Bầu cử Thái Lan: Nỗ lực thành lập liên minh cầm quyền của MFP đối mặt rào cản
Nỗ lực thành lập liên minh cầm quyền của Đảng Tiến bước (MFP) đối diện với rào cản sau khi một số Thượng nghị sỹ cho biết họ sẽ không ủng hộ ứng cử viên Thủ tướng của đảng này.
Lãnh đạo Đảng Tiến bước (MFP), ông Pita Limjaroenrat hôm 15/5 đã công bố kế hoạch thành lập một Chính phủ liên minh bao gồm 6 chính đảng: Tiến bước, Vì nước Thái, Thai Sang Thai, Prachachart, Seri Ruam Thai và Pen Tham (đảng Công bằng) với tổng số ghế giành được là 310, chiếm đa số tại Hạ viện, và ông Pita sẽ là Thủ tướng.
Thông báo trên được đưa ra sau khi Ủy ban Bầu cử Thái Lan (EC) tuyên bố MFP là đảng giành được nhiều ghế nhất trong cuộc Tổng tuyển cử hôm Chủ nhật (14/5) với 152 ghế nghị sỹ, trong đó 113 nghị sỹ theo khu vực bầu cử và 39 nghị sỹ theo danh sách đảng.
Tuy nhiên, nỗ lực thành lập một liên minh cầm quyền của MFP ngay lập tức đối diện với rào cản sau khi một số Thượng nghị sỹ cho biết họ sẽ không ủng hộ ứng cử viên Thủ tướng của đảng này.
Hạ viện Thái Lan, gồm 500 hạ nghị sỹ, được trao quyền xem xét và phê chuẩn việc bổ nhiệm một trong những ứng cử viên do các đảng đề cử làm Thủ tướng. Tuy nhiên, một điều khoản tạm thời trong Hiến pháp năm 2017 trao quyền cho Thượng viện, gồm 250 thượng nghị sỹ, sẽ cùng với Hạ viện để bầu chọn Thủ tướng.
Điều khoản tạm thời này sẽ có hiệu lực trong 5 năm tính từ thời điểm Quốc hội Thái Lan (gồm cả Hạ viện và Thượng viện) triệu tập lần đầu, tức sau Tổng tuyển cử năm 2019. Như vậy, Thượng viện sẽ tiếp tục có quyền tham gia bầu chọn Thủ tướng Thái Lan sau cuộc bầu cử vào ngày 14/5 vừa qua. Đây có thể là lần cuối cùng Thượng viện thực hiện quyền hiến định này.
Nếu MFP có đủ sự ủng hộ của 376/750 nghị sỹ của cả Hạ viện, ông Pita sẽ trở thành Thủ tướng mà không cần tới sự ủng hộ của Thượng viện. Trong trường hợp MFP chỉ có được 309 ghế nghị sỹ, tiếng nói của Thượng viện sẽ đóng vai trò quan trọng, thậm chí mang tính quyết định đối với nỗ lực của MFP nhằm thành lập liên minh cầm quyền sau bầu cử.
Thượng nghị sỹ Jadet Insawang cho biết, khi đảm nhận chức vụ Thượng nghị sỹ, ông đã tuyên thệ bảo vệ chế độ quân chủ lập hiến, và do đó sẽ không ủng hộ nếu ông Pita, ứng cử viên Thủ tướng của MFP, được đề cử để bỏ phiếu trong Quốc hội.
Theo Thượng nghị sỹ Kittisak Rattanawaraha, các thượng nghị sỹ sẽ xem xét tư cách của bất kỳ ứng cử viên Thủ tướng nào được đề cử để bỏ phiếu trong Quốc hội, và một trong những tiêu chuẩn là ứng cử viên phải trung thành với đất nước, tôn giáo và chế độ quân chủ. Thượng nghị sỹ Kittisak Rattanawaraha cũng cho biết hiện còn quá sớm để bình luận về cấu trúc của một chính phủ liên minh, đồng thời nhấn mạnh các thượng nghị sỹ sẽ đưa ra quyết định vì lợi ích tốt nhất của đất nước.
Trong khi đó, Thượng nghị sỹ Chalermchai Fuengkorn khẳng định lại nguyên tắc bất kỳ đảng nào giành được nhiều ghế nhất tại Hạ viện phải có đủ sự ủng hộ của 376/750 nghị sỹ của Quốc hội để ứng cử viên Thủ tướng của đảng đó có thể được bầu trở thành Thủ tướng.)
Điều 85 của Hiến pháp Thái Lan quy định EC phải công bố kết quả bầu cử chính thức trong vòng 60 ngày kể từ ngày bầu cử (trước ngày 14/7). Nếu các ứng cử viên hoặc cử tri cho rằng kết quả bầu cử có những bất thường, không công bằng hoặc không chính xác, họ được phép gửi khiếu nại lên EC trước hoặc trong vòng 30 ngày kể từ ngày công bố kết quả chính thức.
Trong vòng 15 ngày kể từ ngày công bố kết quả chính thức (trước cuối tháng 7), Hạ viện mới sẽ được triệu tập, họp phiên khai mạc và bầu Chủ tịch, các Phó Chủ tịch Hạ viện. Chủ tịch Hạ viện cũng đồng thời là Chủ tịch Quốc hội.
Tiếp đó, Chủ tịch Quốc hội sẽ triệu tập phiên họp lưỡng viện với 750 nghị sỹ để tiến hành bầu chọn Thủ tướng trên cơ sở danh sách đề cử của các chính đảng hoặc liên minh các chính đảng.
Người được Quốc hội bầu chọn làm Thủ tướng sẽ chỉ chính thức trở thành Thủ tướng Thái Lan sau khi Nhà vua phê chuẩn. Sau đó, Thủ tướng mới sẽ đệ trình danh sách Nội các mới để Quốc hội bầu chọn theo hình thức cả gói trước khi trình Hoàng gia phê chuẩn. Dự kiến Nội các mới sẽ được bổ nhiệm vào đầu tháng 8/2023./.