Bầu cử ở Đức và Pháp 'định vị' tương lai của EU? *

EU sẽ đứng trước tương lai nào, khi các cuộc bầu cử diễn ra ở Đức (tháng 9/2021) và Pháp (năm 2022) trong bối cảnh lực lượng dân túy cánh hữu phát triển mạnh những năm qua?

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: EUobserver)

Thủ tướng Đức Angela Merkel và Tổng thống Pháp Emmanuel Macron. (Nguồn: EUobserver)

Pháp và Đức đã có thời kỳ thường đụng độ nhau ở châu Âu. Nhìn lại lịch sử, hai quốc gia này từng coi nhau là đối thủ.

Hiện nay, vẫn có sự cạnh tranh gay gắt giữa hai nước láng giềng, đặc biệt trong các lĩnh vực khoa học, công nghệ, nghệ thuật và văn hóa. Từ sau cuộc chiến tranh Pháp-Đức năm 1870 cho đến khi Thế chiến II kết thúc, nhiều cuộc đối đầu và đụng độ đã xảy ra.

Tuy nhiên, sự kình địch gay gắt giữa Pháp và Đức giờ đã thành dĩ vãng. Sau Thế chiến II, quan hệ hai nước bắt đầu tan băng, đỉnh điểm là Hiệp ước Elysee được ký vào năm 1963 giữa Tổng thống Pháp Charles de Gaulle (1890-1970) và Thủ tướng Đức Konrad Adenauer (1876-1967), mang lại một hình hài mới cho nền chính trị châu Âu.

Ví dụ điển hình về sự hòa hợp

Kể từ đó, một nền văn hóa chung giữa Pháp và Đức đã xuất hiện. Việc Đức và Pháp hòa hợp đã trở thành một ví dụ điển hình ở châu Âu. Hai nước thể hiện sự lãnh đạo trong việc thành lập Liên minh châu Âu (EU). Ngay cả sự hợp tác chặt chẽ giữa Pháp và Đức trong Chiến tranh Lạnh cũng là điều khó quên.

Tiếp đó, trong 6 thập niên, Pháp đã cùng Đức dẫn dắt thành công EU và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO). Kết quả, Pháp và Đức có ảnh hưởng lớn nhất ở châu Âu.

Bởi vậy, các cuộc bầu cử ở Đức trong năm nay và ở Pháp vào năm tới sẽ rất quan trọng đối với tương lai của châu Âu. Các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương phụ thuộc rất lớn vào hai cuộc bầu cử này.

Tuy nhiên, các nhà phân tích cho rằng hai cuộc bầu cử ở hai cường quốc châu Âu sẽ đưa đến nhiều thách thức đối với chính trị "lục địa già". Bởi vì các lực lượng cực hữu, dân túy và phân biệt chủng tộc đang trỗi dậy ở cả Pháp và Đức. Cùng với các cuộc tấn công bài Do Thái và bài ngoại, chủ nghĩa phát xít mới cũng đang xuất hiện.

Các nhà phê bình nhìn nhận những vụ việc này là dấu hiệu của một sự thay đổi chính trị lớn ở châu Âu.

Đức trước thách thức của chủ nghĩa dân túy

Tại Đức, bà Angela Merkel đã nắm quyền Thủ tướng trong 16 năm qua. Đây là một trường hợp hiếm hoi trong nền dân chủ phương Tây khi một nhà lãnh đạo đã nắm quyền gần hai thập niên.

Trong nhiệm kỳ của mình, bà Merkel chứng tỏ là một nhà lãnh đạo thành công không chỉ ở Đức mà còn ở toàn châu Âu. Đặc biệt là ở EU, bà Merkel đã dẫn dắt Đức và châu Âu gặt hái những kết quả tích cực.

Những thành tựu của Merkel cũng nhờ vào mối quan hệ êm ấm giữa EU và Mỹ.

Tuy nhiên, sự ủng hộ dành cho bà Merkel đã giảm dần trong vài năm qua. Nguyên nhân chính, theo các nhà phân tích quan hệ quốc tế, nằm ở chính sách nhập cư tự do của bà Merkel. Chính sách này đã trở thành công cụ “đẩy thuyền” cho sự phát triển của các nhà lãnh đạo cực hữu và dân túy ở Đức.

Năm 2015 là thời gian không ổn định đối với toàn bộ châu Âu. Hàng triệu người tị nạn Syria và Iraq đã chạy sang châu Âu để thoát khỏi các cuộc tấn công khủng bố của IS. Đức là quốc gia duy nhất có số lượng người tị nạn lớn nhất và cũng là nơi trung chuyển người tị nạn đến các nước EU khác.

Chính sách tự do của Thủ tướng Angela Merkel ban đầu được người Đức chấp nhận nhưng sau đó, người Đức trở nên tiêu cực với những người tị nạn. Từ đó, những người theo chủ nghĩa dân túy nổi lên bằng cách khai thác nỗi tức giận của người Đức đối với người tị nạn.

Đảng cực hữu Alternative Fur Deutschland (AFD) tồn tại ở Đức bằng cách sử dụng phong trào chống người tị nạn và chống nhập cư. Sau đó, đảng này triển khai chương trình nghị sự bài ngoại, chống Hồi giáo và phân biệt chủng tộc, giúp nhanh chóng gia tăng sự ủng hộ.

Bên cạnh đó, những người theo chủ nghĩa phát xít mới cũng đóng vai trò hỗ trợ các nhà lãnh đạo dân túy cánh hữu này. Những người theo chủ nghĩa phát xít mới đang phát động các cuộc tấn công bài Do Thái và phân biệt chủng tộc nhằm vào những người nhập cư Do Thái, Hồi giáo và châu Phi.

Hơn nữa, các chính trị gia cực hữu như Gauland, Meuthen và Frauke Petry đang cổ vũ chủ nghĩa phát xít mới vì lợi ích chính trị. Những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu thậm chí đã tạo hình ảnh tốt trong các cuộc bầu cử gần đây và đó thực sự là thách thức đối với các liên minh CDU & CSU trong cuộc bầu cử sắp tới.

Kịch bản tương tự ở Pháp

Những gì xảy ra ở Đức cũng đang diễn ra ở Pháp.

Ở Pháp, các chính trị gia cực hữu giống như Đức đã xuất hiện. Và Đảng Mặt trận Quốc gia Pháp (National Rally) của thủ lĩnh đối lập Marine Le Pen đang đóng một vai trò quan trọng trong việc tuyên truyền hệ tư tưởng cực hữu.

Bà Marine Le Pen đã tham gia chính trường vào năm 2015, năm chứng kiến một châu Âu chìm trong hỗn loạn. Cả tổ chức khủng bố al-Qaeda và IS đều thực hiện các cuộc tấn công khủng bố khốc liệt ở Pháp và những kẻ khủng bố đều là người nhập cư Bắc Phi.

Ngoài ra, các cuộc tấn công ở Pháp trong vài năm gần đây cũng có liên quan đến người nhập cư. Bên cạnh đó, khi những người tị nạn Syria bắt đầu đến châu Âu, Pháp đã cưu mang cho một số lượng lớn người này.

Những sự việc diễn ra năm 2015 đã giúp bà Le Pen có được những lợi thế về mặt chính trị. Kể từ đó, bà đã góp phần phổ biến tư tưởng bài ngoại, chống Hồi giáo, phân biệt chủng tộc và dân túy trong người Pháp.

Giống như Đảng AFD của Đức, bà Marine Le Pen là một người phản đối kiên định của sự thống nhất châu Âu. Bà thậm chí đang xây dựng một chương trình nghị sự chống EU cho cuộc bầu cử năm 2022, như ở cuộc bầu cử diễn ra vào năm 2017.

Giống như bà Angela Merkel, sự nổi tiếng của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đã giảm mạnh. Ông bị chỉ trích vì không thành công trong việc ngăn chặn sự bùng phát của Covid-19.

Tương lai nào đón chờ?

Ở Pháp và Đức, những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu chưa từng lên nắm quyền. Nhưng nếu đảng AFD của Đức hoặc Mặt trận Quốc gia Pháp nắm quyền, đó sẽ là một khó khăn lớn cho EU.

Bởi vì ở các khu vực khác của châu Âu, như Đức và Pháp, những người cực hữu đang tác động đến chính trường một cách sâu sắc. Có thể kể đến Hungary, Áo, Ba Lan, Hà Lan, Thụy Điển, Na Uy. Chủ nghĩa bài ngoại, bạo lực chủng tộc, hận thù chống Hồi giáo và bài Do Thái cũng gia tăng trong những năm gần đây.

Ngoài ra, dư luận ở các nước này đã hình thành tư tưởng chống lại EU trong thời gian gần đây. Ngay cả phán quyết ủng hộ Brexit của người dân Anh cũng là một thành công lớn của những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu.

Những người theo chủ nghĩa ôn hòa và tự do ở Đức và Pháp có vai trò quan trọng trong việc ngăn chặn EU sụp đổ. Vì vậy, các đảng chống EU như AFD & National Rally phải bị ngăn chặn.

Bởi nếu những người theo chủ nghĩa dân túy cánh hữu nắm quyền lực ở hai nước này, họ sẽ kịch liệt phản đối sự thống nhất của châu Âu, điều này sẽ khiến tương lai của EU trở nên bất định.

Hơn nữa, giới lãnh đạo Pháp và Đức đã phải chịu một đòn giáng mạnh về vấn đề Brexit, điều tạo ra sự ngờ vực đối với EU giữa người dân châu Âu.

Ngoài ra, bất ổn chính trị ở Pháp và Đức có thể ảnh hưởng không chỉ khu vực châu Âu mà còn tới cả toàn khu vực xuyên Đại Tây Dương. Bởi cũng giống như cựu Tổng thống Donald Trump của Mỹ, những người dân túy cánh hữu châu Âu cũng tin vào chủ nghĩa bảo thủ và chủ nghĩa yêu nước cực đoan, điều mâu thuẫn với lý thuyết tiến bộ của chính quyền Tổng thống Biden.

Đó chính là lý do những nhà lãnh đạo cánh hữu của châu Âu không thích Tổng thống Mỹ đương nhiệm. Vì thế mới có thể khẳng định sự thay đổi chính trị ở Đức và Pháp có ảnh hưởng đến các mối quan hệ xuyên Đại Tây Dương.

Cựu Tổng thống Mỹ Abraham Lincoln từng nói: “Dân chủ là chính quyền của dân, do dân và vì dân”. Tương lai của châu Âu sẽ phụ thuộc vào lá phiếu của người dân Đức và Pháp. Chính những người dân này sẽ quyết định số phận của Pháp và Đức cũng như số phận của EU.

* Bài viết của Ashiq Iqbal Jishad, khoa Quan hệ quốc tế, trường Đại học Dhaka, Bangladesh đăng trên tạp chí Modern Diplomacy ngày 25/5/2021.

Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-o-duc-va-phap-dinh-vi-tuong-lai-cua-eu-147124.html