Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ: Cuộc biến động lớn… định hình một thế hệ
Rất nhiều câu hỏi đặt ra ở cuộc bầu cử giữa kỳ nhiều biến động nhất trong lịch sử nước Mỹ.
Bầu cử giữa kỳ ở Mỹ và sức nặng của nhóm cử tri trung lập
Quyền lực của Hạ viện và Thượng viện được chia đều. Đảng Cộng hòa đang từ lạc quan, nay bắt đầu lo lắng cho vị thế của mình.
Ở phía ngược lại, đảng Dân chủ dần lấy tự tin. Tại sao “gió lại đảo chiều” như vậy? Những cảnh báo về sự chia rẽ quyền lực trong một cuộc định hình mới ở nước Mỹ đã bắt đầu.
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ quan trọng nhất thế hệ này
Cuộc bầu cử Quốc hội Mỹ giữa nhiệm kỳ 2018 kết thúc với cán cân quyền lực chia đều cho cả đảng Dân chủ và đảng Cộng hòa. Chiều 7-11 (theo giờ Việt Nam), các kết quả bỏ phiếu tại những bang cuối cùng của nước Mỹ dần được công bố với ưu thế đa số về tay đảng Dân chủ tại Hạ viện, còn đảng Cộng hòa tiếp tục nắm quyền kiểm soát Thượng viện.
CNN cho biết, đảng Dân chủ đã giành được 222 ghế tại Hạ viện, trong khi đảng Cộng hòa sở hữu 199 ghế. Còn tại Thượng viện 100 ghế, những người theo đường lối bảo thủ nắm giữ 51 ghế, trong khi 45 ghế thuộc về những người theo đường lối tự do.
Lịch sử trong quá khứ cho thấy bầu cử Quốc hội giữa nhiệm kỳ là một sự kiện vô cùng quan trọng, quyết định rất nhiều tới con đường còn lại trong nhiệm sở của một Tổng thống Mỹ, cũng như định hình tương lai chính trị của “xứ cờ hoa” trong 2 năm tới.
Với kết quả trên, trong chặng đường nửa cuối nhiệm kỳ, Tổng thống Mỹ Donald Trump và chính quyền Cộng hòa chắc chắn sẽ phải điều chỉnh chương trình nghị sự hiện tại, cũng như nỗ lực tìm kiếm sự đồng thuận từ các đối thủ chính trị để thúc đẩy việc thông qua các dự luật.
Trong bối cảnh cuộc chiến thương mại Trung-Mỹ đang diễn ra gay gắt, kết quả bầu cử chắc chắn sẽ ảnh hưởng đến một loạt các vấn đề quan trọng mà nước Mỹ cần “xử lý”, từ quan hệ thương mại toàn cầu, vấn đề hạt nhân, chống khủng bố, quan hệ song phương Mỹ - Trung? Mỹ - EU, Mỹ - Nga... và quan điểm của Mỹ với các điểm nóng ở Trung Đông, ở châu Á, ở Mỹ-Latinh hay vấn đề người nhập cư tại chính nước Mỹ...
Cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ rõ ràng đã đem lại cho cử tri cơ hội đưa ra đánh giá về 2 năm cầm quyền đầu tiên của Tổng thống Donald Trump với chính sách “Đưa nước Mỹ vĩ đại trở lại”. Cuộc bầu cử giữa kỳ lần này được coi là rất quan trọng đối với Tổng thống Trump, nhân vật được phần lớn phe Cộng hòa ủng hộ dưới thời kỳ lãnh đạo của Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan.
Tình hình kinh tế khởi sắc hiện nay cho phép phe Cộng hòa chinh phục được sự ủng hộ của nhiều người Mỹ, nhất là thành phần cử tri vô điều kiện của ông Trump.
Tuy nhiên, những biến cố vừa xảy ra như bom thư, vụ tấn công nhà thờ Do Thái hay vấn đề nhập cư... đã khiến nhiều cử tri “quay lưng” dồn phiếu cho đảng Dân chủ. Vì vậy không khó để giải thích chiến thắng của đảng Dân chủ ở Hạ viện.
Câu hỏi đặt ra là tại sao phe Cộng hòa mất thế thượng phong? Các nhà phân tích nhận định: Trong cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ năm 2018, xu hướng kinh tế, chính trị, ngoại giao của Mỹ đang chịu ảnh hưởng rất lớn, thậm chí có thể sẽ phá vỡ sự cân bằng về ý thức hệ, ảnh hưởng đến đời sống chính trị của nước Mỹ trong nhiều thập kỷ, thậm chí dài hơn.
Có thể nói đây là một cuộc bầu cử quan trọng nhất của thế hệ này.
Vượt trên lưỡng đảng?
Lên cầm quyền chưa đến 2 năm, Tổng thống Trump đang thực hiện quan điểm cầm quyền của mình mà như nhiều lãnh đạo tầm cỡ thế giới hay người dân Mỹ bình thường đánh giá là theo phương thức làm cho người khác bối rối và đi từ bất ngờ này đến bất ngờ khác. Nhìn vào những trải nghiệm của ông Trump, mọi người khó quy ông vào bất cứ đảng nào hoặc theo trào lưu nào.
Mặc dù bản thân là tổng thống của đảng Cộng hòa nhưng ông Trump lại đăng ký tranh cử với tư cách thành viên của đảng Dân chủ trong thời gian đầu, khoảng thời gian ông ở đảng Dân chủ dài hơn đảng Cộng hòa.
Nhìn chung, ông cho rằng thành tựu kinh tế của đảng Dân chủ lớn hơn đảng Cộng hòa, những đóng góp chính trị ban đầu của ông cũng được trao nhiều hơn cho đảng Dân chủ. Không chỉ vậy, ông Trump từng không tiếc lời khen ngợi gia đình ông Clinton và hai gia đình cũng từng là bạn tốt của nhau. Con gái của ông Trump - Ivanka và con gái của ông Clinton - Chelsea có mối quan hệ thân thiết với nhau.
Song, sau khi lên cầm quyền, chính sách và quan điểm của ông Trump đã vượt qua hai đảng. Ông thực hiện thành công việc cắt giảm mạnh thuế, giảm bớt sự can dự của chính phủ, bổ nhiệm thẩm phán liên bang là người của đảng Cộng hòa, thực hiện giấc mơ bấy lâu và mang lại niềm vui cho chính đảng của mình.
Chủ tịch đảng Cộng hòa Mitch McConnell và Chủ tịch Hạ viện Paul Ryan từng thốt ra rằng: Đảng Cộng hòa chưa bao giờ đoàn kết như hiện nay. Những thành tựu này đã giúp ông Trump đặt nền tảng vững chắc trong đảng, đồng thời cũng gây dựng được vốn liếng chính trị và dư địa cầm quyền.
“Cuộc chiến” giành ghế và hệ lụy lớn từ nước Mỹ
Khác với bầu tổng thống, phải qua trung gian là các đại cử tri, trong cuộc bầu cử giữa kỳ lần này, người dân Mỹ trực tiếp bỏ phiếu chọn người đại diện, với nhiệm kỳ mới bắt đầu từ ngày 1-1-2019.
Nay “gió đã đảo chiều” khi phe Dân chủ tìm cách giành lại thế thượng phong bằng cách đánh bại đảng Cộng hòa tại Hạ viện đúng như dự đoán trước đó. Điều gì đã tạo ra sự “đảo chiều” này?
Nhìn vào nguyên nhân có thể thấy rõ, nước Mỹ dưới thời ông Trump được chứng kiến một chiến thắng lớn trong cải cách thuế. Tuy không đạt được tiến bộ gì về kế hoạch chi tiêu cho cơ sở hạ tầng, nhưng bù lại, nền kinh tế Mỹ dường như đang hoạt động khá tốt. Thất bại của ông Trump được nhìn thấy rõ nhất ở lĩnh vực y tế và kiểm soát người nhập cư.
Ngoài ra, đúng thời điểm “nước sôi lửa bỏng” này, Tổng thống Trump không ghi được điểm và chìm đắm trong các “sắc thuế” liên quan tới vấn đề thương mại với nhiều quốc gia cũng khiến nhiều cử tri lo lắng.
Như vậy, xét một cách tổng thể, việc đảng Cộng hòa có thể mất quyền kiểm soát không liên quan nhiều tới “bát cơm manh áo”, mà lại chính ở cách ông Trump triển khai các chính sách lớn như các chính sách liên quan tới thương mại toàn cầu, thuế, vấn đề cắt giảm vũ khí hạt nhân hay quan điểm về người nhập cư hay những lệnh cấm vận mới... khiến nhiều người không muốn ủng hộ ông Trump và đảng Cộng hòa ngay trước thềm cuộc bầu cử giữa kỳ này cũng bởi họ không thể biết điều gì sẽ xảy ra khi ông Trump có được sự ủng hộ lớn hơn và tiếp tục chọn cách tăng cường và áp đặt thêm các biện pháp bảo hộ thương mại.
Không ai biết điều tồi tệ nhất là gì khi không có nhượng bộ nào trong cuộc chiến thương mại ngày càng gay gắt hơn, khiến cả thế giới có thể bị “vạ lây”. Đây là một bất lợi cho đảng Cộng hòa và cá nhân ông Trump lúc ra tái tranh cử chức tổng thống vào năm 2020.
Thêm một chủ đề được người dân Mỹ bàn tán xôn xao trước thềm cuộc bầu cử là việc luận tội Tổng thống. Trên thực tế, việc đa số thành viên Hạ viện ủng hộ việc khởi kiện sẽ dẫn đến một phiên xét xử tại Thượng viện.
Tổng thống Trump sẽ “sống sót” trừ phi một số lượng đáng kể thượng nghị sĩ Cộng hòa quay ra đối đầu với ông. Nếu Tổng thống Trump bị luận tội, căng thẳng chính trị ở Mỹ sẽ được đẩy lên cao độ, thậm chí là chia rẽ.
Còn một nguyên nhân khác khiến cả thế giới chăm chú theo dõi cuộc đối đầu Dân chủ - Cộng hòa liên quan tới quan điểm về việc Tổng thống Trump tuyên bố rút Mỹ khỏi hàng loạt tổ chức lớn, mà gần đây nhất là Tổ chức Thương mại thế giới (WTO). Hiện đảng Dân chủ không ủng hộ quan điểm trên nên toàn bộ Quốc hội có khả năng sẽ phản đối chính sách rút khỏi tổ chức thương mại đa phương lớn nhất thế giới này.
Cho dù có kết quả thế nào thì những tranh cãi về việc ông Trump nỗ lực rút Mỹ khỏi WTO cũng sẽ bị Quốc hội phản đối trước tòa với khả năng quyết định sẽ do Tòa án Tối cao đưa ra.
Câu hỏi đặt ra là liệu có một thỏa thuận giữa hai đảng? Điều này không phải là không được tính tới. Nếu đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát ít nhất là đối với Hạ viện thì vị thế của họ sẽ được củng cố một cách đáng kể.
Một kết quả có thể có, mặc dù có lẽ khó có thể xảy ra, là Tổng thống Trump và các đối thủ của ông trong đảng Dân chủ lựa chọn giảng hòa và làm việc cùng nhau. Kịch bản này có khả năng sẽ là tích cực đối với câu chuyện tăng trưởng trong nước với những rủi ro chính trị được giảm bớt một cách đáng kể. Và nếu có thỏa hiệp, việc luận tội hầu như sẽ không có khả năng xảy ra.
Khả năng xấu nhất, một cuộc chiến toàn lực xảy ra khi mỗi đảng sở hữu một “công cụ” quyền lực. Điều này đồng nghĩa với tình trạng bế tắc hoàn toàn, nguy cơ thường xuyên là chính phủ ngừng hoạt động và một môi trường chính trị thậm chí còn bất ổn hơn trước khi diễn ra chiến dịch tranh cử tổng thống năm 2020, mà trên thực tế sẽ bắt đầu ngay khi cuộc bầu cử giữa nhiệm kỳ kết thúc.