Bầu cử sớm có giúp giảm căng thẳng chính trị?

Pakistan có khả năng chuẩn bị tổ chức cuộc bầu cử sớm trong vòng 90 ngày sau khi Tổng thống Arif Alvi tuyên bố giải tán Quốc hội hồi cuối tuần qua theo đề nghị của Thủ tướng Imran Khan. Động thái trên được thực hiện ngay sau cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm đối với người đứng đầu Nội các do phe đối lập tổ chức tại Quốc hội bị bác bỏ vì lý do vi hiến.

Thủ tướng Pakistan Imran Khan

Thủ tướng Pakistan Imran Khan

Nguồn: ITN

Số phận chính trị của Thủ tướng Khan trở nên bấp bênh những tuần qua sau khi ông mất đi sự ủng hộ cả ở Hạ viện và của lực lượng quân đội nhiều quyền lực. Đảng PTI cầm quyền đánh mất thế đa số tại Quốc hội sau khi đồng minh chủ chốt trong liên minh cầm quyền là Phong trào Muttahida Qaumi Pakistan (MQM-P) ngả theo phe đối lập. Phe đối lập luôn chỉ trích Thủ tướng vì khả năng quản trị và quản lý kinh tế yếu kém, đồng thời đệ trình cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm được tổ chức tại Quốc hội, thúc giục Thủ tướng từ chức vào ngày 8.3.

Hiện Pakistan rơi vào tình trạng hỗn loạn chính trị khi quốc gia Nam Á này đang chờ phán quyết quan trọng của Tòa án tối cao về việc liệu kế hoạch bầu cử sớm của Thủ tướng Imran Khan có thể được tiến hành hay không. Bởi vì, phe đối lập đã kháng cáo động thái trên vào hôm qua (5.4).

Vì sao Thủ tướng Pakistan gặp khó?

Theo CNN, Pakistan, quốc gia 220 triệu dân, đã phải vật lộn với tình trạng bất ổn chính trị kể từ khi thành lập vào năm 1947 với nhiều chính quyền thay đổi và các cuộc đảo chính quân sự. Không có Thủ tướng nào hoàn thành nhiệm kỳ đủ 5 năm.

Trong khi đó, Thủ tướng Imran Khan gặp khó ngay từ năm 2018, khi ông bắt đầu lên nắm quyền trong một cuộc bầu cử với nhiều cáo buộc gian lận. Gần đây, ông bị phe đối lập chỉ trích vì khả năng điều hành kinh tế yếu kém và phá vỡ chính sách đối ngoại của nước này. Chi phí cho các nhu yếu phẩm cơ bản như thực phẩm và nhiên liệu đang tăng vọt, với lạm phát ở mức hai con số, và dự trữ ngoại hối của Chính phủ đang nhanh chóng cạn kiệt.

Một số thành viên trong Chính phủ liên minh cũng xa dần Thủ tướng vì cho rằng không hợp tác với họ, trong khi ông ngày càng bị quân đội, vốn từng ủng hộ ông, "bỏ rơi". Quân đội Pakistan, vốn từ lâu có ảnh hưởng đến chính sách đối ngoại, dường như không hài lòng với một loạt động thái ngoại giao của Thủ tướng Immir Khan khiến nước này rời xa Mỹ và xích lại gần Trung Quốc và Nga. Thực tế, Thủ tướng Pakistan chưa có cuộc trò chuyện nào với Tổng thống Mỹ kể từ khi ông Joe Biden nhậm chức năm ngoái. Trong khi đó, ông gặp Tổng thống Nga Vladimir Putin ở Moscow vào ngày Nga khởi động "chiến dịch quân sự đặc biệt" nhằm vào Ukraine.

Có vẻ quan điểm của quân đội đã xung khắc với Thủ tướng về những vấn đề này vì hôm 2.4, Tham mưu trưởng Lục quân Pakistan, Tướng Qamar Javed Bajwa, đã phát biểu, nước này chia sẻ "lịch sử lâu dài về mối quan hệ tuyệt vời với Mỹ", đồng thời khẳng định duy trì quan hệ với Washington là "sống còn" đối với lợi ích quốc gia của Pakistan. Mặc dù vậy, quân đội Pakistan cho biết, họ "hoàn toàn không có" mối liên hệ nào với cuộc khủng hoảng hiện tại, cho đây "hoàn toàn là vấn đề chính trị".

Tòa án tối cao có thể quyết định điều gì?

Theo các nhà phân tích, ba kết quả có khả năng xảy ra. Điều đầu tiên - được phe đối lập ủng hộ nhất - là Tòa án cho rằng việc bác bỏ cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm là vi hiến và lật ngược quyết định kêu gọi tổ chức bầu cử sớm của Thủ tướng Khan. Nếu tình huống đó xảy ra, Thủ tướng Khan một lần nữa có thể phải đối mặt với cuộc bỏ phiếu bất tín nhiệm khác mà khả năng bị thua là khá cao.

Trong kịch bản thứ hai, Tòa án có thể phán quyết hành động của Thủ tướng Khan là vi hiến nhưng từ chối khôi phục Quốc hội, cho rằng họ thiếu thẩm quyền để làm như vậy. Trong trường hợp này, một cuộc bầu cử sớm vẫn có thể diễn ra.

Kết quả tiềm năng thứ ba có thể là Tòa án từ chối đưa ra phán quyết, ủng hộ các động thái của Thủ tướng và mở đường cho cuộc bầu cử sớm.

Khả năng chiến thắng của Thủ tướng đến đâu?

Nếu cuộc bầu cử sớm được tiến hành, trong bối cảnh mất đi sự hậu thuẫn của các đồng minh chính trị chủ chốt và quân đội quyền lực, hy vọng chính của Thủ tướng Khan để có thể tiếp tục giữ ghế trông chờ vào điều gì?

Khoảng 16 năm sau khi trở thành nhà lập pháp, ông Imran Khan được bầu làm Thủ tướng vào năm 2018, với cam kết xóa bỏ đói nghèo, tham nhũng và hứa hẹn xây dựng một "Pakistan mới". Kể từ đó, ông nhận được sự ủng hộ rộng rãi của cử tri. Thực tế, hàng chục ngàn người đã xuống đường ở Thủ đô Islamabad trong những ngày gần đây để ủng hộ ông. Ngoài ra, ông cũng nhận được đánh giá cao của một số bộ phận công chúng nhờ thương hiệu độc nhất vô nhị của mình về chủ nghĩa dân túy Hồi giáo và các tuyên bố đanh thép về can thiệp của nước ngoài vào các vấn đề của Pakistan. Chưa hết, sức hấp dẫn của ông còn đến từ sự nghiệp chơi criket nổi tiếng trước khi bước vào con đường chính trị…

GS. Surya Deva tại Trường Luật Macquarie ở Sydney nhận định, động thái thúc đẩy một cuộc bầu cử sớm của Thủ tướng Khan chưa chắc có lợi, thậm chí còn phản tác dụng. Theo ông Deva, nền kinh tế khó khăn và những rạn nứt ngày càng tăng với các đồng minh cả trong và ngoài sẽ khiến cuộc bầu cử sớm sẽ không dễ dàng với nhà lãnh đạo Pakistan.

Ngọc Minh

Nguồn Đại Biểu Nhân Dân: https://daibieunhandan.vn/bau-cu-som-co-giup-giam-cang-thang-chinh-tri-b3jc86cc2h-81865