Bầu cử Mỹ 2024: Thấy gì từ màn tranh luận nảy lửa?

Cuộc tranh luận nảy lửa và hấp dẫn giữa hai ứng cử viên Tổng thống Mỹ - bà Kamala Harris và ông Donald Trump - diễn ra tối 10/9 (giờ địa phương) đã trở thành tâm điểm chú ý của không chỉ giới truyền thông mà còn hàng triệu người dân Mỹ, trong đó bộc lộ quan điểm và chính sách của cả hai ứng viên trong những vấn đề thời sự, chính trị và dân sinh.

Kéo dài trong 1 tiếng 45 phút, cuộc tranh luận giữa bà Kamala Harris và ông Donald Trump được điều phối bởi hãng tin ABC News. Cuộc tranh luận đầu tiên giữa hai ứng cử viên kể từ khi Phó Tổng thống Kamala Harris ra tranh cử đã được truyền hình trực tiếp vào khung giờ vàng ở Mỹ, thu hút sự chú ý đặc biệt của hàng triệu khán giả. Trong gần 2 tiếng đối đầu, ứng cử viên không được biết trước chủ đề tranh luận. Mỗi người sẽ có 2 phút để trả lời câu hỏi của người dẫn chương trình, 2 phút để phản biện và 1 phút trả lời thêm nếu cần. Tuy nhiên, 2 ứng cử viên không được đặt câu hỏi cho nhau và cũng không được phép tiếp xúc với đội ngũ tranh cử trong suốt buổi tranh luận.

Theo Đài truyền hình CNN, sau lời kết màn trên sân khấu, ban tổ chức đã đo được khoảng thời gian phát biểu trong cuộc tranh luận đầu tiên của cựu Tổng thống Trump là 42 phút 52 giây, trong khi của Phó Tổng thống Kamala Harris là 37 phút 36 giây. Theo một phóng viên có mặt tại sân khấu, bà Harris và ông Trump không tương tác khi kết thúc cuộc tranh luận. Cả hai cảm ơn những người điều phối, quay về phía lối ra và không nhìn nhau.

Đáng chú ý, vài phút sau khi cuộc tranh luận kết thúc, chiến dịch tranh cử của bà Harris đã kêu gọi sẵn sàng tham gia một vòng tranh luận khác trong tháng 10. Trước đó, ông Trump từng tuyên bố mình đồng ý tham gia 3 cuộc tranh luận trong tháng 9 này. Vậy, điều gì đã diễn ra trong hơn 90 phút khiến đây trở thành một cuộc tranh luận mà công chúng đánh giá rằng "cân tài cân sức"?

Cuộc tranh luận của hai ứng viên tổng thống Mỹ được truyền hình trực tiếp trên kênh ABC News. Ảnh: Getty

Cuộc tranh luận của hai ứng viên tổng thống Mỹ được truyền hình trực tiếp trên kênh ABC News. Ảnh: Getty

Nếu như ứng cử viên Kamala Harris thể hiện phong thái tự tin, bắt đầu "cuộc chơi" với cái bắt tay đầy chủ động và nhiều lần đưa ra những luận điểm sắc bén nhằm công kích các quan điểm chính sách của đối thủ, thì ông Donald Trump lại giữ phong thái điềm tĩnh và phản ứng đầy linh hoạt, khác với sự bùng nổ thường thấy trong các cuộc tranh luận trước đây. Các chủ đề tranh luận bao gồm những vấn đề mà người dân Mỹ quan tâm như kinh tế và chi phí sinh hoạt, quyền nạo phá thai, an ninh biên giới, sắc tộc và chính trị, hệ thống chăm sóc sức khỏe cho người dân, biến đổi khí hậu, cuộc xung đột giữa Israel và Hamas, cuộc xung đột Nga-Ukraine, và việc Mỹ rút quân khỏi Afghanistan.

Ông Chris Wallace, người dẫn chương trình của CNN, nhận định ông "chưa từng thấy một cuộc tranh luận nào khốc liệt tương đương cuộc đối đầu hồi tháng 6 giữa ông Trump và Tổng thống Biden đến vậy".

Cần nhấn mạnh rằng, những chia sẻ của 2 ứng viên cho thấy sự khác biệt trong quan điểm, tầm nhìn về các vấn đề ưu tiên đối với người dân Mỹ. Nếu như bà Harris đề cao một "nền kinh tế cơ hội" với một chính sách giá nhà phải chăng hơn thì ông Trump lại tập trung nhiều vào thuế quan, bao gồm mức thuế mới cho các mặt hàng nhập khẩu vào Mỹ.

Về đối ngoại, Phó Tổng thống Harris cho biết bà ủng hộ quyết định của Tổng thống Joe Biden về việc rút quân đội Mỹ khỏi Afghanistan vào năm 2021, cho rằng ông Trump "đã đàm phán một trong những thỏa thuận yếu đuối nhất" về vấn đề này trong thời gian ông làm tổng thống. Trong khi đó, về cuộc xung đột hiện nay ở Ukraine, ông Trump lập luận rằng ông có thể "giải quyết" vấn đề chỉ trong vòng 24 giờ và bày tỏ mong muốn cuộc xung đột này kết thúc càng sớm càng tốt.

Đối diện với các chỉ trích đầy mạnh mẽ của bà Harris về chính sách thuế quan, vấn đề nạo phá thai hay vụ bạo động tại trụ sở Quốc hội Mỹ ngày 6/1/2020, cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump cho rằng chính chính quyền của Tổng thống Joe Biden cần chịu trách nhiệm về tỷ lệ lạm phát cao chưa từng thấy, đồng thời chỉ trích quan điểm trong vấn đề nạo phá thai và chính sách nhập cư gây hại cho nước Mỹ.

Nhận định về cuộc tranh luận này, ông Nick Beauchamp, Phó Giáo sư khoa học chính trị tại Đại học Northeastern, đánh giá chiến lược tranh luận của bà Harris có hai điểm chính: "Đầu tiên là thể hiện rõ sự khác biệt với ông Trump và sau đó là chọc giận ông ấy nhằm khiến cựu Tổng thống tung ra những lời chỉ trích không mấy hấp dẫn". Còn theo ông Jonathan Bronitsky, người viết diễn văn cho cựu Bộ trưởng Tư pháp Mỹ Bill Barr, cựu Tổng thống Trump vẫn có nhiều khoảnh khắc nổi bật với những bình luận dí dỏm mang phong cách riêng của ông. "Ông Trump đã đi đúng trọng tâm, cho thấy được lòng nhiệt huyết và nỗi tức giận thực sự trước tình trạng suy thoái của đất nước trong 4 năm qua", chuyên gia Bronitsky bình luận.

Hiện nay, những gì sẽ diễn ra sau cuộc tranh luận và lá phiếu sẽ thuộc về ai đang là điều mà truyền thông quốc tế quan tâm. Trước thềm cuộc tranh luận, kết quả các cuộc thăm dò dư luận cho thấy bà Harris đã thu hẹp đáng kể khoảng cách dẫn điểm của ông Trump, thậm chí còn vượt lên dẫn trước ứng cử viên của đảng Cộng hòa tại 4/7 bang chiến trường có ý nghĩa quan trọng gồm Michigan, Wisconsin, Nevada và Pennsylvania.

Trong một diễn biến có liên quan, ngay sau khi cuộc tranh luận kết thúc, chiến dịch tranh cử của đảng Dân chủ và cá nhân bà Harris đã nhận tin vui khi ca sĩ nổi tiếng Taylor Swift, người có hàng triệu khán giả hâm mộ tại Mỹ, tuyên bố ủng hộ bà Harris trở thành tổng thống tiếp theo. Điều này chắc chắn sẽ là áp lực mới cho chiến dịch tranh cử của ông Trump trong việc giành được thêm sự ủng hộ từ các cử tri.

Bảo Hân

Nguồn CAND: https://cand.com.vn/the-gioi-24h/bau-cu-my-2024-thay-gi-tu-man-tranh-luan-nay-lua--i743664/