Bầu cử sớm Quốc hội Pháp: 'Canh bạc' đầy mạo hiểm của Tổng thống Pháp Macron bị đe dọa

Sau thất bại nặng nề trước đảng cực hữu trong vòng một bầu cử Quốc hội Pháp, đảng trung dung của Tổng thống Pháp Emmanuel Macron đang đứng trước mối đe dọa nghiêm trọng.

Canh bạc của Tổng thống Pháp

Hồi đầu tháng 6, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron chính là người tuyên bố giải tán Quốc hội, kêu gọi tổ chức bầu cử sớm sau khi đảng của ông bị thua tại bầu cử Nghị viện Châu Âu.

Tuy nhiên, quyết định này có khả năng tiếp tục đẩy đảng của ông Macron rơi sâu vào thất bại.

Theo Bộ Nội vụ Pháp, trong vòng đầu tiên bầu cử Quốc hội hôm 30/6, đảng cực hữu National Rally (RN) giành được 33% phiếu bầu. Liên minh cánh tả Mặt trận Bình dân Mới (NFP) về thứ hai với 28% và liên minh Chung sức vì nền Cộng hòa (do đảng Phục hưng của Tổng thống Emmanuel Macron dẫn đầu) giành được 20%.

Sau vòng đầu tiên, chỉ những ứng cử viên giành được ít nhất 12,5% số phiếu bầu ở vòng đầu tiên mới có thể lọt vào vòng hai.

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: Reuters).

Tổng thống Pháp Emmanuel Macron (Ảnh: Reuters).

Tại thời điểm kêu gọi bầu cử sớm, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron cam kết đây là lúc cần thiết làm rõ mọi vấn đề.

Nhưng sau ba tuần vận động tranh cử gấp rút và bối rối, kết quả cho thấy canh bạc của Tổng thống đã thất bại.

Báo Euro News dẫn lời ông Emmanuel Rivìere, một chuyên gia chính trị và thăm dò ý kiến, đánh giá: "Việc đảng của ông Macron về vị trí thứ ba trong cuộc bầu cử do chính ông thúc giục là thất bại nặng nề".

Phản ứng sau cuộc bầu cử, ông Macron không thừa nhận đảng của mình đã bị đánh bại, thay vào đó kêu gọi người ủng hộ thực hiện cuộc tuần hành rộng rãi, rõ ràng và dân chủ để chuẩn bị cho vòng bầu cử thứ hai.

Ông Macron và các đồng minh cũng kêu gọi những người ủng hộ ngăn chặn phe cực hữu giành chiến thắng trong vòng tiếp theo của cuộc bầu cử lập pháp dự kiến vào ngày 7/7 tới.

Tìm cách cứu vãn

Báo Euro News dẫn lời ông François-Xavier Millet - chuyên gia chính trị, Giáo sư tại Đại học Antilles cho biết: "Xét trên nhiều mặt, cuộc bỏ phiếu vừa qua có thể ví như 'cuộc biểu tình' của người dân khi họ bất mãn với cách Tổng thống Pháp xử lý các vấn đề quan trọng trong nước".

Theo ông, trong ngắn hạn, không thể nhìn thấy hy vọng cho đảng trung dung của Tổng thống.

Nhưng về dài hạn, Giáo sư Millet tin rằng ông Macron có thể cứu vãn tình hình dù đảng cực hữu RN giành được đa số phiếu.

"Ông Macron có thể thể hiện mình là người bảo vệ Hiến pháp, nỗ lực bảo vệ nước Pháp trước một số quyết định của đảng cực hữu" - chuyên gia Millet nói.

Trong nỗ lực mới nhất để đảo ngược kết quả bầu cử, các đảng cánh tả và đảng liên minh cầm quyền của Tổng thống đang quyết định loại bớt các ứng viên để tập trung số phiếu cho các ứng viên tốt nhất có thể đánh bại các ứng cử viên đảng cực hữu.

Sau 18h chiều 2/7, hạn chót nộp ứng cử vòng hai, danh sách chính thức chỉ còn lại hơn 1.100 ứng cử viên tham gia vòng đua cuối giành ghế nghị sĩ.

Phe cánh tả đã rút 130 ứng viên còn liên minh của đảng cầm quyền rút 82 ứng viên tại các nơi có các cuộc đấu tay ba, nhằm dồn phiếu cho các ứng cử viên đối đầu với đảng cực hữu RN.

Để có được đa số tuyệt đối, phe cực hữu RN phải giành được ít nhất 289/577 ghế ở Quốc Hội sau hai vòng bầu cử.

Bắt đầu từ hôm nay, các chính đảng còn ba ngày để thực hiện các cuộc vận động nước rút, chủ yếu là thương lượng để liên minh liên kết với nhau, trước khi bước vào vòng đấu quyết định ngày Chủ nhật 7/7.

Trang Trần

Nguồn Giao Thông: https://www.baogiaothong.vn/bau-cu-som-quoc-hoi-phap-canh-bac-day-mao-hiem-cua-tong-thong-phap-macron-bi-de-doa-192240703170949574.htm