Bầu cử Quốc hội trước thời hạn tại Bulgaria: Chưa qua cơn khủng hoảng
Thông tin mới nhất của Bulgaria về cuộc bầu cử Quốc hội vừa được tổ chức vào ngày 2-4 cho thấy với hầu hết số phiếu được kiểm, không có đảng nào giành được trên 50% số phiếu để đứng ra thành lập chính phủ. Điều này có nghĩa là các đảng phái sẽ phải bước vào quá trình đàm phán để thành lập liên minh cầm quyền. Tuy nhiên, sự bất đồng giữa các đảng khiến dư luận lo ngại vòng xoáy khủng hoảng trên chính trường sẽ tiếp tục kéo dài tại đất nước này.
Cựu Thủ tướng Boyko Borissov, lãnh đạo đảng Công dân vì sự phát triển châu Âu của Bulgaria sẽ phải đàm phán với các đảng phái khác để thành lập chính phủ liên minh.
Dù đứng đầu trong “cuộc đua” bầu cử Quốc hội, song đảng Công dân vì sự phát triển châu Âu của Bulgaria (GERB) chỉ giành được 26,5%. Đứng thứ hai là liên minh hai đảng Tiếp tục thay đổi - Bulgaria dân chủ (PP-DB) với 24,6% phiếu ủng hộ. Tiếp theo, đảng Phục hưng với chính sách ủng hộ Nga, phản đối Bulgaria gia nhập Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) nhận được 14,1%. Đảng Phong trào Quyền và Tự do giành 13,9%, trong khi đảng Xã hội Bulgaria vì Bulgaria được 9,2% phiếu bầu.
Theo Hiếp pháp Bulgaria, quyền đứng ra đàm phán thành lập chính phủ thuộc về đảng Công dân vì sự phát triển châu Âu của Bulgaria do cựu Thủ tướng Boyko Borissov đứng đầu. Các nhà phân tích cho rằng, liên minh lý tưởng nhất hiện nay là sự kết hợp giữa GERB và PP-DB bởi hai bên có quan điểm gần gũi về đường lối, chính sách thân phương Tây và đưa xứ sở Hoa hồng gia nhập Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương. Tuy nhiên, mâu thuẫn cá nhân giữa các nhà lãnh đạo hai bên lại quá nghiêm trọng. Ông Kiril Petkov, người giữ vị trí Thủ tướng Bulgaria giai đoạn 2021-2022, lãnh đạo liên minh "Tiếp tục thay đổi - Bulgaria dân chủ", đã loại trừ khả năng kết hợp với GERB. Điều này đồng nghĩa với việc ông Boyko Borissov phải thương lượng với 3 đảng phái còn lại. Song, do quan điểm điều hành của đảng Phục hưng, đảng Phong trào Quyền và Tự do, đảng Xã hội Bulgaria vì Bulgaria có nhiều khác biệt nên các cuộc đàm phán dự kiến sẽ rất khó khăn. Ngay cả khi thành lập được chính phủ liên hiệp, khả năng bảo đảm sự gắn kết và thống nhất xuyên suốt nhiệm kỳ cũng rất mong manh.
Sở dĩ chính trường Bulgaria luôn trong tình trạng “sóng gió” 3 năm gần đây là do không có một nhà lãnh đạo nào giành được sự ủng hộ mạnh mẽ của cử tri. Cuộc bầu cử diễn ra trong bối cảnh công chúng mất dần niềm tin vào các đảng cầm quyền. Sự bất bình đối với giới tinh hoa chính trị ngày càng gia tăng khi nhiều cử tri cho rằng, các nhà lãnh đạo không sẵn sàng giải quyết vấn đề tham nhũng và cải cách kinh tế. Bắt đầu từ nhiệm kỳ thủ tướng của ông Boyko Borissov (2017-2021), nhiều cuộc biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng đã liên tục diễn ra. Bất ổn trên chính trường khiến người dân có dấu hiệu mất kiên nhẫn. Điều này được thể hiện qua tỷ lệ cử tri đi bỏ phiếu ở mức thấp (40%).
Theo số liệu của FocusEconomics, lạm phát tại Bulgaria trong tháng 1-2023 vẫn ở mức 16,4%. Giá thực phẩm, nhà ở, nước, điện, khí đốt và các nhiên liệu khác tăng cao trong thời gian dài đã tạo áp lực không nhỏ đối với người dân. Tăng trưởng kinh tế trong năm 2023 dự kiến sẽ giảm xuống 1,4% so với mức 3,9% trong năm 2022. Trước khi bầu cử diễn ra, dư luận quốc tế từng kỳ vọng sự kiện này sẽ chấm dứt tình trạng bất ổn của chính phủ và mở ra con đường vượt qua những khó khăn kinh tế do cuộc xung đột ở Ukraine gây ra.
Tuy nhiên, với kết quả bầu cử như được thông báo, không ít ý kiến lo ngại, Bulgaria sẽ phải tiến hành thêm một cuộc bầu cử nữa trong thời gian ngắn. Nếu điều này xảy ra, các kế hoạch phục hồi kinh tế sẽ bị đình trệ. Là quốc gia nghèo nhất trong Liên minh châu Âu (EU), việc thiếu một cơ quan lập pháp hoạt động hiệu quả cũng sẽ cản trở Bulgaria tiếp cận gói hỗ trợ phục hồi sau đại dịch Covid-19 trị giá 5,7 tỷ euro từ EU, cũng như kế hoạch của nước này tham gia Khu vực đồng tiền chung châu Âu (Eurozone) vào năm 2024.