Bầu cử Pháp 2022: 'Giờ G' sắp điểm nhưng cuộc đua vẫn chưa ngã ngũ

Cuộc đua vào Điện Élyseé vẫn căng thẳng đến những giờ phút cuối cùng. Liệu tương lai nước Pháp 5 năm tới sẽ ra sao?

Cuộc chạy đua vào Điện Élyseé của hai ứng cử viên tổng thống Pháp Emmanuel Macron và Marine Le Pen đang đi đến những giây phút cuối cùng. Kết quả sẽ có vào tối 24-4 (giờ địa phương). Nước Pháp và cả thế giới vẫn đang hồi hộp chờ đợi ai sẽ là chủ nhân tiếp theo của Điện Élyseé và nước Pháp sẽ ra sao trong 5 năm tới.

“30 chưa phải là Tết”

Hai ứng cử viên tổng thống Pháp 2022 đã tận dụng đến những giờ phút cuối cùng của chiến dịch vận động tranh cử vào hôm 22-4 để tiếp tục thuyết phục người dân bỏ phiếu cho mình, theo tờ Washington Post.

Hiện kết quả trung bình của cuộc thăm dò cuối cùng cho thấy ông Macron đang dẫn trước Le Pen 10 điểm phần trăm, có biến chuyển nhiều hơn sau khi ông thắng sít sao bà Le Pen ở vòng bầu cử đầu tiên vào 2 tuần trước. Một tổ chức tài chính, ngân hàng ở phố Wall cũng đã “đặt cược” rằng ông Macron thắng dựa trên những cuộc thăm dò dư luận. Ví dụ, ngân hàng Goldman Sachs dự đoán khả năng ông Macron thắng là 90%, còn tập đoàn Citigroup cho rằng xác suất thắng của ông Macron là 65%.

Tuy nhiên, vẫn có khả năng bà Le Pen giành chiến thắng. Kết quả thăm dò vẫn có sai số và vẫn chưa phải là kết quả cuối cùng. Hơn nữa, số cử tri đi bỏ phiếu vào ngày 24-4 tới sẽ đóng vai trò then chốt về việc ai sẽ là người lèo lái nước Pháp trong 5 năm tới.

Hai ứng cử viên tổng thống Pháp năm 2022 Marine Le Pen (trái) và Emmanuel Macron. Ảnh: REUTERS

Hai ứng cử viên tổng thống Pháp năm 2022 Marine Le Pen (trái) và Emmanuel Macron. Ảnh: REUTERS

Nếu ông Macron thắng, ông sẽ trở thành Tổng thống Pháp đầu tiên đắc cử liên tiếp hai nhiệm kỳ trong vòng 20 năm qua, kể từ khi cựu Tổng thống Jacques Chirac đánh bại ứng cử viên Jean-Marie - cha của bà Le Pen để tại vị ở nhiệm kỳ thứ 2. Nhóm vận động tranh cử của ông đã đặt chỗ ở công viên Champ-de-Mars, ngay dưới chân tháp Eiffel để chuẩn bị cho ông Macron phát biểu, nếu ông đắc cử, theo trang The Local.

Ngược lại, nếu bà Le Pen đắc cử, bà sẽ trở thành nữ tổng thống đầu tiên của nước Pháp. Một cuộc chuyển giao quyền lực sẽ diễn ra ở Điện Élyseé đưa Pháp rẽ sang lối đi mới. Khởi đầu hành trình đó, bà sẽ bắt đầu thành lập nội các của mình với không ít khó khăn do đảng của bà không có nhiều nhân vật có kinh nghiệm để làm bộ trưởng.

Hai hướng đi khác nhau cho nước Pháp

Đài BBC chỉ ra những quan điểm khác nhau của hai ứng cử viên trong một số vấn đề nổi bật và tương lai nước Pháp trong 5 năm tới sẽ theo những định hướng này.

Về đường hướng tranh cử, chi phí sinh hoạt là vấn đề trọng tâm trong chiến dịch tranh cử của ứng cử viên cực hữu Le Pen. Một vấn đề then chốt khác là đưa nhà ở xã hội và phúc lợi trở thành “ưu tiên quốc gia” của người dân Pháp và chống chủ nghĩa Hồi giáo.

Còn ông Macron tranh cử với khẩu hiệu “Nous Tous”, nghĩa là “tất cả chúng ta”. Ông đang cố gắng thu hút cả cử tri của cả cánh tả và cánh hữu và mong muốn nước Pháp phải “đổi mới hoàn toàn”.

Về chi phí sinh hoạt, bà Le Pen cam kết sẽ có một loạt các biện pháp để cắt giảm chi phí sinh hoạt. Bên cạnh đó, bà muốn bãi bỏ thuế thu nhập cho tất cả những người dưới 30 tuổi, giảm thuế giá trị gia tăng (VAT) đối với nhiên liệu từ 20% xuống 5,5% và bãi bỏ thuế đối với 100 mặt hàng thiết yếu khác. Ngoài ra, bà muốn các doanh nghiệp tăng 10% lương cho công nhân nhưng không phải đóng thuế,...

Ông Emmanuel Macron cho biết chính phủ đã chi hàng tỉ euro để giảm bớt gánh nặng cho người dân về giá năng lượng và cho rằng biện pháp này "hiệu quả gấp đôi so với việc giảm thuế VAT". Ông đề xuất rằng người sử dụng lao động nên thưởng cho nhân viên một khoản tiền thưởng không đánh thuế thuế lên tới 6.000 euro. Ngoài ra, ông đồng ý với bà Le Pen trong việc tăng lương giáo viên và bỏ việc phải tiền bản quyền truyền hình.

Ông Macron trong một cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp 2022. Ảnh: AFP

Ông Macron trong một cuộc vận động tranh cử tổng thống Pháp 2022. Ảnh: AFP

Về vấn đề lương hưu, ông Macron muốn nâng độ tuổi hưởng lương hưu từ 62 lên 65 và sẽ nâng dần tuổi hưu lên 4 tháng mỗi năm, nhưng chính sách này không được lòng phe cánh tả. Ông cũng hứa sẽ tăng lương hưu tối thiểu lên 1.100 euro.

Còn bà Le Pen gọi kế hoạch nâng tuổi hưu của ông Macron là sự bất công và muốn giữ tuổi nghỉ hưu là 62 và cũng muốn tăng lương hưu tối thiểu lên 1.000 euro, ít hơn ông Macron.

Về quan hệ với châu Âu, ông Macron đã gọi cuộc bầu cử này là một "cuộc trưng cầu dân ý về châu Âu". Ông cáo buộc bà Le Pen muốn đưa Pháp ra khỏi Liên minh châu Âu (EU) nhưng chưa dám tuyên bố thẳng thừng ra. Ông cho rằng châu Âu đã bảo vệ Pháp khỏi các cuộc khủng hoảng và chiến tranh do đó Pháp phải hợp tác chặt chẽ với khu vực.

Với bà Le Pen, bà sẽ đặt nước Pháp và luật của Pháp lên hàng ưu tiên. Theo đó, bà sẽ thắt chặt kiểm soát biên giới, cắt giảm các khoản đóng góp của Pháp cho EU và ưu tiên sử dụng luật Pháp. Bà cũng tuyên bố sẽ ngừng mọi hoạt động hợp tác với Đức, bao gồm các dự án xe tăng và máy bay quân sự. Tuy nhiên, bà phủ nhận về vấn đề “Frexit” - đưa Pháp ra khỏi khối EU như Anh từng làm.

Về quan điểm với Nga và Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO), bà Le Pen đã chỉ trích việc Nga xâm lược Ukraine nhưng vẫn có quan điểm thân thiện với Nga do đảng của bà đã từng vay tiền của ngân hàng Nga. Bà tỏ ra không hài lòng với những người phản đối quan hệ với ông Putin và phản đối lệnh trừng phạt về nhập khẩu nhiên liệu từ Nga của EU.

Ứng cử viên Le Pen trong một cuộc tiếp xúc cử tri 2022. Ảnh: AP

Ứng cử viên Le Pen trong một cuộc tiếp xúc cử tri 2022. Ảnh: AP

Bà đã đề xuất rằng Pháp không nên đảm nhiệm vị trí “chỉ huy tổng hợp” mà chỉ là thành viên bình thường của khối quân sự này. Sau chiến sự Ukraine, bà tin rằng cần có một "mối quan hệ hợp tác chiến lược giữa NATO và Nga".

Về phần ông Macron, ông đã đóng một vai trò ngoại giao quan trọng trong cuộc chiến ở Ukraine, trong khi Pháp giữ chức chủ tịch EU. Ông đã duy trì liên lạc chặt chẽ với Tổng thống Ukraine - ông Volodymyr Zelensky và nói rằng vai trò của Pháp và châu Âu là cung cấp cho Ukraine thiết bị quân sự và tiếp nhận người tị nạn.

Về vấn đề nhập cư, bà Le Pen muốn siết chặt việc nhập cảnh vào Pháp và trở thành người Pháp. Bà cũng muốn công dân Pháp được cung cấp nhà ở và các dịch vụ xã hội trước người nước ngoài. Ông Macron nói rằng bà không tôn trọng hiến pháp khi đưa ra chính sách này và gọi đây là chủ nghĩa dân tộc chứ không phải là chủ nghĩa yêu nước.

ĐỨC HIỀN

Nguồn PLO: https://plo.vn/bau-cu-phap-2022-gio-g-sap-diem-nhung-cuoc-dua-van-chua-nga-ngu-post677101.html