Bầu cử Mỹ: Châu Âu lo ngại sau khi ông Trump chọn 'phó tướng'

Việc ông Trump chọn ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ có thể là 'thảm họa' cho châu Âu và Ukraine. Châu Âu lo ngại rằng chính quyền 'Nước Mỹ trên hết' sẽ ngừng hỗ trợ Ukraine.

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) chính thức chọn Thượng nghị sĩ bang Ohio J.D. Vance làm người liên danh tranh cử Phó Tổng thống. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Cựu Tổng thống Mỹ Donald Trump (trái) chính thức chọn Thượng nghị sĩ bang Ohio J.D. Vance làm người liên danh tranh cử Phó Tổng thống. Ảnh: Getty Images/TTXVN

Việc lựa chọn người theo chủ nghĩa biệt lập J.D. Vance làm người đồng hành tranh cử đã củng cố nỗi lo ngại của châu Âu rằng nhiệm kỳ thứ hai của ông Donald Trump sẽ làm suy yếu mạnh mẽ mối quan hệ an ninh xuyên Đại Tây Dương, tăng thuế quan và chấm dứt sự hỗ trợ quan trọng của Mỹ dành cho Ukraine, tờ Financial Times (Anh) đưa tin.

Sự lựa chọn của cựu Tổng thống Trump đã làm gia tăng mối lo ngại trong số các đồng minh của Washington rằng ông có ý định lãnh đạo một chính quyền bảo hộ "Nước Mỹ trên hết", với những tác động to lớn đến quốc phòng và an ninh kinh tế của châu Âu.

“Nếu ông Trump đắc cử và tiếp tục các chính sách được Thượng nghị sĩ Vance ủng hộ, ông Trump có thể tuyên bố sự kết thúc của NATO, hoặc ít nhất là hạn chế sự lãnh đạo của Mỹ đối với NATO. Đó sẽ là một tín hiệu cho Nga và Trung Quốc có thể khẳng định lại quan điểm mà họ đã theo đuổi trong thập kỷ qua và gây áp lực hơn đối với NATO. Phương Tây thực sự đang bước vào một thời kỳ rất đen tối”, Rob Johnson, người gần đây đã từ chức Giám đốc bộ phận NATO của Bộ Quốc phòng Anh, cho biết.

Sự dẫn đầu của ông Trump trong các cuộc thăm dò và màn trình diễn của đương kim Tổng thống Mỹ Joe Biden trong cuộc tranh luận đầu tiên trên truyền hình đã khiến các nước châu Âu lo ngại - họ lo sợ đảng Cộng hòa sẽ trở lại Nhà Trắng. Phản ứng trước việc bổ nhiệm Thượng nghị sĩ Vance làm "phó tướng" tiếp theo của Trump, Guy Verhofstadt, một thành viên của Nghị viện châu Âu và cựu Thủ tướng Bỉ, cho biết sẽ có "nhiều rượu sâm panh hơn" ở Điện Kremlin, đồng thời nói thêm: "Liệu châu Âu và Anh đã chuẩn bị sẵn sàng chưa hay họ vẫn đang sắp xếp lại ghế trên tàu Titanic?".

Trong một dấu hiệu khác cho thấy căng thẳng xuyên Đại Tây Dương có thể xảy ra, ông Vance đã ám chỉ trong bài phát biểu của mình rằng nước Anh dưới chính phủ mới do Công đảng lãnh đạo có thể trở thành một "quốc gia Hồi giáo thực sự đầu tiên có vũ khí hạt nhân”. Năm nay, ông Trump cho biết London đã trở nên "không thể nhận ra" vì thành phố này đã "mở cửa cho thánh chiến", ám chỉ đến các cuộc biểu tình ủng hộ người Palestine.

Trong khi đó, nhiều quan chức châu Âu lo ngại ông Trump sẽ áp thuế cao đối với hàng nhập khẩu và gây tổn hại đến nền kinh tế EU, đồng thời lo ngại về tác động của các chính sách của ông đối với NATO và cuộc chiến ở Ukraine.

Với Ukraine, ông Vance đã nhiều lần kêu gọi Kiev "nhượng lại lãnh thổ" để chấm dứt xung đột. Ông lập luận rằng một giải pháp như vậy sẽ vì lợi ích tốt nhất của Washington. "Một người công khai tuyên bố rằng Ukraine sẽ phải từ bỏ một phần lãnh thổ của mình cho Nga không thể là đại diện tốt nhất cho chính sách của Mỹ. Việc ông Trump chọn Thượng nghị sĩ Vance làm ứng cử viên Phó Tổng thống Mỹ là một tín hiệu rõ ràng với Ukraine", nghị sĩ Quốc hội Ukraine Inna Sovsun nêu quan điểm.

Các đồng minh của cựu Tổng thống Trump như ông Vance và Ric Grenell, người được coi là ứng cử viên hàng đầu cho vị trí ngoại trưởng Mỹ, đã ra tín hiệu rằng họ sẽ tìm cách ngừng ủng hộ Kiev vô thời hạn.

Trong khi đó kênh CNN của Mỹ cũng cho rằng nhiều đồng minh thân cận nhất của Washington đã lo sợ viễn cảnh ông Trump trở lại Nhà Trắng. Bây giờ khi cựu Tổng thống Trump chọn ông Vance làm người đồng hành tranh cử, họ có thể có nhiều điều phải lo lắng hơn.

Với sự lựa chọn trên, ông Trump đã gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng, nếu được bầu, chính sách đối ngoại lấy nước Mỹ làm trọng tâm của ông sẽ tiếp tục có hiệu lực.

Thượng nghị sĩ Vance là một người chỉ trích gay gắt việc gửi hỗ trợ cho Ukraine khi nước này đang xung đột với Nga. Giống như ông Trump, ông Vance đã nhiều lần chỉ trích NATO và các thành viên châu Âu vì không chi đủ cho quốc phòng.

Việc đề cử ông Vance đã chấm dứt hy vọng của một số đồng minh của Mỹ rằng ông Trump có thể sẽ mềm mỏng hơn trong lập trường chính sách đối ngoại nếu được tái đắc cử. Kristine Berzina, chuyên gia về địa chính trị và an ninh, người đứng đầu Quỹ Marshall Đức thuộc chương trình Địa chiến lược phương Bắc của Mỹ, nói: “J.D. Vance dường như không quan tâm đến việc trở thành đồng minh tốt của châu Âu”.

Tại Hội nghị An ninh Munich vào tháng 2 năm nay, ông Vance đề xuất Ukraine nên đàm phán với Nga vì Mỹ và các đồng minh khác không có khả năng hỗ trợ nước này. Đáng chú ý, ông Vance đã bỏ qua một cuộc họp quan trọng giữa phái đoàn lưỡng đảng gồm các thượng nghị sĩ Mỹ và Tổng thống Ukraine Volodymyr Zelensky, nói rằng ông không nghĩ mình sẽ nhận được điều gì mới ở đó. Ông Vance đã tham dự một cuộc gặp với Tổng thống Zelensky ở Washington D.C., vào tháng 12 năm ngoái nhưng đã rời khỏi cuộc họp sớm.

Ông Vance đã lập luận rằng Mỹ nên chuyển trọng tâm của mình khỏi Nga và hướng tới châu Á. Đầu tuần này, ông nói rằng cuộc chiến ở Ukraine phải được "kết thúc nhanh chóng" để Mỹ có thể tập trung vào "vấn đề thực sự, đó là Trung Quốc".

Sam Greene, Giám đốc Chương trình phục hồi dân chủ tại Trung tâm phân tích chính sách châu Âu (CEPA) và là Giáo sư về chính trị Nga tại Đại học King's London, kết luận: Việc đề cử ông Vance sẽ giúp các đồng minh của Mỹ hiểu rõ rằng sự chuyển dịch sang chính sách đối ngoại của đảng Cộng hòa theo kiểu Trump có khả năng sẽ mang tính lâu dài hơn.

Vũ Thanh/Báo Tin tức (Theo Financial Times/CNN)

Nguồn Tin Tức TTXVN: https://baotintuc.vn/phan-tichnhan-dinh/bau-cu-my-chau-au-lo-ngai-sau-khi-ong-trump-chon-pho-tuong-20240718084014053.htm