Bầu cử Mỹ 2020: Ông Trump dành cái kết 'có hậu' cho Joe Biden
ng thái của mới nhất của Cơ quan Quản lý dịch vụ Tổng hợp (GSA) Mỹ cho thấy, cuộc bầu cử Tổng thống Mỹ năm 2020 đã có thể khép lại với chiến thắng thuộc về ông Joe Biden, bất chấp những hy vọng ít ỏi vẫn còn của ông Donald Trump.
Tổng thống đắc cử Joe Biden sẽ nhậm chức tại Nhà Trắng vào 20/1/2021 - Ảnh: AP
Bài liên quan
Tại sao cuộc bầu cử Mỹ năm 2020 vẫn chưa kết thúc?
Mục đích của ông Trump trong việc theo đuổi vụ kiện hậu bầu cử Mỹ
Bầu cử Mỹ 2020: Donald Trump, hãy cứ tự hào!
Bầu cử Mỹ: Những yếu tố giúp Joe Biden đánh bại Donald Trump
Bước ngoặt từ GSA
Ba tuần sau cuộc bầu cử Mỹ, những nỗ lực pháp lý của nhóm chiến dịch bầu cử của Tổng thống Donald Trump đã phải nhận những kết quả không mong muốn. Phần lớn trong số 30 vụ kiện bầu cử của nhóm ông Trump do luật sư Rudy Giuliani dẫn đầu đã bị từ chối, bác bỏ, giải quyết hoặc bị rút lại.
Tuy nhiên, Tổng thống Trump và nhóm pháp lý của mình vẫn kiên quyết tìm mọi cách để trì hoãn việc công nhận kết quả bầu cử của các tiểu bang, trong đó những bang chiến trường là nhóm bị “soi” kỹ nhất. Đồng thời ông Donald Trump vẫn hàng ngày lên Twitter khẳng định về một chiến thắng, cùng những cáo buộc gian lận bầu cử ở nhiều góc độ.
Chính sự quyết tâm của nhóm Tổng thống Trump tạo nên bầu không khí căng thẳng hậu bầu cử, vẽ nên những viễn cảnh về một cuộc chiến mà không có người chiến thắng, hoặc sẽ phải có ngoại lệ để chấm dứt những tranh chấp giữa hai phe Dân chủ và Cộng hòa.
Trong bối cảnh cận kề thời hạn cuối cùng (8/12), để các bang đưa ra chứng nhận kết quả, thủ tục được cho là hình thức một cuộc bầu cử, trước khi Đại cử tri đoàn họp và bỏ phiếu trực tiếp bầu Tổng thống, động thái từ Cơ quan Quản lý dịch vụ Tổng hợp đã cởi nút thắt quan trọng cho những rắc rối thời gian qua.
Cơ quan Quản lý dịch vụ Tổng hợp là một cơ quan độc lập thuộc chính phủ, không có vai trò hay tác động trong cuộc bầu cử Tổng thống. Song, GSA lại có ảnh hưởng đến kết quả của một cuộc bầu cử thông thường.
Theo luật pháp Mỹ năm 1963, người đứng đầu GSA sẽ quyết định khi nào người chiến thắng được "xác định chắc chắn". Nhưng điều này không có nghĩa người đứng đầu GSA có thể quyết định ai là Tổng thống, mà vai trò chủ yếu của người này là quyết định khi nào kết quả bầu cử đủ rõ ràng để kích hoạt quá trình chuyển giao quyền lực.
Người đứng đầu GSA, bà Emily Murphy cho biết sẵn sàng bắt đầu quá trình chuyển giao quyền lực - Ảnh: David Badash
Vậy tại sao GSA không kích hoạt quá trình chuyển giao sau khi truyền thông Mỹ công bố kết quả dự đoán ông Joe Biden giành chiến thắng sau Ngày Bầu cử 3/11? Thực ra, những khẳng định từ các hãng thông tấn, các hãng thống kê chưa đủ căn cứ để GSA thúc đẩy quá trình chuyển giao quyền lực, nhất là trong bối cảnh nhóm chiến dịch của Tổng thống Trump liên tục cáo buộc có gian lận trong quá trình bầu cử.
Sau 3 tuần, với những diễn biến phức tạp nhưng cục diện dần ngã ngũ sau những thất bại trong cuộc chiến pháp lý của nhóm ông Trump, và các bang chiến trường cũng bắt đầu công bố chứng nhận kết quả bầu cử mà ở đó ứng cử viên Joe Biden là người chiến thắng rõ ràng, GSA mới thực sự “có lý do” để đưa ra quyết định.
Cuối ngày thứ Hai (23/11), người đứng đầu của GSA, bà Emily Murphy đã thông báo bằng thư tới ứng cử viên đảng Dân chủ rằng cơ quan này sẽ tiến hành các thủ tục chuyển giao quyền lực Tổng thống. Qua đó, giải phóng khoản tiền 9,9 triệu USD và mở cửa các cơ quan liên bang để đội ngũ chuyển tiếp của ông Biden bắt đầu triển khai các kế hoạch chuyển tiếp.
Emily Murphy cho biết bà không bị Nhà Trắng gây áp lực phải trì hoãn quá trình chuyển đổi chính thức và không đưa ra quyết định "vì sợ hãi hay thiên vị".
“Hãy biết rằng tôi đã đưa ra quyết định của mình một cách độc lập, dựa trên luật pháp và các dữ kiện có sẵn”, bà Murphy viết. "Tôi chưa bao giờ bị áp lực trực tiếp hoặc gián tiếp bởi bất kỳ quan chức Chi nhánh Hành pháp nào - kể cả những người làm việc tại Nhà Trắng hoặc GSA - về nội dung hoặc thời điểm quyết định của tôi. Nói rõ là tôi không nhận được bất kỳ chỉ đạo nào để trì hoãn quyết tâm của tôi".
Tổng thống Donald Trump dường như đã chấp nhận thất bại trong cuộc bầu cử Mỹ - Ảnh: Reuters
“Nước Mỹ là trên hết”
Đến thời điểm này, chưa ai có thể khẳng định 100% ông Trump đã “đầu hàng” trong cuộc bầu cử năm 2020, hoặc sẽ có động thái gì tiếp theo, nhưng có vẻ như Tổng thống Mỹ đã chấp nhận một cái kết “có hậu” cho ông Joe Biden.
Ngay sau bức thư của bà Murphy được đăng tải công khai, Tổng thống Trump đã tweet cảm ơn người đứng đầu GSA vì công việc của bà và khẳng định quyết định bắt đầu quá trình chuyển đổi.
“…vì lợi ích tốt nhất của Đất nước chúng ta, tôi khuyên Emily và nhóm của cô ấy nên làm những gì cần làm đối với các giao thức ban đầu và đã yêu cầu nhóm của tôi làm như vậy", Tổng thống Trump viết.
Đây có thể xem là một sự thừa nhận thất bại… không chính thức của ông Donald Trump. Nhưng đó là một hàng động đúng đắn và dũng cảm của một con người cá tính và không bao giờ chấp nhận thua cuộc như ông Trump.
Chắn hẳn, ông Trump và nhóm pháp lý của mình đã phải rất cân nhắc để đưa ra quyết định này. Trước hết nó dựa trên nỗ lực thực tế vốn đang không có được sự thuận lợi, và dựa trên cả trách nhiệm của một công dân Mỹ. Những cố gắng dai dẳng của nhóm của ông chỉ có thể làm phức tạp hơn tình hình trong thời điểm mà nước Mỹ cần có một sự thống nhất, để sẻ chia trách nhiệm và nhất là khi mà đại dịch COVID-19 đang bùng phát mạnh mẽ với dự báo hậu quả nặng nề.
“Nước Mỹ trên hết” là khẩu hiệu của Tổng thống Donald Trump trong chiến dịch tranh cử năm 2016 và trong suốt 4 năm trên cương vị người đứng đầu chính phủ, ông đã cho thấy điều đó. Lúc này, Tổng thống Trump cũng cần phải đặt nước Mỹ lên trên hết, theo đúng nguyện vọng của đa số cử tri trong cuộc bầu cử tháng 11.
Rất đông người ủng hộ ông Donald Trump sẽ tức giận và tiếc nuối khi Tổng thống đương nhiệm không thể kéo dài thêm bốn năm nhiệm kỳ, nhưng cũng có nhiều hơn ngần ấy người Mỹ có cảm giác tương tự nếu ông vẫn đứng đầu Nhà Trắng. Vì thế, hãy để “Nước Mỹ trên hết” là quyết định!
Nếu có thất bại ở cuộc bầu cử năm 2020, Tổng thống Trump hoàn toàn có thể tự hào với những điều đã làm được, chí ít ở góc độ kinh tế trước khi đại dịch ập đến.
Nếu có thất bại, ông Trump vẫn có thể làm lại trong cuộc bầu cử sau đây 4 năm, tại cuộc bầu cử năm 2024.
Và nếu có thất bại ông Trump vẫn là ứng cử viên Tổng thống thất cử với số phiếu cao nhất lịch sử nước Mỹ, hơn 71 triệu phiếu bầu.