Bầu cử Mỹ 2024: Ông Trump dọa bỏ tù các quan chức bầu cử?

Ông Donald Trump đã chuẩn bị cho cuộc tranh luận với Phó Tổng thống Kamala Harris bằng cách thể hiện sự cực đoan có nguy cơ trở thành hiện thực.

Ông Trump đã cảnh báo rằng ông sẽ bỏ tù những quan chức bầu cử mà ông coi là gian lận; phàn nàn rằng cuộc bỏ phiếu ở Pennsylvania là gian lận; tuyên bố sẽ ân xá cho những người biểu tình ngày 6/1; chỉ trích những người phụ nữ cáo buộc ông có hành vi sai trái về tình dục và dành nhiều giờ trong những ngày gần đây để đưa ra những lời lẽ đôi khi không mạch lạc, làm dấy lên câu hỏi về trạng thái tinh thần của ông.

Nhưng cuộc thăm dò mới trước thềm cuộc bầu cử vào thứ Ba tại Philadelphia cho thấy, cuộc đua trên toàn quốc đang diễn ra khá cân bằng, đà tiến triển của bà Harris sau khi thay thế Tổng thống Joe Biden trên cương vị ứng cử viên không mang lại lợi thế áp đảo.

Sự căng thẳng của cuộc đua cho thấy, sức hấp dẫn bền bỉ của ông Trump đối với hàng chục triệu người Mỹ khi ông tìm kiếm sự trở lại chính trường và nhiệm vụ to lớn mà bà Harris phải đối mặt khi bà cố gắng cứu vãn cuộc bầu cử mà đảng Dân chủ dường như chắc chắn sẽ thua trước khi Tổng thống Biden rút lui.

Bà Harris cần ''siêu tập trung'' khi đối mặt với ông Trump

Cách mỗi ứng cử viên chuẩn bị làm nổi bật những con đường khác nhau mà người Mỹ có thể lựa chọn vào tháng 11 và sự tương phản rõ nét trong phong cách Tổng thống sẽ diễn ra nếu bà Harris hoặc ông Trump ngồi vào bàn làm việc tại Phòng Bầu dục.

Phó Tổng thống Harris đang ẩn náu tại Pittsburgh cùng đội ngũ nhân viên để rèn luyện kỹ năng chuẩn bị cho cuộc đối đầu với ông Trump trong một cuộc tranh luận sắp tới. Việc bà chọn Pennsylvania để chuẩn bị không chỉ thể hiện tầm quan trọng sống còn của tiểu bang này mà còn là chiến lược cần thiết để giành chiến thắng trong cuộc đua vào Nhà Trắng. Một nguồn tin tiết lộ với CNN rằng các cố vấn của bà đang xem xét cách ứng phó với quy định tắt micrô khi đối thủ phát biểu.

Phó Tổng thống Harris đã nỗ lực phản đối quy định này, hy vọng tận dụng kỹ năng của một cựu công tố viên để ngay lập tức "hạ gục" ông Trump. Tuy nhiên, bà khẳng định với báo giới rằng: "Tôi đã sẵn sàng", trong khi dạo bước cùng chồng, quý ông thứ hai Doug Emhoff, tại Thành phố Thép vào Chủ nhật.

Bộ trưởng Giao thông Pete Buttigieg đã chia sẻ suy nghĩ về thách thức mà Phó Tổng thống Harris phải đối mặt khi cố gắng thu hút sự chú ý của cử tri Mỹ, đồng thời xử lý một đối thủ thường xuyên mất kiểm soát như ông Donald Trump. Trên chương trình "State of the Union" của CNN vào ngày 8/9, Buttigieg nhận định: "Cần sự tập trung và kỷ luật gần như siêu phàm để đối phó với ông Donald Trump trong một cuộc tranh luận. Đó không phải là một cuộc tranh luận thông thường, không phải vì ông Trump là bậc thầy trong việc giải thích các chính sách và cách chúng có lợi cho người dân, mà vì ông ấy là bậc thầy trong việc biến mọi hình thức truyền hình thành một chương trình chỉ xoay quanh chính mình".

Cuộc thăm dò của New York Times/Siena College công bố vào Chủ nhật cho thấy 28% cử tri tiềm năng cần biết thêm về Phó Tổng thống Harris, trong khi chỉ 9% nói như vậy về đối thủ của bà. Đây có thể là cơ hội để bà mở rộng ảnh hưởng. Tuy nhiên, bà Harris cũng đang chịu áp lực phải giải thích những thay đổi trong chính sách về nhập cư và khai thác khí đá phiến, đồng thời phải thể hiện sự chính xác hơn so với một số cuộc phỏng vấn đầy căng thẳng khi mới đảm nhận vai trò Phó Tổng thống.

Thêm vào đó, việc bà hạn chế tham gia các cuộc phỏng vấn trên các phương tiện truyền thông lớn, ngoại trừ một lần trên CNN vào tháng trước cũng làm dấy lên lo ngại. Một ứng cử viên đôi khi gặp khó khăn trong việc đưa ra các lập luận mạch lạc trong những tình huống áp lực cao và tự phát và giờ đây phải bước vào cuộc tranh luận mà không có nhiều kinh nghiệm gần đây về đối đầu chính trị trực tiếp.

Ông Trump '‘vật lộn'’ tuân thủ kịch bản của GOP?

Những người ủng hộ đảng Cộng hòa của ông Trump đã cầu xin ông trong nhiều ngày để đào sâu vào các vấn đề như kinh tế, nhập cư và an ninh quốc gia và tránh hành vi bướng bỉnh có thể ảnh hưởng đến lập luận của bà Harris rằng đã đến lúc đất nước phải thoát khỏi sự hỗn loạn mà ông đại diện cho nhiều cử tri. Lý thuyết của đảng Cộng hòa là bà Harris, với tư cách là thành viên chủ chốt của một chính quyền không được lòng dân, không phù hợp để hành động như một tác nhân thay đổi chính trị.

Hành vi của ông Trump khi bước vào cuộc tranh luận đã dấy lên lo ngại rằng ông có thể làm lu mờ sự tương phản mà Thượng nghị sĩ Tom Cotton nhấn mạnh trong cuộc phỏng vấn với Dana Bash trên chương trình "State of the Union" của CNN. Thượng nghị sĩ đảng Cộng hòa từ Arkansas tuyên bố vào Chủ nhật: "Mọi người nhớ rằng, khi ông Donald Trump còn tại nhiệm, giá cả thấp, tiền lương cao và chúng ta có hòa bình và ổn định trên toàn thế giới". Ông tiếp tục chỉ trích bà Kamala Harris, cho rằng với vai trò Phó Tổng thống, bà đã góp phần gây ra lạm phát kỷ lục, biên giới phía Nam bị mở rộng và tình trạng chiến tranh lan rộng trên toàn cầu.

Tuy nhiên, ông Trump không muốn kiềm chế bản thân trong những ngày gần đây.

Trong một diễn biến đáng lo ngại, cựu Tổng thống Trump vào thứ Bảy đã sử dụng mạng xã hội Truth Social để lên án những gì ông gọi là "ggian lận và lừa đảo" của đảng Dân chủ trong cuộc bầu cử năm 2020. Ông cũng chuyển hướng sang cuộc bầu cử năm 2024, cảnh báo rằng: "Khi tôi thắng, những người gian lận sẽ bị truy tố đến mức cao nhất của luật pháp, bao gồm cả án tù dài hạn để ngăn chặn sự suy đồi của công lý này không tái diễn". Ông Trump chỉ trích mạnh mẽ: "Luật sư, nhà hoạt động chính trị, hhà tài trợ, cử tri bất hợp pháp và quan chức bầu cử tham nhũng" và tuyên bố rằng họ sẽ "bị truy tố ở mức độ chưa từng thấy trước đây" trong lịch sử của nước Mỹ.

Không có bằng chứng nào chứng minh cuộc bầu cử năm 2020 là tham nhũng. Nhiều thách thức pháp lý của ông Trump đã bị các thẩm phán bác bỏ và thậm chí tổng chưởng lý của ông, William Barr, cũng khẳng định rằng không có gian lận bầu cử tràn lan. Thực tế rằng cựu Tổng thống đã từng cố gắng làm thay đổi kết quả bầu cử trước đó khiến các cảnh báo của ông về việc các quan chức không đồng tình với quan điểm của ông về tính công bằng của cuộc bầu cử hiện tại trở nên nghiêm trọng hơn. Điều này báo hiệu những vấn đề có thể xảy ra trong giai đoạn hậu bầu cử vào tháng 11 nếu ông Trump thua cuộc.

Những lời cảnh báo của ông Trump cũng phản ánh hậu quả của các bước đi pháp lý thành công của ông trong việc trì hoãn trách nhiệm giải trình liên quan đến sự can thiệp bầu cử của mình, cả trong một vụ án liên bang và ở Georgia cho đến sau cuộc bầu cử sắp tới. Nếu ông giành lại quyền lực, ông gần như chắc chắn sẽ sử dụng quyền Tổng thống được khôi phục cùng các động thái pháp lý mới để bác bỏ vụ kiện của cố vấn đặc biệt Jack Smith tại tòa án quận Washington, DC và cố gắng ngăn chặn vụ kiện ở Georgia ra tòa.

Trong một bài đăng khác trên Truth Social, ông Trump đã trích dẫn một cuộc phỏng vấn của Tucker Carlson để tuyên bố không có bằng chứng rằng 20% số phiếu bầu qua thư ở Pennsylvania là "gian lận". Đây không phải là lần đầu tiên cựu Tổng thống dường như đang chuẩn bị một lý lẽ để thách thức cuộc bầu cử năm 2024 nếu ông thua cuộc.

Minh Trang

Nguồn Công Thương: https://congthuong.vn/bau-cu-my-2024-ong-trump-doa-bo-tu-cac-quan-chuc-bau-cu-344645.html