Bầu cử giữa kỳ Mỹ chưa tới nhưng thông lệ đã bị phá vỡ

Ngay từ sớm trước ngày bầu cử giữa kỳ tại Mỹ, các động thái nghi ngờ về kết quả đã xuất hiện với việc hai đảng Dân chủ và Cộng hòa liên tục có những tranh chấp pháp lý.

 Những cuộn sticker "Tôi đã bỏ phiếu sớm" dành cho cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Noblesville hồi tháng 5. Ảnh: AP.

Những cuộn sticker "Tôi đã bỏ phiếu sớm" dành cho cử tri bỏ phiếu trong cuộc bầu cử sơ bộ ở Noblesville hồi tháng 5. Ảnh: AP.

Kiện tụng xung quanh bầu cử không phải điều mới vì hầu hết cuộc bầu cử đều có những thách thức pháp lý. Song, phần lớn vụ kiện như vậy đều đến sau khi cử tri đã bỏ phiếu, thay vì trước ngày bầu cử.

Trong năm nay đã có hơn 100 đơn kiện được đệ trình liên quan đến cuộc bầu cử giữa kỳ vào ngày 8/11 sắp tới. Những lá đơn từ đảng Cộng hòa nhắm đến sự hoài nghi về quy trình bỏ phiếu qua thư, bỏ phiếu sớm, kiểm phiếu vắng mặt, theo AP.

Điều này từng xảy ra trước đây khi đồng minh của cựu Tổng thống Donald Trump cố lật ngược kết quả bầu cử tổng thống năm 2020. Tuy nhiên, chiến dịch lần này được tổ chức và tài trợ bài bản hơn bởi Ủy ban Quốc gia đảng Cộng hòa (RNC) cùng các tổ chức đồng minh.

Giới chức đảng này cho biết họ đã sẵn sàng tranh tụng và chuẩn bị cho trường hợp kiểm phiếu lại, nói thêm hàng nghìn tình nguyện viên đã sẵn sàng truy ra những bằng chứng về hành vi không hợp lệ.

Đảng Dân chủ cũng có những động thái tương tự. Nỗ lực pháp lý của họ là nhằm giúp cử tri dễ dàng bỏ phiếu hơn thông qua đường dây nóng và đội ngũ tình nguyện viên.

"Bây giờ chúng ta đang ở thời điểm mà các cáo buộc gian lận và đe dọa cử tri trở thành mô hình mỗi bên áp dụng", Benjamin Ginsberg, đồng chủ tịch của Mạng lưới Bảo vệ Pháp lý cho Quan chức Bầu cử, kiêm cựu cố vấn chiến dịch cho ông George W. Bush, nói.

“Đảng Cộng hòa cáo buộc gian lận. Đảng Dân chủ cáo buộc đe dọa (cử tri). Mỗi bên đều muốn nâng cao vị thế của mình bằng số vụ kiện tụng khổng lồ và tốn kém ”, ông nói thêm.

Hai thái cực trước thềm bầu cử

RNC cho biết họ đã xây dựng một đội ngũ đảm bảo “liêm chính trong bầu cử” với kinh phí hàng triệu USD, thuê 37 luật sư ở các bang quan trọng, tổ chức hơn 5.000 buổi huấn luyện cho các tình nguyện viên về cách phát hiện cử tri gian lận.

 Cử tri Mỹ tại một điểm bỏ phiếu. Ảnh: Hill Street.

Cử tri Mỹ tại một điểm bỏ phiếu. Ảnh: Hill Street.

“Chúng tôi đã xây dựng một nền tảng về tính liêm chính trong bầu cử chưa từng có để đảm bảo rằng cuộc bầu cử giữa kỳ vào tháng 11 diễn ra tự do, công bằng và minh bạch”, Chủ tịch RNC Ronna McDaniel nói.

Ủy ban của đảng Cộng hòa cũng đã cáo buộc tập đoàn Google "phân biệt đối xử" vì đã cho email từ RNC vào thư mục spam, theo Reuters.

Trong khi đó, ở phía đảng Dân chủ, một nhóm do luật sư Marc Elias và công ty của ông đứng đầu đang tranh tụng khoảng 40 vụ ở 19 bang, với nhiều vụ là nhằm can thiệp vào các vụ kiện từ đảng Cộng hòa.

Marc Elias cho biết ông đang chuẩn bị cho một loạt thách thức đối với kết quả bầu cử, khi một số ứng viên đảng Cộng hòa nói rằng họ sẽ không chấp nhận thua cuộc, hoặc sẽ nghi ngờ về quá trình bầu cử.

RNC đã chiến thắng một số tranh chấp pháp lý liên quan đến quy trình bỏ phiếu ở bang Nevada, Arizona hay Michigan. Trong khi đó, vụ kiện ở bang Pennsylvania liên quan đến hạn chót bỏ phiếu vắng mặt và liệu các đơn vị bên ngoài có được phép kiểm tra máy bỏ phiếu hay không.

 Việc có những nghi ngờ về kết quả bầu cử được cho là xuất hiện nhiều hơn từ sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Ảnh: Forbes.

Việc có những nghi ngờ về kết quả bầu cử được cho là xuất hiện nhiều hơn từ sau kỳ bầu cử tổng thống Mỹ 2020. Ảnh: Forbes.

Những lo ngại

Các trường hợp đe dọa cử tri đang gia tăng và ngày càng có nhiều lo ngại từ các quan chức bầu cử và cơ quan thực thi pháp luật về việc xuất hiện những người quá khích hoặc những người giả danh người theo dõi cuộc thăm dò để đe dọa cử tri.

Ngoài ra, tương tự năm 2020, Mỹ cũng tập trung vào các nguy cơ có can thiệp từ nước ngoài.

"Không có hoạt động mạng bên ngoài nào ngăn cản một cử tri đã đăng ký bỏ phiếu; làm tổn hại đến tính toàn vẹn của bất kỳ lá phiếu nào được bỏ phiếu; hoặc ảnh hưởng đến tính chính xác của thông tin đăng ký cử tri", Thư ký Báo chí Nhà Trắng Karine Jean-Pierre nói.

Bà cho biết chính phủ sẽ giám sát bất kỳ mối đe dọa nào đối với cuộc bầu cử, và sẽ liên kết chặt chẽ để có được thông tin liên quan đến các quan chức bầu cử cũng như cử tri.

Trần Hoàng

Nguồn Znews: https://zingnews.vn/bau-cu-giua-ky-my-chua-toi-nhung-thong-le-da-bi-pha-vo-post1369563.html