Bầu cử Singapore: Phút giao thời
Cuộc bầu cử đầu tiên của Đông Nam Á kể từ khi đại dịch Covid-19 bùng phát có thể mang đến nhiều thay đổi bước ngoặt cho chính trường Singapore. Bình luận của Thế giới & Việt Nam
Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long trong bài phát biểu, vận động tranh cử trực tuyến tại khu vực Fullerton ngày 6/7. (Nguồn: The Strait Times)
Bởi lẽ, sự kiện này diễn ra trong bối cảnh Singapore đang chứng kiến nhiều biến động lớn.
Thứ nhất, quốc gia này chưa kiểm soát được hoàn toàn đại dịch Covid-19. Theo The Straits Times, tính đến chiều ngày 7/7, Singapore đã ghi nhận thêm 157 ca dương tính, trong đó 20 trường hợp lây nhiễm từ cộng đồng và 3 trường hợp từ bên ngoài, đã cách ly tại nhà ngay khi nhập cảnh. Như vậy, từ đầu dịch, Singapore đã có 45.140 người mắc Covid-19, trong đó phần lớn là lao động nhập cư. Tuy nhiên, với biện pháp phòng chống dịch hiệu quả, điều trị kịp thời khiến Singapore có tỷ lệ tử vong thấp, với 26 người chết.
Thứ hai, nội bộ đảng cầm quyền Hành động Nhân dân (PAP) đang trong giai đoạn chuyển giao thế hệ. Theo The Straits Times ngày 30/6, 17 đại biểu quốc hội của PAP, trong đó có cựu Thủ tướng Goh Chok Tong, sẽ không ứng cử nhiệm kỳ tới. Quan trọng hơn, đây có thể là lần cuối Thủ tướng Lý Hiển Long tranh cử. Trong cuộc phỏng vấn với đài CNBC (Mỹ) cuối tháng 10/2017, ông từng tuyên bố một khi tìm được người kế nhiệm, ông sẵn sàng rời chính trường sau cuộc bầu cử sắp tới, trước khi ông 70 tuổi.
Do đó, một số chuyên gia cho rằng ngay cả khi chiến thắng, ông Lý Hiển Long nhiều khả năng sẽ sớm tiến hành chuyển giao quyền lực. Cũng trong cuộc phỏng vấn trên, ông khẳng định sẽ đảm bảo quá trình thay đổi sẽ diễn ra thuận lợi bằng việc xây dựng một đội ngũ quan chức có năng lực, được rèn luyện qua quá trình công tác để đảm đương hoạch định, triển khai chính sách lớn.
Tất cả những điều này có thể thành hiện thực trong bầu cử tới. Ngày 7/7, Thủ tướng Lý Hiển Long khẳng định sẽ tiếp tục cùng nội các bàn giao lại một Singapore “bình an và hoạt động hiệu quả” cho những người mới. Và theo CNBC, người mới đó có thể là Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Vương Thụy Kiệt. Ông Vương Thụy Kiệt cùng một số các quan chức nội các khác, thường được gọi là thế hệ lãnh đạo 4G, đã đi đầu trong hoạch định và lên kế hoạch triển khai chống đại dịch Covid-19. Những nhân vật này được kỳ vọng sẽ đóng vai trò dẫn dắt PAP trong cuộc bầu cử tới.
Thứ ba, hai yếu tố trên đã tạo khoảng trống để các đảng nhỏ hơn ở Singapore có cơ hội thể hiện mình. Thú vị thay, thách thức lớn nhất mà PAP phải đối mặt lại đến từ một nhân vật khác của nhà họ Lý, em trai Thủ tướng Lý Hiển Long, ông Lý Hiển Dương. Dù không ra tranh cử vì “Singapore không cần một người họ Lý nữa”, song việc ông ủng hộ đảng đối lập Singapore Tiến bộ (PSP) do cựu nghị sỹ Tan Cheng Bock lãnh đạo, thay vì sát cánh cùng chính đảng của cha và anh trai có thể tác động đáng kể tới cuộc bầu cử sắp tới, thách thức lớn
16 năm trước, Thủ tướng Lý Hiển Long lên nắm quyền khi Singapore đang trở thành quốc gia phát triển, với bối cảnh toàn cầu hóa rộng mở. Câu chuyện giờ đã khác. Người kế nhiệm ông, dù là ai, thuộc đảng nào, sẽ phải giải quyết nhiều bài toán khó, từ hệ quả kinh tế - xã hội, khôi phục vị thế khu vực và quốc tế tới xu thế “đóng cửa” của nhiều quốc gia hậu đại dịch, điều đặc biệt quan trọng với Singapore, vốn có nền kinh tế mở, phụ thuộc vào giao thương quốc tế.
Đó cũng là lý do cương lĩnh tranh cử của PAP lại nhấn mạnh yếu tố đoàn kết để cùng vượt qua khủng hoảng từ đại dịch, với khẩu hiệu “Cuộc sống, Công việc và Tương lai của chúng ta”. Tuy nhiên, danh tính của người gánh trọng trách hiện thực hóa khẩu hiệu này sẽ chỉ được định đoạt bởi cử tri vào ngày 10/7 tới.
Nguồn TG&VN: https://baoquocte.vn/bau-cu-singapore-phut-giao-thoi-118929.html