảng SPD và CDU cùng lao vào một cuộc chạy đua tìm kiếm liên minh. Các thương thuyết thành lập liên minh cầm quyền tương lai của nước Đức sẽ diễn ra thế nào? Thương lượng dự kiến sẽ kéo dài nhiều tuần, thậm chí nhiều tháng, và điều cần nhấn mạnh là không hẳn đảng về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội Đức chắc chắn sẽ là người đứng đầu liên minh.

Đây là tình thế chưa từng có trong lịch sử chính trị nước Đức, khi lần đầu tiên đảng về đầu trong cuộc bầu cử Quốc hội không vượt quá 1/3 tổng số phiếu bầu. Điều này khiến cho việc lập được chính phủ mới phải có được sự ủng hộ của 3 đảng, chứ không phải 2 như trước đây. Chưa bao giờ nước Đức rơi vào tình thế này, kể từ Thế chiến thứ hai.

Hiện tại, nhiều kịch bản đặt ra. Nhiều chuyên gia tin vào khả năng 3 đảng Xã hội Dân chủ, đảng Xanh và đảng Dân chủ - Tự do tìm được thỏa hiệp. Đây là liên minh có khả năng trở thành hiện thực nhiều nhất, nhưng cũng là liên minh đặt ra nhiều vấn đề nhất, về các vấn đề cơ bản. Ví dụ như đảng SPD chủ trương tăng mạnh thuế với người có thu nhập cao, đảng FDP thì có quan điểm ngược lại, đảng Xanh chủ trương đầu tư hơn 500 tỉ euro trong 10 năm, đảng FDP chủ trương thắt lưng buộc bụng…

Nếu đi ngược lại với con đường của Merkel, nước Đức sẽ rơi vào bất ổn

Nếu đi ngược lại với con đường của Merkel, nước Đức sẽ rơi vào bất ổn

Theo chuyên gia Alexandre Robinet-Borgoman, Viện Montaigne, trong những tuần tới, 3 đảng sẽ tạm gạt sang một bên các mâu thuẫn mang tính nguyên tắc, để tìm cách thiếp lập quan hệ. Khả năng SPD, đảng Xanh và đảng cực tả Die Linke lập liên minh cũng được tính tới, nhưng đảng Die Linke chỉ nhận được 5% phiếu bầu. Chuyên gia Alexandre Robinet-Borgoman không loại trừ việc 2 đảng về đầu SPD và CDU lập liên minh, như họ đã từng làm trước đây, nhưng điều này rất khó xảy ra, bởi đông đảo người Đức muốn thay đổi, và bản thân 2 đảng cũng không muốn như vậy.

Báo Le Monde của Pháp cho rằng nước Đức có nhiều khả năng sẽ lập được một liên minh ôn hòa, do các bên có lập trường ý thức hệ rất khác nhau buộc phải tìm được thỏa hiệp mới có thể được phép cầm quyền, và đây chính là sự tiếp nối di sản của 16 năm cầm quyền của bà Merkel. Đại đa số người Đức ủng hộ một chính phủ bảo vệ các lợi ích kinh tế của đất nước một cách tối đa khỏi các chấn động toàn cầu. Nếu đi ngược lại với con đường của Merkel, nước Đức sẽ rơi vào bất ổn, và để lại nhiều hậu quả cho các nước láng giềng. Tuy nhiên, theo Le Monde, các nước châu Âu cũng mong đợi ở Đức, nền kinh tế số một của khối, đảm nhiệm nhiều trách nhiệm hơn trong cuộc cạnh tranh quốc tế, đang ngày càng trở nên quyết liệt và nguy hiểm hơn.

H.Phan

AFP

Nguồn PetroTimes: https://petrotimes.vn/bau-cu-duc-xuat-hien-tinh-the-chua-tung-co-trong-lich-su-627532.html