Bầu cử Mỹ 2020: Hậu bầu cử, nhiều dự báo nước Mỹ sẽ chìm trong bất ổn?
Bầu cử Mỹ 2020 đang bước vào giai đoạn nước rút, dù Tổng thống Trump hay ứng cử viên Joe Biden giành chiến thắng, viễn cảnh của nước Mỹ sau bầu cử cũng không mấy sáng sủa.
Các cuộc thăm dò dư luận tại Mỹ lâu nay vẫn thiên về khả năng đảng Dân chủ sẽ lấn át trong cuộc bầu cử ngày 3/11 tới, trong đó ông Joe Biden sẽ đắc cử Tổng thống và đảng Dân chủ giành được quyền kiểm soát Thượng viện Mỹ, tiếp tục duy trì Hạ viện ở trong tay.
Tuy nhiên, nếu như cuộc bầu cử trở nên gần giống với một cuộc trưng cầu ý dân về Tổng thống Mỹ Donald Trump và đảng Dân chủ có thể sẽ chỉ giành được Nhà Trắng mà không thể chiếm lại thế kiểm soát Thượng viện.
Và người ta cũng không thể loại bỏ khả năng ông Trump có thể "lách qua khe cửa hẹp" để giành được lá phiếu cử tri đoàn và đảng Cộng hòa tiếp tục nắm quyền kiểm soát Thượng viện, tức là thế nguyên trạng sẽ vẫn được duy trì.
Kịch bản ác mộng
Điều đáng ngại hơn là viễn cảnh của một kết quả gây tranh cãi dai dẳng, trong đó hai bên đều từ chối thừa nhận thất bại và bắt đầu xúc tiến những cuộc tranh cãi pháp lý và chính trị xấu xí tại các tòa án, trên truyền thông và trên các đường phố.
Trong cuộc bầu cử gây tranh cãi năm 2000, phải đến ngày 12/12, vấn đề mới được định đoạt: Tòa án Tối cao phán quyết chiến thắng dành cho ông George W.Bush và đối thủ đảng Dân chủ Al Gore phải thừa nhận thất bại một cách nhã nhặn.
Bị ảnh hưởng bởi sự bất ổn chính trị, thị trường chứng khoán trong giai đoạn này đã mất hơn 7%. Và lần này, sự bất ổn có thể còn kéo dài hơn – có thể là vài tháng – kéo theo các nguy cơ nghiêm trọng cho các thị trường.
Kịch bản ác mộng này cần phải được lưu ý một cách nghiêm túc, ngay cả khi nó khó có thể xảy ra. Mặc dù ông Biden đã liên tiếp dẫn trước tại các cuộc thăm dò, và bà Hillary cũng từng như thế ngay cả trong đêm trước ngày bầu cử năm 2016, vẫn phải chờ xem liệu sẽ có một sự nổi dậy nào đó ở các cử tri tại các bang dao động “rụt rè” vốn không sẵn sàng tiết lộ quyết định thực sự của họ tại các hòm phiếu.
Thêm vào đó, giống như năm 2016, các chiến dịch tung tin giả ồ ạt (cả trong và ngoài nước) cũng đang diễn ra. Giới chức Mỹ đã cảnh báo, Nga, Trung Quốc, Iran và các thế lực thù địch nước ngoài khác đang tích cực cố gắng tác động lên cuộc bầu cử và bày tỏ sự hòa nghi về tính hợp pháp của tiến trình kiểm phiếu.
Đặc biệt, ông Trump còn liên tục tuyên bố hình thức bỏ phiếu qua bưu điện là không đáng tin cậy bởi ông đã lường trước được đảng Dân chủ sẽ nắm được một tỷ lệ phiếu lớn không được bầu trực tiếp (để ngăn ngừa đại dịch).
Giai đoạn nhiều rủi ro
Thực vậy, nếu những kết quả đầu tiên được công bố vào đêm ngày bầu cử chưa thể hiện một sự áp đảo cho đảng Dân chủ ngay lập tức, ông Trump hầu như chắc chắn sẽ tuyên bố chiến thắng tại các bang chiến địa trước khi tất cả các hòm phiếu qua bưu điện được kiểm.
Các thành viên của đảng Cộng hòa đã lên kế hoạch đình chỉ hoạt động kiểm phiếu tại các bang quan trọng bằng cách thách thức tính hợp lệ của các hòm phiếu này. Họ sẽ xúc tiến các cuộc xung đột pháp lý tại thủ phủ các bang, các địa phương do đảng Cộng hòa kiểm soát và các tòa án liên bang bị chất đầy bởi những thẩm phán do ông Trump bổ nhiệm, một Tòa án Tối cao với thế đa số thuộc phe bảo thủ và một Hạ viên nơi mà ngay trong một cuộc lôi kéo phiếu cử tri đoàn thì người Cộng hòa cũng nắm được đa số đại biểu các bang.
Cùng lúc, lực lượng dân quân vũ trang đang “trực chờ” có thể sẽ đổ xuống đường để xúi giục bạo động và bất ổn. Mục tiêu có thể là khiêu khích sự phản ứng bằng bạo lực của phe cánh tả, từ đó tạo cho ông Trump một cái cớ để lập lại “trật tự và luật pháp” như điều mà ông đã đe dọa.
Chắc chắn là nếu các kết quả bầu cử sớm trong đêm cho thấy ông Biden dẫn trước với khoảng cách lớn kể cả ở các bang truyền thông của đảng Cộng hòa như là Bắc Carolina, Floria hay Texas, ông Trump sẽ gặp nhiều khó khăn hơn để thách thức kết quả này và sẽ sớm phải thừa nhận thất bại.
Sự bất ổn chính trị có thể kích động một giai đoạn nhiều rủi ro tại các thị trường tài chính giữa lúc nền kinh tế vốn đã trì trệ và các triển vọng ngắn hạn của các chính sách kích thích còn u ám.
Nếu những tranh cãi về cuộc bầu cử tiếp diễn – có thể là sang đầu năm sau – giá chứng khoán có thể sụt giảm đến 10%, lợi nhuận từ trái phiếu chính phủ sẽ suy giảm (mặc dù bây giờ đã khá thấp rồi) và giá vàng sẽ bị đẩy cao hơn.
Thông thường, trong một kịch bản thế này, đồng USD sẽ được hỗ trợ, song, do giai đoạn đặc biệt này bị kích hoạt bởi những bất ổn chính trị tại Mỹ, nên dòng vốn có thể tháo chạy khỏi đồng USD, khiến đồng bạc xanh trở nên yếu hơn.
Chỉ có một điều chắc chắn là cuộc bầu cử gây tranh cãi lớn này có thể gây tổn hại thêm đến hình ảnh toàn cầu của Mỹ với tư cách một hình mẫu của sự dân chủ, khiến quyền lực mềm của họ bị suy yếu. Đặc biệt sau 4 năm vừa qua, đất nước này đã ngày càng bị coi là một trung tâm của sự căng thẳng chính trị.
Mặc dù người ta luôn hy vọng, những bất ổn được cảnh báo ở trên sẽ không xảy ra, các nhà đầu tư vẫn nên chuẩn bị cho kịch bản tồi tệ nhất, không chỉ trong ngày bầu cử, mà cả trong những tuần và tháng sau đó.
(theo Project Syndicate)