Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump chơi lớn, đối mặt với điểm yếu của chính mình? Bà Harris tiếp đà tiến
Ngày 29/8, cựu Tổng thống Donald Trump tuyên bố sẽ miễn phí dịch vụ thụ tinh trong ống nghiệm (IVF) nếu đắc cử trong cuộc bầu cử vào tháng 11 tới.
Kênh tin tức NBC News cho hay, phát biểu trong cuộc vận động tranh cử ở thành phố Potterville, bang Michigan, ông Trump cho biết, nếu đắc cử Tổng thống, ông sẽ bảo vệ quyền tiếp cận phương pháp IVF và sẽ để chính phủ hoặc yêu cầu các công ty bảo hiểm chi trả chi phí này cho "tất cả người dân Mỹ có nhu cầu".
Tuy nhiên, ông không đưa ra chi tiết về cách thức thực hiện đề xuất của mình.
Vị cựu Tổng thống này cũng cam kết rằng, nếu ông giành chiến thắng trong cuộc bầu cử tới, các cặp đôi mới lên chức cha mẹ sẽ có cơ hội giảm bớt hóa đơn thuế của mình bằng cách trừ các khoản chi phí lớn liên quan trẻ sơ sinh.
Ứng cử viên đảng Cộng hòa nhấn mạnh, điều này thể hiện cam kết của ông đối với việc ủng hộ các gia đình Mỹ.
Quyền sinh sản là một điểm yếu lớn đối với cựu Tổng thống Trump. Chiến dịch của ứng cử viên đảng Cộng hòa này hầu như luôn tìm cách né tránh các vấn đề liên quan phá thai và quyền sinh sản, do chủ trương chống phá thai của họ không được lòng cử tri kể từ khi phán quyết bảo đảm quyền phá thai bị hủy bỏ cách đây 2 năm.
Phe Dân chủ nhiều lần chỉ trích ông Trump về điều này, sau khi 3 thẩm phán Tòa án Tối cao do ông bổ nhiệm nằm trong số 6/9 thẩm phán bỏ phiếu thông qua việc bãi bỏ quyền phá thai, qua đó cho phép các bang sẽ tùy ý định đoạt vấn đề cấm hay cho phép.
Điểm yếu của ông Trump ngày càng bị khoét sâu hơn sau khi một tòa án ở bang Alabama hồi tháng 2 ra phán quyết rằng, phôi đông lạnh và trứng đã thụ tinh bằng IVF được coi là con người theo luật định và bất kỳ ai hủy hoại đều có thể phải chịu trách nhiệm.
Ông Trump sau đó tuyên bố ủng hộ IVF sau khi một số phòng khám hoãn việc thực hiện biện pháp này sau phán quyết của tòa án ở Alabama.
Các chuyên gia nhận định phán quyết mà Tòa án Tối cao đưa ra hồi năm 2022 về cơ bản đã trao cho các bang quyền quyết định cuối cùng về các vấn đề phá thai, mở đường cho những tác động sâu rộng đến các lĩnh vực khác trong lĩnh vực sức khỏe sinh sản, trong đó có cả IVF.
Rất ít người Mỹ có các gói bảo hiểm chi trả cho các phương pháp hỗ trợ khả năng sinh sản, trong khi chi phí từ 20.000 USD trở lên cho một đợt điều trị IVF kéo dài 18 tháng lại vượt quá khả năng tài chính đối với nhiều người.
Liên quan kết quả thăm dò bầu cử, cùng ngày, theo tờ Wall Street Journal (WSJ), cuộc thăm dò do báo này tổ chức cho thấy cử tri Mỹ về cơ bản có đánh giá tích cực với Phó Tổng thống Kamala Harris. Ứng cử viên đảng Dân chủ này hiện dẫn trước đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa, dù khoảng cách này là sít sao.
Theo đó, bà Harris nhận được sự ủng hộ của 48% cử tri, trong khi con số này dành cho ông Trump là 47%. Còn trong một cuộc thăm dò khác có sự tham gia của những ứng viên độc lập và đảng thứ ba, mức dẫn điểm của bà Harris trước ông Trump được nới rộng hơn, với tỷ lệ ủng hộ 47%-45%.
Đây là lần đầu tiên ứng cử viên đảng Dân chủ dẫn trước ông Trump trong cuộc thăm dò của WSJ kể từ khi báo này bắt đầu thực hiện vào tháng 4 năm nay.
Thăm dò mới nhất được WSJ thực hiện đối với 1.500 cử tri đăng ký, trong thời gian từ ngày 24-28/8, tức sau khi kết thúc Đại hội toàn quốc của đảng Dân chủ. WSJ lưu ý biên độ sai số của cuộc khảo sát là 2,5 điểm phần trăm.
Trong khi đó, cuộc thăm dò dư luận do Reuters/Ipsos công bố ngày 29/8 cho thấy, Phó Tổng thống Harris đang dẫn trước cựu Tổng thống Trump với tỷ lệ 45%-41% và thể hiện khoảng cách đang nới rộng giữa hai ứng cử viên.